Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Việt Nam mong muốn nhận sự chung tay, sẻ chia để SEA Games 31 được tổ chức an toàn, thành công, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp
Sáng nay (18/3), tại Hà Nội, Ban Tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 Việt Nam 2021 (SEA Games 31) đã tổ chức Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 31 lần thứ 2.
Vitesse Arnhem là một trong những đội bóng lâu đời nhất ở Hà Lan. Được thành lập vào năm 1892, CLB này đã kỉ niệm 125 năm thành lập bằng việc giành cúp Quốc gia, danh hiệu đầu tiên trong lịch sử đội bóng, sau khi đánh bại AZ Alkmaar bằng hai bàn thắng của Ricky van Wolfswinkel.
Đội bóng áo vàng-đen cách đây không lâu liên tục bị soi mói bởi mối quan hệ gần gũi trên mức cần thiết với Chelsea, bởi cả ba chủ sở hữu gần đây nhất của Vitesse (Merab Jordania, Aleksandr Chigirinskiy, Valeriy Oyf) đều là bạn thân với Roman Abramovich, ông chủ sắp cũ của Chelsea.
Johannes Spors, giám đốc thể thao của Vitesse Arnhem từng chia sẻ về chiến lược tuyển dụng của đội bóng: “Đôi khi đội bóng cần những nhân tố mà chúng tôi không thể mua được, để phát triển đội bóng cũng như đạt được các mục tiêu đề ra. Đó là lí do vì sao các bản hợp đồng cho mượn thường rất quan trọng.”
Nhờ mối quan hệ mật thiết với Chelsea, hàng năm kể từ năm 2010, Vitesse đều có ít nhất một cầu thủ Chelsea trong đội – thậm chí có khi lên đến 6 người như năm 2013 (Gael Kakuta, Patrick Van Aanholt, Lucas Piazon, Sam Hutchinson, Christian Atsu và Cristian Cuevas). Chelsea đã cho đội chủ sân GelreDome mượn 29 cầu thủ; một số người thậm chí ở đó nhiều năm.
Mặc dù hưởng lợi rất lớn từ mối quan hệ này, ban lãnh đạo của đội bóng cũng rất chú trọng tới học viện trẻ, với ngân sách ngang bằng với một đội bóng ở Anh. Ricky van Wolfswinkel chỉ là một ngôi sao học viện trong số nhiều những nhân tài khác trưởng thành từ Vitesse, như Roy Makaay (tiền đạo xuất sắc từng khoác áo Bayern Munich), Alexander Büttner (cựu cầu thủ Manchester United), Marco Van Ginkel (cựu cầu thủ Chelsea) hay nổi tiếng nhất thời điểm hiện tại là trường hợp của Robin Gosens (Atalanta).
Cách đây hai năm, lò đào tạo Vitesse được nhắc đến khá nhiều ở Việt Nam, khi Kelvin Bùi, một cầu thủ Việt kiều đang thi đấu ở đội trẻ Vitesse được HLV Park Hang Seo đề cập đến để trực tiếp theo dõi.
Kelvin Bùi sinh ngày 24/2/2002 tại Oss, một thành phố ở miền Nam Hà Lan. Anh có bố là người Việt, mẹ là người Hà Lan. Năm 13 tuổi, Kelvin gia nhập lò đào tạo của NEC Nijmegen và chuyển đến khoác áo Vitesse – đội đang chơi ở giải Eredivsie không lâu sau đó.
Mỗi tuần Kelvin phải tập ít nhất 15 tiếng từ 9h sáng, từ thứ Hai đến thứ Năm. Cầu thủ sinh năm 2002 đang học ngành marketing ở trường đại học Radboud tại thành phố Nijmegen. Sở dĩ Kelvin chọn trường này, vì trường có tổ chức quay phim các buổi học, giúp Kelvin thuận tiện trong việc xem lại bài vở sau những giờ tập luyện.
Dù chỉ cao 1m66, nhưng thể lực và kỹ năng của hậu vệ gốc Việt được đánh giá cao. Tại đội U17 của Vitesse, Kelvin chơi ở vị trí hậu vệ cánh phải và đã nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình.
Ở mùa giải 18/19, hậu vệ trẻ này đã thi đấu 12/14 trận cho Vitesse ở giải U17 Hà Lan với tổng cộng 1073 phút thi đấu. Ngoại trừ lần được cho ra nghỉ ở trận gặp Feyenoord, 11 trận còn lại Kelvin đều thi đấu trọn vẹn, cũng như có cho mình một kiến tạo. Anh được xếp thi đấu ở hành lang cánh phải của đội bóng Hà Lan. Ngoài ra, cầu thủ gốc Việt cũng chơi không tồi ở vị trí trung vệ.
