Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel đã chứng minh năng lực trong thực chiến.
Israel đơn giản là không có đủ năng lực sản xuất để hỗ trợ Ukraine các hệ thống phòng không. Trong cuộc xung đột với Nga, Ukraine đã đề nghị Israel cung cấp hệ thống phòng không Iron Dome và các hệ thống khác để đối phó máy bay không người lái (UAV) của Nga.
“Quy mô sản xuất vũ khí của chúng tôi thấp hơn nhu cầu xuất khẩu. Chúng tôi không có các cơ sở sản xuất vũ khí quy mô lớn", ông Gantz trả lời các phóng viên.
Ông Gantz hiện tạm thời giữ chức vụ cho đến khi tân Thủ tướng Benjamin Netanyahu công bố nội các mới.
"Ngay cả khi thay đổi chính sách hỗ trợ Ukraine, chúng tôi không thể cung cấp cho Ukraine vì như vậy sẽ khiến Israel thiếu hụt các hệ thống phòng không", ông Gantz nói thêm. "Chúng tôi hàng ngày vẫn đang nghiên cứu xem có thể mở rộng hỗ trợ Ukraine ra sao. Ukraine vẫn đang có NATO đứng sau hỗ trợ".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz.
Israel sở hữu các hệ thống phòng không hiện đại do nước này hợp tác cùng Mỹ để sản xuất, như hệ thống Iron Dome và tên lửa phòng không Arrow. Các hệ thống này đã chứng minh năng lực phòng thủ hiệu quả trong cuộc xung đột của Israel với Palestine.
Tháng trước, Đại sứ Ukraine tại Israel, Evgeny Korniychu, kêu gọi Mỹ gây sức ép để Israel cung cấp vũ khí. Ông Korniychu cho rằng, "chỉ có Mỹ là có thể khiến Israel sẵn sàng lắng nghe".
Israel hiện đang sản xuất đạn tên lửa đánh chặn Tamir sử dụng cho các hệ thống Iron Dome của nước này, sau khi các lực lượng Palesine đã bắn hơn 4.300 quả rocket sang lãnh thổ Israel vào tháng 5/2021.
Bên cạnh đó, Israel muốn hạn chế hợp tác quân sự với Ukraine do lo ngại điều này có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga. Israel vẫn cần sự ủng hộ ngầm của Nga để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Syria.
Đăng Nguyễn - RT