Khai mạc World Cup 2022: Cái tát cho Qatar và mạn đàm về việt vị

Nguyễn Ngọc Trung

Nguyễn Ngọc Trung

Thứ 2, 21/11/2022 08:37

Sau trận mở màn World Cup, có thể nói Qatar nhờ tiền mới được dự giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Nhưng điều đáng nói hơn là những tranh cãi xung quanh luật việt vị.

Giải khác - Khai mạc World Cup 2022: Cái tát cho Qatar và mạn đàm về việt vị

World Cup 2022 đã khởi tranh bằng trận chủ nhà Qatar đấu với Ecuador. Hóa ra thông tin chủ nhà chi hơn 7,4 triệu đô hối lộ đối thủ để giành chiến thắng trận khai mạc chỉ là tin vịt. Thực tế đại diện Nam Mỹ thắng 2-0. Và sự chênh lệch đẳng cấp quá lớn giữa hai đội cho thấy nước chủ nhà phải chi gấp mười con số ấy may ra mới có được một trận hòa.

Ecuador mới chỉ là đội bóng làng nhàng tại Nam Mỹ, đứng thứ 44 trên bảng xếp hạng FIFA đã hành Qatar tới cỡ đó, đủ thấy thầy trò Felix Sanchez yếu kém cỡ nào. Đơn giản nếu quốc gia Trung Đông giàu có này không chi 300 tỷ đô đăng cai World Cup thì còn rất lâu đội tuyển quốc gia nước này mới “đủ tuổi” tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Trình của đội bóng này cũng tương tự U23 Qatar, tức cố lắm thì hòa được U23 Việt Nam trong 120 phút.

Cũng cần nói thêm, đáng ra Qatar còn vỡ sớm hơn và thua đậm hơn nếu pha đánh đầu tung lưới thủ thành Alsheeb của Enner Valencia ngay ở phút thứ 3 được công nhận. Lý do là Felix Torres, người chuyền bóng cho Michael Estrada kiến tạo cho Valencia, đã rơi vào thế việt vị. Nếu nhìn bằng mắt thường, dẫu có hỏa nhãn kim tinh của Tôn Ngộ Không cũng không nhận ra việt vị chỗ nào.

Tuy nhiên, kỳ World Cup này còn có thứ phép thần thông ghê gớm hơn cả Tôn Hành Giả. Đó là công nghệ bắt việt vị bán tự động - Semi-automated Offside Technology (SAOT). Nôm na bên trong quả bóng này sẽ gắn cụm cảm biết Suspension System để đo đạc vị trí, tốc độ trái bóng chuẩn xác nhất có thể. Tọa độ của trái bóng sẽ liên tục được gửi về mạng lưới công nghệ của FIFA, qua đó giúp xác định lỗi việt vị rõ ràng hơn.

Giải khác - Khai mạc World Cup 2022: Cái tát cho Qatar và mạn đàm về việt vị (Hình 2).

Trở lại với tình huống gây tranh cãi, nhờ công nghệ bắt việt vị bán tự động, trọng tài phát hiện cái chân của cầu thủ Ecuador đã phạm lỗi việt vị khi thủ thành Alsheeb tranh chấp bóng bổng với Michael Estrada. Sau pha tranh chấp này, bóng mới nảy đến chỗ Felix Torres. Luật việt vị bắt buộc các cầu thủ phải đứng trên ít nhất 2 cầu thủ đối phương mới không phạm luật, nếu chỉ đứng trên 1 cầu thủ, và không nhất thiết là thủ môn, thì phạm luật.

Vậy Felix Torres việt vị chưa? Câu hỏi này thực ra chưa có giải đáp thỏa đáng và cũng không xứng để trả lời có hay không. Nếu Alsheeb chạm bóng cuối cùng, theo luật, Torres không việt vị. Ban tổ chức hay tổ trọng tài cũng chưa hề đưa ra bằng cớ rõ ràng cho thấy Estrada, cầu thủ bên phía Ecuador chạm bóng cuối cùng. Hơn nữa, đây hoàn toàn là tình huống tranh chấp 50-50 và Estrada cũng không hề có chủ đích chuyền bóng cho Torres. Và Torres mới là người chuyền cho Estrada, rồi Estrada mới chuyền cho Valencia đánh đầu vào lưới. Tóm lại, đó là một vòng luẩn quẩn.