Kelvin từng được triệu tập vào đội tuyển U17 Hà Lan để tham dự vòng loại U17 châu Âu. Tất nhiên, không dễ để Kelvin Bùi lọt được vào đội hình đội tuyển hàng đầu thế giới như Hà Lan. Bóng đá Hà Lan đang trong quá trình "hồi sinh" với một dàn cầu thủ trẻ xuất sắc như Frenkie de Jong, Matthijs de Ligt hay Donny van de Beek. Không ai đánh thuế giấc mơ, nhưng để khoác áo đội tuyển "Cơn lốc màu da cam" chắc chắn không phải chuyện đơn giản.
Tương tự như trường hợp của Đoàn Văn Hậu, người từng có thời gian ngắn khoác áo SC Heerenveen, thi đấu ở một nền bóng đá hàng đầu như Hà Lan là giấc mơ của nhiều cầu thủ Việt Nam. Thế nhưng, Kelvin Bùi lại muốn làm điều ngược lại: anh muốn một ngày nào đó được thi đấu ở V.League.
“Em từng nhiều lần xem anh Đoàn Văn Hậu thi đấu. Em thấy anh ấy chơi rất tốt. Anh Hậu là một cầu thủ giỏi. Em mừng cho anh ấy khi tới Hà Lan thi đấu. Em rất thích anh Hậu”, Kelvin Bùi chia sẻ với kênh Youtube Sarah Nguyễn.
“Nếu được trở lại Việt Nam sinh sống và thi đấu thì thật tuyệt. Thế nhưng, trước tiên em phải hỏi ý kiến bố mẹ đã. Trong bóng đá, không thể nói trước điều gì. Có thể trong tương lai em sẽ về Việt Nam thi đấu.
“Em từng nhiều lần về Việt Nam. Em có nhiều người thân ở đây và muốn trở lại đây nhiều lần nữa,” hậu vệ trẻ của CLB Vitesse cho biết.
Tờ Siam Sport của Thái Lan từng tiết lộ, HLV Park Hang-seo đang muốn VFF tạo điều kiện để đội tuyển Việt Nam có sự phục vụ của các cầu thủ Việt kiều.
“Ông Park muốn có sự ủng hộ từ các vị lãnh đạo cao nhất của VFF. HLV người Hàn Quốc muốn điều này được thực hiện từ rất lâu, nhưng các cầu thủ gốc Việt đang chơi bóng ở nước ngoài hiện vẫn chưa có tên trong danh sách khoác áo ĐTQG”, bài báo viết.
Theo nhiều nguồn tin, các cầu thủ có gốc gác Việt Nam hiện đang chơi bóng tại Đức, Na Uy, CH Czech, Nga, Hà Lan hay Tây Ban Nha… sẽ về thử việc trong quý 1/2022.
Sau thất bại của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020, nhân sự đội tuyển quốc gia cần được làm mới, để chuẩn bị cho nhiều mục tiêu quan trọng trong năm 2022. Tất nhiên, việc chọn lựa phải có chọn lọc, nhằm tìm những nhân tố xuất sắc nhất và phù hợp nhất.
Alexander Đặng (Na Uy), Jason Quang-Vinh Pendant (Pháp), Nguyễn Hùng Anh (Nga), Kevin Phạm Ba (Sochaux), Eric Nguyễn (Tây Ban Nha), Gia Huy (Wolfsburg) hay Kelvin Bùi, nhân vật đã được đề cập ở trên… là những cái tên đang được theo dõi. Bản thân họ cũng có nguyện vọng được cống hiến cho bóng đá nước nhà.
Nhưng đã 7 năm kể từ ngày Đặng Văn Lâm được HLV Nguyễn Hữu Thắng triệu tập, câu chuyện tận dụng nguồn lực Việt kiều ở V-League và ĐTVN vẫn luôn là câu chuyện nhức nhối.
Vấn đề đầu tiên của các cầu thủ Việt kiều là trình độ. Nói như HLV Mai Đức Chung, nhiều cầu thủ Việt kiều “không hình dung chính xác về trình độ của V.League và tuyển Việt Nam”. Phần lớn cầu thủ Việt kiều được ăn tập bài bản ở châu Âu, nhưng chỉ thi đấu cho các đội hạng 3, hạng 4, thậm chí là bán chuyên.
Đặng Văn Lâm trong bài phỏng vấn ở Asian Cup 2019 từng chia sẻ: “Tôi về Việt Nam với tâm lý kiêu hãnh. Đây không chỉ là sư tự tin nữa, mà là kiêu hãnh. Tôi nghĩ không phải họ, mà chính tôi sẽ là người lựa chọn giữa hàng tá các CLB muốn săn đón. Tôi chỉ việc tìm kiếm trên Internet địa chỉ các CLB và đưa ra những điều kiện hợp đồng mà tôi muốn”.
