Vác dao chém thủng thuyền vì không mượn được
Trước đó, vào chiều ngày 30/10, trong tình hình mưa lũ dâng nhanh khiến nhiều thôn của xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh bị ngập sâu; chính quyền địa phương phát lệnh gấp rút sơ tán người dân vùng ngập lụt đến điểm tránh trú.
Ông Trần Huy Quyên, Trưởng thôn Tam Trung, xã Cẩm Vịnh cùng một số cán bộ thôn chèo thuyền hơi được trang cấp để đi cứu hộ người dân.
Khi đoàn cứu hộ đi vào nhà bà Nguyễn Thị Hợp (76 tuổi) bị liệt để đưa bà đi sơ tán thì gặp Bùi Đức Lâm (SN 1978, trú thôn Tam Trung, xã Cẩm Vịnh) và 1 số người khác đang lội nước. Lâm tiến lại đoàn cứu hộ ngỏ ý muốn mượn thuyền để đi.
Với lý do phải ưu tiên sơ tán bà Hợp là trường hợp người tàn tật trước, ông Quyên từ chối thì bị Lâm xông vào xô xát. Sau đó, đối tượng chạy vào nhà bà Hợp lấy dao ra chém nhiều nhát vào chiếc thuyền hơi khiến thuyền bị thủng.
Ngay sau đó, Lâm đã bị lực lượng công an bắt giữ để điều tra hành vi chém thủng thuyền của lực lượng cứu hộ; đồng thời, bố trí thuyền khác đưa bà Hợp đến điểm tránh trú an toàn.
Có thể bị xử lý hình sự
Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc công ty Luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, người dân các tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề cả về người lẫn của. Người dân cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Người dân miền Trung cũng đang ngày đêm “chung lưng đấu cật”, đánh vật với cơn lũ lớn, ưu tiên ứng cứu những người có hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm hơn. Thực hiện đúng tinh thần này, đoàn cứu hộ do Trưởng thôn Tam Trung, xã Cẩm Vịnh dẫn đoàn khẩn trương đi vào nhà bà Nguyễn Thị Hợp (76 tuổi) bị liệt để đưa bà đi sơ tán. Trong khi đó, Bùi Đức Lâm, 1 người đàn ông trẻ khỏe vì không mượn được thuyền cứu hộ trước đã sẵn sàng dùng dao đâm thủng chiếc thuyền, khiến chiếc thuyền hỏng hoàn toàn không thể sử dụng được nữa.
Theo quan điểm của luật sư Hiền, hành vi của Lâm thể hiện sự thiếu văn hóa, ích kỷ và vi phạm pháp luật, cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật để làm gương cho những trường hợp khác.
Hành vi của đối tượng Bùi Đức Lâm có dấu hiệu phạm cùng lúc 2 tội là tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội Chống người thi hành công vụ, Điều 330, Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định như sau:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
...
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng...
e) Vì lý do công vụ của người bị hại”.
“Như vậy, khi xem xét về tội danh này, cơ quan chức năng cần định giá chiếc thuyền cứu hộ mà đối tượng Lâm gây thiệt hại, nếu đủ căn cứ cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS thì sẽ bị xử lý hình sự”, luật sư Hiền nói.
Đối với tội danh thứ hai, luật sư Hiền phân tích: Vì các cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ cứu dân, trong trường hợp này là ưu tiên cứu người tàn tật; thế nhưng vì không mượn được thuyền cứu hộ trước, đối tượng Lâm nhảy vào xô xát với cán bộ, ngăn cản không cho thực hiện việc cứu hộ người tàn tật, thậm chí còn dùng dao đâm thủng chiếc thuyền hơi; hành vi của Lâm được coi là chống người khi đang thi hành công vụ.
Điều 330 BLHS năm 2015 quy định tội Chống người thi hành công vụ như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.