Hiện nay, có rất nhiều trường hợp cá nhân đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu tại một bệnh viện; nhưng vì nhiều lý do nên đã đi khám bệnh ở một bệnh viện khác. Đối với trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 đã quy định rõ.
Trường hợp bệnh viện, phòng khám tư có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội:
Theo quy định tại khoản 4, điều 22 Luật Bảo hiểm Y tế, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được quyền khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại các địa điểm trên trong cùng địa bàn tỉnh thì có mức hưởng trong phạm vi quyền lợi quy định trên thẻ bảo hiểm y tế.
Trường hợp bệnh viện, phòng khám tư không ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội:
Theo quy định tại khoản 1, điều 30 Nghị định146/2018/NĐ-CP: Người tham gia bảo hiểm y tế đến khám, chữa bệnh tại cơ sở này căn cứ theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở (đối với điều trị ngoại trú) tại thời điểm khám chữa bệnh. Đối với điều trị nội trú hưởng không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện.
Phần chênh lệch dịch vụ như công khám, xét nghiệm, phẫu thuật, các dịch vụ điều trị… người có thẻ bảo hiểm y tế phải tự thanh toán với cơ sở khám, chữa bệnh.
Người khám, chữa bệnh có thể mang các hóa đơn chứng từ khám, chữa bệnh đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi phát hành thẻ để được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hoàng Mai