Dù công nghệ tối tân tới cỡ định vị cả trái bóng đi chăng nữa thì tranh cãi vẫn cứ nổ ra, đặc biệt là ở các tình huống việt vị. Thứ nhất, bởi việt vị là luật tương đối. Không thể tuyệt đối hóa trong luật này. Chẳng hạn khi chưa có truyền hình, trọng tài biên không thể nhìn một lúc cầu thủ chuyền bóng và nhận bóng. Khoa học đã chứng minh mắt người chỉ có thể nhìn về 1 điểm trong 1 thời điểm. Vậy bắt việt vị chính xác tuyệt đối kiểu gì?!

Và bất chấp sự phát triển của truyền hình, việc xác định thời điểm bóng rời chân người chuyền và cơ thể cầu thủ nhận bóng xem có việt vị hay không đều không thể tuyệt đối chính xác. Cho dù chia theo đơn vị sát na đi chăng nữa. Giữa sát na trước và sát na sau, pha bóng đá thay đổi hoàn toàn và chẳng ai định lượng cụ thể được đâu là đúng, đâu là sai. Tình huống tranh chấp 50-50 và cả hai cũng chạm bóng như trận khai mạc World Cup càng khó phân định.

Giải khác - Khai mạc World Cup 2022: Cái tát cho Qatar và mạn đàm về việt vị (Hình 3).

Thứ hai, quan trọng hơn, luật việt vị sinh ra không phải để bắt việt vị. Sứ mệnh của luật việt vị cao cả gấp nhiều lần việc soi đi soi lại cái vạch vô tri được kẻ nên ở điểm cuối cơ thể một cầu thủ. Muốn hiểu giá trị luật việt vị, phải lộn ngược về thuở hồng hoàng của bóng đá. Thời đó, dĩ nhiên chưa có luật, các cầu thủ thi đấu vô pháp, vô thiên. Tình trạng “vét cơm cháy” khiến các trận đấu ngày càng thui chột và kém hấp dẫn. Các nhà làm luật bóng đá phỏng theo luật việt vị của môn bóng bầu dục, bắt buộc các cầu thủ phải đứng trên ít nhất 3 cầu thủ đối phương mới hợp lệ. Nếu chỉ đứng trên từ 2 cầu thủ đối phương trở xuống là bị bắt việt vị.

Luật việt vị này tồn tại từ nửa cuối thế kỷ 19 đến tận năm 1925 và tạo ra những dấu ấn lớn trong lịch sử bóng đá. Trước hết, việc phải đứng trên 3 cầu thủ đối phương mới hợp lệ khiến nguy cơ bị thổi việt vị bên phần sân đối phương, đặc biệt là trong vòng cấm cực cao. Thế nên các cầu thủ tấn công cứ nhận bóng là cắm đầu rê, hiếm khi chuyền bóng. Hình ảnh này cũng thường thấy ở môn bóng bầu dục khi các cầu thủ tấn công khi nhận bóng là cắm đầu ôm bóng chạy. Để tối đa hóa số lượng cầu thủ tấn công để rê bóng, các HLV thường sử dụng sơ đồ 2-3-5.

Cũng trong quãng thời gian này, bóng đá được người Anh “xuất khẩu” đi khắp thế giới. Một trong những quốc gia du nhập bóng đá và biến bóng đá trở thành môn thể thao quốc gia là Brazil. Sao Paulo và Corinthians, hai đội bóng lâu đời nhất xứ sở samba được thành lập bởi chính người Anh. Không chỉ vậy, chịu ảnh hưởng bởi phong cách cầm bóng rê của những “người thầy”, cộng với tố chất thiên phú, người Brazil đã biến rê bóng trở thành một môn nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc gia.

Lan man vậy đủ rồi, quay lại với luật việt vị, sau một thời gian dài áp dụng, các nhà làm luật lại nhận thấy hạn chế của luật này là không khuyến khích các đội bóng dâng cao tấn công và trận đấu bị bẻ vụn bởi các pha xử lý cá nhân. Vì vậy, một quyết định mang tích cách mạng của môn bóng đá được đưa ra. Đó là điều chỉnh từ 3 xuống còn 2, tức cầu thủ sẽ không bị thổi việt vị nếu đứng trên 2 cầu thủ đối phương.

