Theo các tài liệu rò rỉ mới nhất, chiến lược của ByteDance tại Mỹ không chỉ dừng lại ở TikTok. Gã khổng lồ công nghệ này còn đang lên kế hoạch tách cả "người anh em" của nó - ứng dụng chỉnh sửa video cực kỳ phổ biến CapCut - thành một phiên bản riêng cho thị trường Mỹ với tên gọi "CapCut US".
Động thái này được xem là một phần trong kế hoạch lớn hơn của ByteDance nhằm tuân thủ đạo luật "thoái vốn hoặc bị cấm" năm 2024 của Mỹ. Điều này cho thấy công ty không chỉ tìm cách bán lại TikTok, mà có thể đang hướng tới một sự tách biệt toàn diện hơn khỏi các hoạt động tại Mỹ.
Ứng dụng CapCut cũng sắp có phiên bản "thuần Mỹ" như TikTok?
Trong khi cuộc chiến pháp lý quanh TikTok thu hút mọi sự chú ý, CapCut đã âm thầm trở thành một công cụ không thể thiếu đối với hàng triệu nhà sáng tạo nội dung và người dùng thông thường. Với hơn 1 tỷ lượt tải xuống trên Google Play và vị trí dẫn đầu trên App Store tại Mỹ, vượt mặt cả Instagram và YouTube, việc tạo ra một phiên bản "CapCut US" sẽ là một sự kiện có tác động lớn.
Bối cảnh pháp lý trở nên phức tạp sau khi ByteDance thua kiện tại Tòa án Tối cao vào tháng 1. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã tạm thời "cứu" công ty bằng cách trì hoãn việc thực thi luật để mở đường cho các cuộc đàm phán. Hiện tại, nhiều bên đã ngỏ ý muốn mua lại TikTok, và ông Trump cũng bày tỏ sự ủng hộ cho một "nhóm những người rất giàu có." Các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc về thương vụ này được cho là có thể bắt đầu ngay trong tuần này.
Dù vậy, kế hoạch tách rời này vẫn để lại hàng loạt câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp rằng liệu phiên bản "CapCut US" có còn truy cập được các mẫu video và nội dung từ người dùng toàn cầu không? Hay chủ sở hữu mới có được quyền truy cập vào thuật toán cốt lõi của ByteDance không? Và quan trọng nhất, liệu việc này có thực sự giải quyết được các lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ?
Trong lúc ByteDance đang "vật lộn" tìm lối ra, các đối thủ như Meta (với ứng dụng Edits) và YouTube đang nhanh chóng tung ra các tính năng cạnh tranh, sẵn sàng chiếm lấy thị phần nếu người dùng Mỹ phải chuyển sang một ứng dụng mới.
An An - Business Insider