Thành phố miền Bắc Dải Gaza này đã trở thành tâm điểm cuộc tấn công của Israel, sau khi chính phủ nước này cam kết sẽ tiêu diệt hoàn toàn bộ máy chỉ huy của tổ chức Hamas và đã khuyến cáo người dân tại đây nên sơ tán về miền Nam.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong một tuyên bố cho biết: “Chúng tôi đang đạt tới đỉnh điểm của cuộc chiến. Chúng tôi đã có nhiều thành công đáng kinh ngạc và đã xuyên qua ngoại ô thành phố Gaza. Chúng tôi đang tiến công”.
Giữa bom đạn tại Gaza, phát ngôn viên của quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết, binh lính “đã đạt được mục tiêu bao vây thành phố Gaza, điểm nóng của tổ chức khủng bố Hamas”.
Chuẩn tướng Iddo Mizrahi, người đứng đầu lực lượng kỹ sư quân sự Israel, cho biết binh lính đang đối phó với mìn và bẫy chăng dây.
“Hamas đã có nghiên cứu và chuẩn bị cẩn thận”.
Abu Ubaida, phát ngôn viên của cánh quân sự Hamas trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày thứ Năm cho biết, con số thương vong trong lực lượng Israel tại Gaza cao hơn nhiều so với con số mà quân đội Israel đưa ra. Ông cũng tuyên bố: “Binh lính của các ông sẽ về nước trong túi xác”.
Israel cho biết, đã có 18 binh lính thiệt mạng và đã tiêu diệt hàng chục tay súng kể từ khi chiến dịch trên bộ được triển khai vào ngày thứ Sáu tuần vừa rồi.
Người dân tại đây cùng với các video từ cả hai tổ chức Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đều cho thấy các tay súng đã xuất hiện từ các hầm để xả súng vào các xe tăng, trước khi rút lui lại vào trong hầm.
Trong một video của Hamas, một tay súng xuất hiện trên một cánh đồng tại Gaza và gài thuốc nổ lên xe tăng. Tay súng này được trang bị camera trên người để quay lại vụ việc và một tiếng nổ có thể nghe thấy được trong video khi tay súng này chạy về phía đường hầm và bắn tên lửa chống xe tăng về phía xe tăng trên.
Dân thường người Palestine vẫn đang phải đối phó với thiếu thốn lương thực, nhiên liệu, nước và thuốc men.
Juliette Touma, phát ngôn viên của UNRWA, tổ chức hoạt động nhân quyền vì người tị nạn Palestine của LHQ cho biết: “Nước đang được sử dụng làm vũ khí chiến tranh”.
Nhà Trắng đang tìm phương hướng tạm ngừng chiến
Trong ngày thứ Năm, Nhà Trắng cho biết, đang cân nhắc một số biện pháp tạm ngừng chiến trong cuộc xung đột Israel-Hamas để giúp người dân ra khỏi Gaza an toàn và cho phép đưa hàng cứu trợ nhân đạo tới đây, nhưng cũng đã nhắc lại về quan điểm phản đối ngừng bắn toàn diện.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Trung Đông sau khi cho biết ông sẽ thảo luận về những quyết định cụ thể nhằm giảm thiểu tổn hại cho người dân Gaza.
Trong cuộc họp với Israel và Jordan, ông Blinken cho biết, ông sẽ thảo luận về tương lai của Gaza và đặt ra nền móng cho nhà nước Palestine.
Cuộc chiến mới trong xung đột nhiều thập kỷ này đã nổ ra sau khi binh lính Hamas vượt qua biên giới tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10. Israel khẳng định 1.400 người thiệt mạng, phần lớn là dân thường và 240 người bị bắt giữ làm con tin, khiến vụ việc trở thành sự kiện đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm quốc gia này.
Các cơ quan y tế Gaza cho biết, các cuộc đánh bom của Israel sau đó đã khiến ít nhất 9.061 người thiệt mạng.