Từ đó đến nay, gần 100 năm trôi qua, vật đổi sao dời, thế giới đổi thay ghê gớm, nhưng về cơ bản luật việt vị được giữ nguyên, chỉ được tinh chỉnh một vài điểm cho hợp lý hơn. Điều đó cho thấy luật việt vị này rất hiệu quả. Hiệu quả đầu tiên là số lượng bàn thắng tăng đột biến. Tiếp đến thúc đẩy sự phát triển của chiến thuật trong bóng đá. Từ chỗ nhà nhà dùng 2-3-5, sự điều chỉnh của luật việt vị cho ra đời sơ đồ WM, gắn liền với HLV huyền thoại Herbert Chapman. Sau WM là 3-4-3, rồi 4-2-4, 4-4-2, 5-3-2, các chiến lược gia ngày càng chú trọng khâu phòng ngự. Vậy mới có khái niệm: Ai đã đảo ngược kim tự tháp trong chiến thuật bóng đá. Nếu không chỉnh luật việt vị, bóng đá nói chung và chiến thuật bóng đá nói riêng có lẽ khó phát triển rực rỡ như ngày nay.

Giải khác - Khai mạc World Cup 2022: Cái tát cho Qatar và mạn đàm về việt vị (Hình 4).

Như vậy, tổng kết lại, đầu tiên luật việt vị được sinh ra để hạn thủ đoạn, kích thích lối chơi đẹp lẫn sự phát triển của bóng đá. Sau đó, để đảm bảo tính công bằng, luật việt vị với bản chất tương đối như đã nêu, phụ thuộc nhiều vào cảm tính của các vị trọng tài điều khiến trận đấu. Một trọng tài giỏi, đặc biệt là ở khoản bắt việt vị, là trọng tài điều khiển cho trận đấu diễn ra một cách trơn tru và không khiến bên nào cảm thấy ức chế chứ không phải một trọng tài bắt đúng 100% tình huống việt vị.

Do đó, công nghệ được sinh ra và áp dụng để đo lường các tình huống việt vị, trước hết là để phục vụ trọng tài điều khiển trận đấu thuận tiện hơn, hạn chế tranh cãi và ức chế hơn. Giống như một nhiếp ảnh gia tài ba, cho dù chiếc điện thoại hay chiếc máy ảnh có giá cả tỷ đồng, bất cư công cụ nào họ cũng có thể cho ra một bức ảnh đẹp. Tuy nhiên, một chiếc máy ảnh xịn sẽ giúp nhiếp ảnh gia tác nghiệp nhanh chóng và thuận tiện hơn, bắt được nhiều khoảnh khắc đẹp hơn.

Tuy nhiên, thực tế trọng tài lại không có được sự khai phóng nhờ công nghệ. Cho dù VAR đúng nghĩa là video hỗ trợ trọng tài nhưng thực tế trọng tài lại bị phụ thuộc vào video. Thay vì tự tin ra quyết định bản thân cho là đúng thì lại loay hoay và hoang mang chờ thông báo từ các trợ lý ở phòng VAR. Chỉ mỗi VAR thôi đã đủ gây ra lắm sự phiền toái và kể cả ức chế trước đấy chưa thấy. Chẳng hạn như việc các trọng tài soi đi soi lại một tình huống cho đến khi ra lỗi thì thôi mà chính CĐV Việt Nam từng có trải nghiệm tại vòng loại. Nay đến vòng chung kết World Cup 2022 lại xuất hiện thêm cả công nghệ việt vị bán tự động thì sự phụ thuộc của các trọng tài lại càng lớn.

Thế nên, trước ngưỡng cửa 4.0 vẫn phải tự vấn: Công nghệ phục vụ con người hay con người phục vụ công nghệ. Chỉ mới địa hạt bóng đá nhỏ bé thôi đã nảy sinh ra lắm chuyện tréo ngoe, nực cười, chứ chưa nói đến các lĩnh vực rộng lớn liên quan đến đời sống và xã hội.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.