Kaoru Mitoma: Từ luận văn rê bóng đến bão tố đường biên Premier League

Nguyễn Ngọc Trung

Nguyễn Ngọc Trung

Thứ 2, 30/01/2023 17:55

Ở tuổi 18, Kaoru Mitoma từ chối ký hợp đồng với đội bóng hàng đầu Nhật Bản để theo học đại học và viết luận văn về rê bóng. Đến năm 25, anh đang là hiện tượng ở Anh.

Bóng đá Anh - Kaoru Mitoma: Từ luận văn rê bóng đến bão tố đường biên Premier League

Hiện tượng Premier League

Cho đến tháng 10/2021, Kaoru Mitoma vẫn chưa đá trận nào tại châu Âu. Cầu thủ chạy cánh người Nhật gia nhập Brighton từ Kawasaki Frontale trong kỳ chuyển nhượng Hè 2021 nhưng lập tức được đem cho Union Saint-Gilloise của Bỉ mượn.

Bước ngoặt là trận đấu với Seraing. Mitoma được tung vào sân sau hiệp 1, thay cho đồng đội dính chấn thương. Trong 45 phút hiệp 2, anh lập hat-trick giúp Union ngược dòng hạ Seraing với tỷ số 4-2. “Đó là buổi biểu diễn của riêng Kaoru Mitoma”, Christian Burgess, hậu vệ người Anh của Union trả lời Sky Sport. “Cậu ấy đã hủy diệt đối phương”.

Những gì xảy ra ở Bỉ hơn 1 năm về trước bây giờ xuất hiện hàng tuần tại Ngoại hạng Anh, giải bóng đá vô địch quốc gia khốc liệt nhất hành tinh. Kể từ khi lọt vào đội hình chính của Brighton trong trận gặp Chelsea, Mitoma trở thành là phát hiện mới. Cầu thủ chạy cánh người Nhật nổi lên như hiện tượng thú vị bậc nhất của sân cỏ xứ sở sương mù hiện tại.

Bàn thắng mở tỷ số của Mitoma vào lưới Leicester là pha làm bàn tuyệt đẹp, với cú đá vào góc cao khung thành từ ngoài vòng cấm. Leandro Trossard đã chuyển đến Arsenal nhưng người hâm mộ Brighton có niềm tin mãnh liệt rằng Mitoma không chỉ thay thế Trossard mà còn xuất sắc hơn cả cầu thủ chạy cánh người Bỉ.

Mitoma truyền cảm hứng cho màn ngược dòng trên sân của Wolves, ghi bàn trong cả 2 lần đụng độ Arsenal ở trên sân nhà và sân đối phương, thi đấu xuất sắc trước Liverpool và tỏa sáng rực rỡ khi chạm trán Liverpool. Cầu thủ chạy cánh người Nhật nhỏ bé nhưng nhanh như điện và rất lạnh lùng trong xử lý bóng, đặc biệt khâu dứt điểm, điều hiếm thấy ở những chuyên gia rê bóng.

Bàn thắng mở tỷ số của anh ấy tại Goodison Park có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về phẩm chất đặc biệt này. Anh ấy chỉ chạm bóng ba lần - một lần để tránh Nathan Patterson, một lần khác để vượt qua Conor Coady và lần cuối cùng để đưa bóng vượt qua Jordan Pickford…

Bóng đá Anh - Kaoru Mitoma: Từ luận văn rê bóng đến bão tố đường biên Premier League (Hình 2).

Cú sút-tê rung chuyển World Cup 2022

Một dẫn chứng khác về sự điềm tĩnh và kỹ thuật tuyệt hảo của Mitoma là tình huống quan trọng nhất, ấn tượng nhất, gây nhiều tranh cãi nhất vòng bảng World Cup 2022. Đó là pha kiến tạo của Mitoma cho Tanaka ghi bàn ấn định chiến thắng ngược dòng 2-1 đầy ngoạn mục của Nhật Bản trước Tây Ban Nha.

Kịch tính được nhân lên gấp nghìn lần bởi tranh cãi xung quanh việc trái bóng trước khi chạm chân Mitoma đã hết đường biên ngang hay chưa. Tuyệt đại đa số “bằng mắt thường” đồng quan điểm bóng đã lăn hết đường biên ngang. Tuy nhiên, bàn thắng vẫn được công nhận dựa trên công nghệ cảm biến. Để chứng minh sự hợp lệ của bàn thắng, FIFA đã công bố bức ảnh được chụp từ góc trên cao cho thấy còn một phần vài milimet của trái bóng vẫn nằm trong sân. Nhật Bản đi tiếp và Đức bị loại đúng nghĩa theo đường tơ kẽ tóc.

Không bình bán thêm về chuyện bàn thắng đúng luật hay chưa, hãy nói về pha xử lý của Mitoma. Để cứu, hay đúng hơn là “vớt” trái bóng từ ngoài đường biên, nỗ lực thôi là chưa đủ. Trái bóng không dưng nẩy đến người Tanaka. Hãy để ý kỹ thời điểm số 9 của Nhật Bản chuyền bóng. Người đồng đội Daizen Maeda đang nằm xoài chắn ngang đường dẫn đến khung thành sau pha lao người dứt điểm không thành. Bên trong khung gỗ, thủ thành Unai Simon đang lao về khép góc.

