
Liên Xô từng mất 5 chiếc MiG-21 trong một cuộc trả đũa của Israel.
Vào ngày 30/7/1970, 5 chiến đấu cơ MiG-21 của Liên Xô bị tiêu diệt trên bầu trời bởi Không quân Israel (IAF). Tất cả chỉ diễn ra trong vòng ba phút.
Theo National Interest câu chuyện xảy ra cách đây 48 năm cũng cho thấy những điểm tương đồng như kịch bản đối đầu Mỹ, Nga, Israel ngày nay ở Syria.
Ở thời điểm đó, Ai Cập - đối tác mua vũ khí thân thiết của Liên Xô đang gặp rắc rối với Israel. Thất bại trong Chiến tranh sáu ngày năm 1967, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser đã quyết định đối đầu trực tiếp với Israel bất chấp nguy cơ thất bại.
Chiến tranh tiêu hao 1967–1970 diễn ra, chứng kiến các cuộc oanh tạc bằng pháo binh liên tục từ phía Ai Cập, nhắm vào các mục tiêu của Israel dọc theo kênh đào Suez.
Israel biết mình không thể chiến thắng trong cuộc chiến quy mô lớn với liên minh các nước Ả Rập, nên đáp trả lại bằng một phương thức riêng. Đó là triển khai các chiến đấu cơ F-4 do Mỹ sản xuất, không ngừng trả đũa vào các mục tiêu của Ai Cập.
Không quân Israel trong thời kỳ này được đánh giá cao trong các trận chiến trên không và dễ dàng áp đảo Ai Cập. Phản ứng lại, Tổng thống Nasser quyết định xây dựng mạng lưới phòng thủ dày đặc bằng hàng loạt tên lửa phòng không (SAM) dọc theo kênh đào Suez.
Trong khi IAF bắn hạ nhiều máy bay Ai Cập, các tổ hợp phòng không SA-2, SA-3 tạo ra mối đe dọa không nhỏ với các chiến đấu cơ Israel hoạt động trong khu vực, đồng thời bắn hạ được một vài máy bay của nước này.
Không chỉ vậy, các phi đội MiG-21 còn được Liên Xô điều động tới hỗ trợ bay tuần tra cùng với lực lượng của Ai Cập đã khiến Israel càng thêm dè chừng.
Ban đầu, Liên Xô và Israel luôn cẩn trọng trong việc tránh đụng độ nhau (giống như Israel, Mỹ và Nga ở Syria ngày nay). Nhưng trong một đợt tấn công, Liên Xô tiêu diệt một chiếc Skyhawk A-4 của Israel bằng tên lửa vào ngày 25/7/1970.
Không hài lòng khi Liên Xô vượt qua lằn ranh đỏ, Israel bật đèn xanh cho lực lượng quân sự được phép “dạy cho Không quân Liên Xô một bài học”.
Sau khi lên kế hoạch kỹ càng và theo dõi các đường dây thông tin của Liên Xô, IAF đã tiến hành Chiến dịch Rimon, sắp đặt một “cái bẫy” trên không, chờ đối thủ.

Mirage của Không quân Israel.
Kế hoạch giăng bẫy
Theo nhà sử học Shlomo Aloni, đây là “chiến dịch hết sức đơn giản”. 4 chiếc Mirage bay theo đội hình trinh sát tại nơi các tiêm kích MiG của Liên Xô thường hoạt động. Mỗi cặp bay sát với nhau giả vờ như đang tuần tra khu vực.
Máy bay của Israel bay gần nhau để mô phỏng trên màn hình radar nhìn giống như đang bay trinh sát, không có vũ trang (trên thực tế mang theo vũ trang).
Trong khi đó, một đội tấn công khác gồm 12 chiếc F-4 và Mirage sẽ bay ở độ cao dưới tầm radar để phục sẵn chờ MiG-21 của Nga đuổi theo nhóm Mirage “không vũ trang” tới gần lãnh thổ Israel.
Giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt cho nhiệm vụ lần này, IAF tuyển chọn những phi công dày dạn kinh nghiệm và lên kế hoạch rất chi tiết. “Chúng tôi không hề sợ hãi, nhưng không biết chuyện gì sẽ xảy ra, vì họ cũng có nhiều loại vũ khí hiện đại”, một phi công Israel tham gia chiến dịch cho hay. “Chúng tôi nhận lệnh rằng cần phải dạy cho người Nga một bài học”.
Chiều ngày 30/7/1970, Không quân Liên Xô rơi vào “bẫy”. Từ sân bay Ai Cập, 24 tiêm kích MiG-21 được phát lệnh cất cánh đánh chặn máy bay trinh sát của Israel, vốn đang giả vờ tuần tra để dụ chính MiG-21 đuổi theo.
Nhưng khi đuổi đến nơi, phi đội MiG-21 gặp phải tình huống bất ngờ khi những chiếc F-4 và Mirage ở dưới bất ngờ bay vọt lên phóng tên lửa vào phía máy bay Liên Xô.
Chỉ trong vòng 3 phút, 5 chiếc MiG đã bị bắn hạ, trong đó 2 chiếc bị F-4 tiêu diệt, 2 chiếc do Mirage hạ gục và một chiếc dính sát thương chung. Ít nhất một chiếc bị bắn hạ bởi tên lửa dẫn đường AIM-7 Sparrow ở “tầm rất thấp”.
Cuộc truy đuổi kéo dài từ độ cao 4.500m cho đến chỉ 600m, trước khi tiêm kích MiG-21 bị bắn hạ bằng tên lửa AIM-99D Sidewinder.
Một số nhà phân tích sau này đánh giá, người Israel không chỉ giỏi, mà còn may mắn. Một phi công Nga khi đó đã vòng ra sau đuôi chiếc F-4 và phóng tên lửa tầm nhiệt Atoll, tuy nhiên tên lửa lại không phát nổ.
Sự kiện này đã giáng đòn mạnh mẽ vào liên minh Liên Xô-Ai Cập, thậm chí có thông tin nói rằng Không quân Ai Cập đã cười thầm trước thất bại của Không quân Liên Xô, vì trước đó các cố vấn quân sự nước này thường xuyên chê bai thành tích yếu kém của họ.
Và Liên Xô trả đũa
Tuy vậy, chỉ 3 năm sau, Liên Xô phần nào đã đòi được món nợ khi các tổ hợp phòng không mà nước này cấp cho Ai Cập và Syria bắn hạ không ít chiến đấu cơ Israel ở kênh đào Suez và Cao nguyên Golan.
Ngày nay, Israel, Mỹ và Nga dường như đang cố gắng tránh xung đột Syria. Tuy nhiên bài học năm 1970 vẫn còn đó, và những diễn biến mới xoay quanh vụ chuyển giao tên lửa S-300 của Nga đang khiến tình hình thêm phần căng thẳng.
Israel tuyên bố không ngại ngần trong việc tấn công S-300 khi Nga chuyển giao cho Syria, trong khi Moscow luôn sẵn sàng đối đầu với máy bay của Israel bất cứ lúc nào.