Tại Geneva, một nhóm bảy báo cáo viên đặc biệt của LHQ, là những chuyên gia độc lập về theo dõi nhân quyền, đã đưa ra tuyên bố kêu gọi ngừng bắn và khẳng định người Palestine đang “đối mặt với nguy cơ diệt chủng”.
Đại sứ của Israel tới LHQ tại Geneva đánh giá bình luận này là “tồi tệ và đáng lo ngại” và đã cáo buộc Hamas cần chịu trách nhiệm cho thương vong trong dân thường. Israel khẳng định, quốc gia này tấn công nhắm vào Hamas và đã cáo buộc tổ chức này cố tình ẩn náu tại những trung tâm đông dân.
Lãnh đạo nhân quyền của LHQ Volker Turk đã cho biết “cuộc bao vây” của Israel là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và trong thứ Tư, văn phòng của ông đã khẳng định các cuộc không kích của Israel nhắm vào trại tị nạn lớn nhất Gaza có thể bị coi là tội ác chiến tranh.
Tại Washington, Hạ viện Mỹ trong thứ Năm đã thông qua một kế hoạch của đảng Cộng hòa với nội dung cung cấp 14,3 tỷ USD viện trợ cho Israel mặc cho các thành viên đảng Dân chủ khẳng định kế hoạch này sẽ không có tương lai ở Thượng viện thông qua và Nhà Trắng hứa sẽ có quyền phủ quyết.
Kế hoạch này được thông qua với 226 phiếu thuận trong tổng số 422 phiếu, chủ yếu được ủng hộ bởi thành viên cùng đảng Cộng hòa và bị phản đối bởi phần lớn thành viên đảng Dân chủ.
Nút giao Rafah giữa Gaza và Ai Cập đã được mở trong thời gian giới hạn trong ngày thứ hai liên tiếp vào ngày thứ Năm vừa rồi, theo một thỏa thuận do Qatar đứng ra trung gian thương lượng nhằm cho phép người mang hộ chiếu nước ngoài, những người phụ thuộc vào họ và một số người Gaza bị thương có thể rời khỏi khu nội phận này.
Quan chức biên giới Palestine Wael Abu Mehsen cho biết, 400 người nước ngoài sẽ tới Ai Cập qua nút giao Rafah trong ngày thứ Năm, sau khi 320 người đã qua nút giao này trong ngày thứ Tư.
Hàng chục người Palestine bị thương nghiêm trọng cũng đã được đưa qua nút giao. Israel đã yêu cầu các quốc gia khác gửi tàu y tế tới điều trị cho họ.
Ghada el-Saka, một người Ai Cập tại Rafah đang chờ được cho phép trở về nước sau khi tới thăm người thân đã cho biết: “Tôi muốn được nhập cảnh. Chúng tôi đâu phải súc vật. Chúng tôi đã phải tận mắt chứng kiến sự chết chóc”. Cô đã mô tả về một vụ không kích xảy ra gần nhà người thân cô khiến họ và con gái họ phải sống trên lề đường.
Tại Khan Younis miền Nam Gaza, Rafif Abu Ziyada 9 tuổi cho biết, em đã phải uống nước bẩn khiến em bị đau bụng và đau đầu.
“Không có nhiên liệu nấu nước, không có nước sạch, chúng cháu cũng không được ăn uống tử tế. Chúng cháu đang đổ bệnh. Khắp nơi toàn là rác và cả khu vực này bị ô nhiễm nặng”.
Hơn một phần ba trong tổng số 35 bệnh viện tại Gaza đã ngừng hoạt động, và nhiều bệnh viện đã trở thành trại tị nạn tạm bợ.
Tổ chức từ thiện Viện trợ Y tế cho Người Palestine đã mô tả về những hành lang chật người và nhiều nhân viên y tế cũng đã mất người thân và nhà cửa: “Tình hình hiện tại còn kinh khủng hơn thảm họa”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)