Té ra tình yêu nó hợp với mọi lứa tuổi, nó khiến tất cả mọi trái tim đều run lên như nhau.
Là tôi đang nói tới cuốn "Kẻ thù yêu dấu" của Iean Webster do Vũ Danh Tuấn dịch.
Nó buồn cười là, ngay từ đầu xác định nhau là... kẻ thù, rồi tiến lên kẻ thù... bình thường, kẻ thù thân mến rồi cuối cùng là kẻ thù yêu dấu.
Thế là... xong phim.
Nhưng té ra chưa xong.
Bởi sách thì hết nhưng cái dư âm thú vị ấy nó cứ ngọt trong lưỡi ta, như khi ta pha một ấm trà đinh, tới giọt cuối cùng, dốc ấm rồi, thì dư vị ngọt bắt đầu dâng lên ở cổ, rồi lan ra toàn thân.
Nó là một thứ tình tang rất... tình tang.
Thì từ đầu những bức thư lạnh lùng, hằn học, chỉ là "gửi kẻ thù".
Rồi cuối cùng thì, "Kẻ thù yêu dấu". Nhưng vẫn chưa cuối cùng, bởi cuối cùng lại còn là: "Kẻ thù yêu dấu nhất của em".
Và kết sách: "Tạm biệt chàng trai của em. Iu anh".
Tôi nhớ hồi bé lắm, tôi đọc trộm sách của mẹ. Tôi mê sách chắc cũng giống anh chàng dịch giả Vũ Danh Tuấn chủ của cái công ty "kẹp hạt dẻ" này, hoặc như anh chàng Nguyễn Quang Thạch, người tổ chức việc "sách hóa nông thôn" và thực hiện ra các tủ sách trường học, tủ sách dòng họ ở Việt Nam, rồi giờ sang tận Ấn Độ để phát triển văn hóa đọc ở đây, với dự định xây dựng hơn 8 triệu Thư viện lớp học ở đất nước có 1,5 tỉ dân này, là bất cứ sách gì cũng không lọt qua con mắt lùng sục của tôi dẫu tuổi thơ của tôi thường xuyên ở giao thông hào và sách đắt và quý hơn... gạo, và nó hiếm kinh khủng.
Thế nên khi mắt tôi nhìn thấy cuốn "Những bức thư không gửi" của mẹ tôi giấu trong cái cặp tài liệu mẹ tôi mang về nhà tập thể thì nó trở thành mục tiêu tập kích của tôi. Chỉ một chớp mắt, tôi đã có nó trong tay, và một buổi sáng dưới căn hầm trú ẩn tối mò tôi đã nhai xong cuốn sách ấy.
Nó là một sách toàn thư, những bức thư không gửi mà, và hết sức khó hiểu với đứa bé lớp 1 là tôi, rằng là tại sao mất công viết ra những bức thư ấy mà lại không gửi.
Và nó hết sức cách mạng, hết sức lý tưởng, hình như là dịch của Trung Quốc hay Liên Xô gì đấy. Thời ấy, chỉ những sách lý tưởng cách mạng cao mới được dịch. Hình như cuốn này sang Việt Nam trước "Thép đã tôi thế đấy".
So với cuốn sách tôi cũng mới đọc rất nhanh xong, cuốn "Kẻ thù yêu dấu" ấy, nó cũng toàn là thư. Nhưng khác nhau.
Ngày xưa tôi là đứa bé, đọc sách của mẹ. Nhưng phải đọc trộm, vì hồi ấy ba mẹ tôi toàn sợ tôi đọc nhiều sách sẽ... điên, và phàm là sách người lớn thì cấm trẻ con đọc.
Giờ tôi là đứa... lớn, đọc sách tuổi yêu.
Ngày xưa tôi chả hiểu gì dẫu biết cốt truyện, đọc hết sách vẫn lơ mơ.
Giờ tôi hiểu ngay từ đầu dẫu chưa đọc hết sách. Nhưng vấn đề là, biết nó sẽ kết cục thế, nhưng vẫn vừa đọc vừa hồi hộp.
Bởi được sống lại tuổi trẻ, thời yêu, thời hò hẹn, thời giận dỗi, thời tức đấy dàn hòa đấy, thời phập phồng chờ đợi với bao mơ hồ tưởng tượng, bao suy diễn tự trả lời...
Giờ cũng là người viết sách, là nhà văn, mà đọc, mà hồi hộp, mà đọc tới hết, mà đọc rồi cười khóc, rồi vu vơ tơ tưởng cùng nhân vật, thì quả là sách... tài.
Chưa hết, vẫn được bồi bổ bởi một tình yêu công việc, tình yêu con người, yêu trẻ con, những công việc vì cộng đồng. Vẫn có những cái tốt cái xấu đan xen, dẫu không phải là "mâu thuẫn đối kháng" nhưng vẫn khiến ta ấm lòng bởi tính trách nhiệm, tính kiên nhẫn, và trên hết, là lòng tốt, sự hướng thiện, và sự lãng mạn của những yếu tố tình yêu.
Nó hồi hộp hấp dẫn ở từng bức thư, mỗi bức thư một trạng huống cảm xúc, một cung bậc tình cảm, một cách ứng xử... để ta chứng kiến từ kẻ thù tiến tới kẻ thù... yêu dấu và iu anh. Nó, những bức thư ấy, tưởng rất thờ ơ, nhưng té ra từng con chữ nó phập phồng.
Cung bậc ấy nó trải dài 2 tập sách gần 400 trang, đọc mê mệt, không chán. Nó như một kho kiến thức về... yêu, về tán nhau, dẫu có vẻ như, chỉ tán từ một phía.
Và như đã nói từ đầu, té ra chuyện về tình yêu luôn luôn hấp dẫn, không chỉ với lứa tuổi bắt đầu hoặc đang yêu, mà với cả những đối tượng tưởng như đã biết hết mọi ngõ ngách tình yêu bởi đã... vượt qua tuổi yêu và đã có mười mấy tập thơ, đa phần là thơ tình.
Nhưng trước "kẻ thù yêu dấu" vẫn ngơ ngác, ơ kìa, còn một, ít nhất là một, trạng huống yêu mà mình chưa biết, chả biết gì? Nó hồi hộp và mê hoặc, nó đơn giản nhưng khó cắt nghĩa, nó bí ẩn nhưng cũng rờ rỡ, nó đương nhiên thế nhưng vẫn bất ngờ, nó khiến ta thấy cuộc đời đáng sống, và tất nhiên, đáng yêu và phải yêu. Và cũng mới thấy, khi yêu nó mãnh liệt đến như thế nào, khổ đau và sung sướng ra làm sao?
Nhưng thực ra thì, nó không chỉ và không phải tình yêu, mà cao hơn nó bộc lộ những quan điểm sống, quan điểm làm người, nó hướng tới một cách dạy trẻ con tiến bộ, nhân văn và hiện đại. Cả bố mẹ trẻ và trẻ em đều có thể ít nhiều học được những điều bổ ích từ cuốn sách.
Tôi không tóm tắt sách, bởi sẽ làm mất sự thú vị, sự tò mò khi đọc, mà ghi lại chút cảm xúc của mình khi gấp sách, mắt kính lão mơ màng nhìn qua cửa sổ, những lá phượng xanh mướt run rẩy trong mưa.
Rồi lẩm bẩm: Kẻ thù mà yêu dấu!!!