Nếu Mitoma căng ngang theo cách thông thường bằng cú quét chân vào tâm bóng, nhiều khả năng đường chuyền sẽ bị chặn lại bởi chính cơ thể của Maeda. Trái bóng cần nẩy lên vượt qua người đồng đội mang áo số 25. Một động tác chặt bóng (tác động lực vào phần dưới) lại mất nhiều thời gian vung chân hơn. Trong thời khắc như đã nói là đường tơ kẽ tóc ấy, chạm bóng càng nhanh càng tốt. Và lựa chọn của Tanaka là một cú sút-tê, kỹ thuật nhảy bi quen thuộc trong môn billard. Cụ thể, bằng tác động lực vừa đủ vào phần trên, trái bi sẽ bật lên như một con cóc để vượt qua chướng ngại vật phía trường. Kết quả là bóng nảy qua người Maeda và rơi đúng chỗ Tanaka lao xuống.

Cần nhấn mạnh, Mitoma vừa phải cứu bóng, vừa phải kiến tạo chỉ trong chớp mắt. Thế nên pha xử lý ấy cho thấy cầu thủ này sở hữu kỹ năng xử lý bóng điệu nghệ lẫn khả năng phân tích tình huống và ra quyết định xuất sắc.

Bóng đá Anh - Kaoru Mitoma: Từ luận văn rê bóng đến bão tố đường biên Premier League (Hình 3).

Luận văn rê bóng đến thực tiễn sân cỏ

Đeo camera hành trình vào đầu đồng đội là phương pháp khác thường và mang đầy chất 4.0 để thành thạo nghệ thuật rê bóng. Mitoma chính là nhân vật chính của câu chuyện thú vị này.

Phong cách rê bóng nhanh như điện cực kỳ đặc biệt của cầu thủ này trước nhất xuất phát từ phẩm chất. Mitoma không chỉ có tốc độ mà còn cả thân pháp mau lẹ. Tuy nhiên, để hình thành lối chơi đặc trưng cần rất nhiều sự tập luyện, quan sát và học hỏi.

Mitoma trải qua 8 năm tại học viện của Kawasaki Frontale, đội bóng từng 4 lần vô địch J-League. Đến năm 19 tuổi, anh từ chối ký hợp đồng chuyên nghiệp để theo học giáo dục thể chất tại Đại học Tsukuba. Đối với các nền bóng đá khác, ngã rẽ này chẳng khác nào chấm dứt sự nghiệp, tuy nhiên tại Nhật Bản, chất lượng bóng đá môi trường đại học rất cao và là con đường thuận lợi để phát triển sự nghiệp.

“Tôi cảm thấy chưa sẵn sàng về mặt thể chất nên không lên đội một ngay lập tức”, Mitoma cho biết. “Tôi nghĩ bước tốt nhất là có thêm thời gian tập luyện và trở nên xuất sắc hơn”.

Là một phần trong quá trình nghiên cứu, Mitoma đã viết luận án về rê bóng. “Đó là đề tài dễ chọn nhất đối với tôi vì tôi yêu bóng đá và ưa thích rê bóng”, anh lý giải. “Không có quy tắc nào về việc viết bao nhiêu, nhưng tôi tiến bộ bằng cách phân tích các đồng đội của mình, những người rê bóng giỏi và không giỏi, đồng thời cố tìm hiểu lý do tại sao lại như vậy”.

“Tôi đặt camera lên đầu đồng đội để nghiên cứu xem họ nhìn đi đâu, nhìn cái gì, cũng như đối thủ đang nhìn họ như thế nào. Tôi học được rằng những cầu thủ giỏi không nhìn vào trái bóng. Họ nhìn về phía trước, rê bóng mà không cần nhìn xuống chân. Đó là sự khác biệt”, hiện tượng rê bóng của Premier League chia sẻ.

Cho đến bây giờ, dù đã rời ghế giảng đường và vươn sang tận sân cỏ xứ sở sương mù, Mitoma vẫn duy trì thói quen nghiên cứu để thi đấu hiệu quả hơn. Ngoài tất cả thông tin chi tiết mà câu lạc bộ cung cấp cho các cầu thủ, người đại diện của Mitoma còn cung cấp cho anh dữ liệu biểu đồ cảm ứng và video trước và sau trận đấu. Được trang bị hồ sơ dữ liệu đó, Mitoma có thể nhìn thấy các chuyển động của chính mình và đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của các đối thủ sắp tới.

Đó là cách Mitoma biến lý thuyết thành thực tiễn và trở thành bão tố đường biên. Trận đấu của Mitoma không chỉ là rê bóng mà cả ghi bàn. Cầu thủ chạy cánh người Nhật là người duy nhất nằm trong top 10 Ngoại hạng Anh ở 2 chỉ số: Hiệu suất ghi bàn trong các tình huống bóng sống và Kiến tạo kỳ vọng trong các tình huống bóng sống trong mỗi 90 phút. Nói cách khác, không ai ghi bàn và dọn cỗ cho đồng đội dứt điểm thường xuyên như Mitoma!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.