Mèo Felicette (ngoài cùng bên trái) cùng những con mèo khác tham gia huấn luyện “phi hành gia” (ảnh: History)
Vào những năm 1960, cuộc đua khám phá vũ trụ bắt đầu tăng nhiệt. Hai cường quốc hàng đầu thế giới lúc bấy giờ là Liên Xô và Mỹ đã đưa chó Laika và tinh tinh Ham lên không gian (lần lượt vào năm 1957 và 1961).
Pháp cũng đưa một con chuột tên Hector lên vũ trụ (năm 1961). Tuy nhiên chuyến đi này không tạo được tiếng vang và Pháp cảm thấy bị thua kém, theo History.
Theo Allthatsinteresting, chuột không mang lại cho các nhà khoa học nhiều thông tin hữu ích về ảnh hưởng của môi trường vũ trụ tới sinh vật sống. Trước Pháp, Mỹ cũng từng đưa chuột lên vũ trụ. Câu hỏi đặt ra với các nhà khoa học Pháp khi đó là họ cần đưa con vật nào bay vào không gian để gây ấn tượng và có nhiều thu hoạch. Đáp án là mèo.
“Mèo là một trong những động vật được sử dụng rộng rãi trong các cuộc nghiên cứu thần kinh vào những năm 1960”, Michel Viso – chuyên gia sinh học ngoài Trái đất thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Pháp – cho biết.
Để thực hiện kế hoạch đưa mèo lên vũ trụ, năm 1963, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Y học Hàng không Vũ trụ Pháp đã mua 14 con mèo. Tất cả đều là giống cái. Chúng được đưa vào chương trình huấn luyện “phi hành gia mèo”. Mèo Felicette là một trong số này.
Mèo Felicette trước khi bay vào vũ trụ (ảnh: NASA Archives)
Felicette cùng 13 con mèo khác đã trải qua huấn luyện và sàng lọc nghiêm ngặt để xem chúng phản ứng ra sao trong quá trình mô phỏng bay vào vũ trụ. Những con mèo bị nhốt trong không gian kín, bị cắm điện cực vào đầu để theo dõi phản ứng của não bộ. Chúng phải luyện tập giữ bình tĩnh khi nghe âm thanh lớn và nằm trong máy quay ly tâm. Các thử thách trên kéo dài trong vài tháng.
Sau khi trải qua sàng lọc, Felicette cùng 5 con mèo khác được cho là đủ điều kiện bay vào không gian. Felicette chắc chắn không phải “phi hành gia chuyên nghiệp”. Nó là một con mèo hoang, chỉ nặng 2,27kg và hàng ngày lang thang trên đường phố Paris.
Theo The News Tack, các nhà khoa học cuối cùng chọn Felicette là “phi hành gia” bởi trong thời gian huấn luyện, nó vẫn giữ được vẻ bình tĩnh đáng kinh ngạc và không có thay đổi nào về trọng lượng cơ thể.
“Felicette là con mèo phù hợp nhất. Nếu có bất kỳ phản ứng hoảng sợ nào, nó sẽ bị loại khỏi chương trình vì điều này khiến các tín hiệu não của nó không thể đọc được”, Trung tâm Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Pháp cho biết.
Ngày 18/10/1963, mèo Felicette được đưa vào không gian trên tên lửa AG1.
“Tên lửa bay rất cao, gần 157km. Sau 15 phút trên vũ trụ, Felicette trở lại Trái đất một cách an toàn”, chuyên gia Michel Viso cho biết.
Trong kế hoạch huấn luyện, mèo Felicette chỉ được gọi với mã số C341. Sau khi hoàn thành chuyến bay, nó được báo chí Pháp ca ngợi và gọi là “mèo phi hành gia Felicette”.
Tuy nhiên, khoảnh khắc vinh quang của mèo Felicette không kéo dài lâu. Sau chuyến bay, các nhà khoa học đã cho nó “chết êm ái” để nghiên cứu não bộ. Mèo Felicette bị lãng quên sau đó.
Robert Pearlman – nhà nghiên cứu lịch sử vũ trụ, biên tập viên trang web collectSPACE – cho rằng, “công lao” của mèo Felicette bị lãng quên do Pháp không có nhiều nhiều thành tựu trong lĩnh vực khám phá vũ trụ. Pháp chưa từng đưa được con người vào không gian.
“Tôi nghĩ vấn đề là do bối cảnh lịch sử. Nỗ lực đưa con người vào không gian và đặt chân lên Mặt trăng là cuộc đua giữa Mỹ và Nga”, ông Robert Pearlman nhận xét.
Năm 1992, khi một loạt tem được phát hành nhằm tôn vinh Felicette, người ta vô tình mô tả nó là một con mèo giống đực.
Những con tem kỷ niệm chuyến bay vào vũ trụ của mèo Felicette (ảnh: Allthatsinteresting)
Năm 2017, một người đàn ông tên Matthew Serge Guy ở London (Anh) tổ chức chiến dịch quyên góp nhằm xây một bức tượng đồng kỷ niệm chuyến bay của mèo Felicette, theo Allthatsinteresting.
“Câu chuyện về con mèo đầu tiên bay vào vũ trụ bị lãng quên. Nó xứng đáng được tưởng niệm”, Serge Guy viết trên trang web kêu gọi ủng hộ.
Chiến dịch của Serge Guy thành công. Số tiền hơn 57.000 USD quyên góp được sử dụng để đúc một bức tượng đồng cho mèo Felicette. Bức tượng hiện đặt tại Đại học Không gian Quốc tế ở Strasbourg (Pháp), mô tả mèo Felicette đang đứng ngoài Trái đất.
Tượng đồng tạc hình mèo Felicette (ảnh: Allthatsinteresting)
Đại học Toulouse III cho biết, một đài thiên văn mở cửa vào năm 2023 của họ sẽ được đặt tên là Felicette để tưởng nhớ cô mèo “dũng cảm”.
Vương Nam – tổng hợp