Trên thực tế, Đặng Văn Lâm khi mới sang Việt Nam năm 2011 còn rất nhiều hạn chế. Anh từng được HAGL ký hợp đồng 5 năm và gọi lên U19 nhưng không để lại dấu ấn. Cuộc cạnh tranh khốc liệt cho suất bắt chính ở đội bóng phố Núi khiến Lâm bị đẩy sang thi đấu tại Lào cho Hoang Anh Attapeu. 5 năm sau, Lâm mới có cơ hội được bắt chính tại Hải Phòng.
Một vấn đề không hề nhỏ nữa, nằm ở rào cản ngôn ngữ và văn hóa.
“Khi chúng tôi gặp nhau, Quân nói được tiếng Việt luôn, đó là một điểm cộng,” HLV Mai Đức Chung chia sẻ về lần đầu tiên gặp Mạc Hồng Quân trên Zing News.
Tiếc thay, những người như Quân không có nhiều. Đặng Văn Lâm ngày mới về Hải Phòng chỉ nói được vài câu tiếng Việt cơ bản. Keven Nguyễn vẫn nói tiếng Anh cho đến ngày rời Việt Nam. Đặng Văn Robert hay Michal Nguyễn đã ăn cơm tuyển dưới thời Toshiya Miura, nhưng khả năng giao tiếp còn nhiều hạn chế. Với trường hợp của Kelvin Bùi, cha anh sang Hà Lan khi mới 4 tuổi, do đó ông gần như chỉ nói tiếng Hà Lan và Kelvin cũng vậy.
Không chỉ giao tiếp, lối sống, văn hóa trong và ngoài sân cỏ cũng là những vấn đề lớn mà cầu thủ Việt kiều phải đối mặt.
Keven Nguyễn trong buổi chia sẻ với Zing News năm 2018 có đề cập đến vấn đề này. “Cá tính cầu thủ Việt Nam rất khác cầu thủ Việt kiều. Chúng tôi suy nghĩ khác hẳn cầu thủ Việt. Anh thấy Michal Nguyễn vừa chuyển tới Thái Lan không? Anh ấy đã rất hạnh phúc khi không còn phải ở lại Việt Nam.”
Những khác biệt về suy nghĩ đã khiến Đặng Văn Lâm bị Lê Sỹ Mạnh rượt chém, dẫn đến chấn thương mắt cá chân, dù câu chuyện rất nhỏ nhặt khi cả đội đi ăn bún cá, Sỹ Mạnh có nhờ Văn Lâm lấy ghế. Nhưng khi Văn Lâm đáp lại rằng “Anh tự vào lấy đi,” thì liền bị Sỹ Mạnh nổi cáu, mắng cầu thủ này là “Mày cậy vừa từ ĐTQG trở về nên không coi ai ra gì phải không" rồi hành hung thủ môn Việt kiều này.
Ngay cả vấn đề chuyên môn cũng tồn tại những sự khoảng cách không thể san lấp giữa cầu thủ Việt kiều và các HLV. “Ở Nga, kể cả ở trường năng khiếu bóng đá, bạn có thể đến gặp HLV và giải thích tại sao bạn lại hành động như vậy. HLV khi đó sẽ hiểu rằng một chàng trai tự tin, biết giải thích quan điểm có nghĩa là người biết suy nghĩ. Ở châu Á thì khác. HLV luôn đúng và bạn không nên tranh cãi với ông ấy”, Đặng Văn Lâm nói.
Mặc dù vậy, để gia tăng sức mạnh đội tuyển hết mức có thể, các quốc gia đang có xu hướng tận dụng mọi nguồn lực, kể cả những cầu thủ chỉ có gốc gác nước họ.
Ở bóng đá khu vực, đây đang là xu hướng chung. Thái Lan lên ngôi vô địch AFF Cup 2020 với nhiều cầu thủ Thái kiều trong đội như Manuel Bihr, Elias Dolah, Tristan Do hay Phillip Roller.
Trong thời gian qua, lối chơi cũng như từng con người trên sân của ĐT Việt Nam đã bị các đối thủ nghiên cứu rất kỹ. Đoàn quân của thầy Park cần những nhân tố mới để tạo ra sự đột biến. Với sự có mặt của các cầu thủ Việt kiều, chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ có nhiều phương án trong việc vận hành chiến thuật.
Sau hành trình không thành công tại AFF Cup, ĐT Việt Nam cần thay đổi với định hướng táo bạo hơn. Nguồn nhân lực Việt kiều, với Kelvin Bùi là trường hợp tiêu biểu là một ý kiến không tồi để VFF cân nhắc.