Với những biến thể mới, Covid-19 tiếp tục gây tổn thương tới cả nền kinh tế, an sinh xã hội, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã “thấm mệt”.
Trước đây, chúng ta thường thấy những khẩu hiệu "Chuyển đổi số" khắp các ngành nghề nhưng thực tế diễn ra còn rất chậm. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu thiết yếu, không còn là chiến lược chung chung nữa.
Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp có thể giãn cách nhưng không gián đoạn đã được các công ty công nghệ đưa ra, Giám đốc công nghệ FPT (CTO) Vũ Anh Tú chia sẻ về những liều "vắc-xin số", tạo kháng thể cho doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh.
Công nghệ - trợ thủ giúp kinh doanh không gián đoạn
Dưới góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, anh đánh giá như thế nào về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt hàng ngày? Và theo anh, công nghệ có thể yểm trợ thế nào để giúp họ dần trở thành các doanh nghiệp xanh, đảm bảo vận hành trong bối cảnh hiện nay?
Giữa làn sóng Covid-19 lần thứ tư, chúng tôi khảo sát hơn 400 doanh nghiệp về thực trạng hoạt động của họ trước những diễn biễn của dịch bệnh. Có tới 45% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải thu hẹp hoạt động hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh và 8,8% phải ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp còn hoạt động thì hiệu suất công việc suy giảm khi giãn cách xã hội kéo dài, trong khi môi trường kinh doanh cũng đang có những thay đổi nhanh chóng.
Theo tôi nhìn nhận, có 3 khó khăn kỹ thuật trong vận hành công việc hàng ngày của doanh nghiệp tại thời điểm này. Đó là năng suất suy giảm khi làm việc từ xa; ùn ứ giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng khi làm việc từ xa và gián đoạn liên lạc, trao đổi công việc.
Tôi lấy ví dụ đơn giản về việc ký các loại hồ sơ, văn bản, giấy tờ nội bộ hay hợp đồng, giao kèo với khách hàng. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay, việc trình ký trực tiếp với đối tác, khách hàng hay thậm chí là ký trong nội bộ dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Do đó, cần có sự hỗ trợ của công nghệ, ví dụ cụ thể là chữ ký số, hợp đồng điện tử. Khi đó, việc ký kết có thể được thực hiện nhanh chóng và thông suốt chỉ trong vài phút và ở bất cứ đâu.
Đây cũng chính là lý do để có tới 94% doanh nghiệp theo khảo sát của chúng tôi khẳng định là sẵn sàng đầu tư cho việc số hóa các hoạt động như quản lý nhân sự, văn phòng không giấy tờ.
Rõ ràng là, việc thực hiện tiêm vắc-xin, áp dụng các biện pháp giãn cách đang là giải pháp để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng. Nhưng cuộc sống không dừng lại, chúng ta vẫn phải tiếp tục kinh doanh, tiếp tục vận hành doanh nghiệp, tiếp tục vận hành nền kinh tế.
Do đó, chúng tôi tin rằng sự yểm trợ về công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp gỡ bỏ được phần nào những khó khăn rất lớn hiện nay, để vừa tuân thủ “ai ở đâu thì ở đấy” vừa đảm bảo kinh doanh không gián đoạn.
Và đó là niềm tin khiến FPT đưa ra khẩu hiệu kinh doanh không gián đoạn cùng một chương trình có cái tên gây chú ý, thậm chí hơi shock là “FPT eCovax”? FPT gọi đó là một loại vắc-xin tăng “kháng thể số” cho doanh nghiệp, cụ thể đó là những giải pháp công nghệ gì và hiệu quả của nó thế nào?
Hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện của FPT gồm hàng trăm giải pháp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp ở các quy mô và ngành nghề khác nhau.
Xuất phát từ mong muốn chung tay chia sẻ khó khăn và sự thấu hiểu nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp là vận hành kinh doanh không gián đoạn, hoàn toàn chủ động trong quản trị, chúng tôi đưa ra Gói giải pháp số FPT eCovax nhằm giúp doanh nghiệp duy trì tương tác với nhân viên, giao dịch với khách hàng, đối tác trong bối cảnh giãn cách kéo dài. Các giải pháp gồm FPT eContract (Hợp đồng điện tử), FPT.CA (Chữ ký số); Tổng đài Oncall và Base Request (Quản lý, phê duyệt và đề xuất). Các giải pháp này giúp doanh nghiệp tiết kiệm đến 80-90% thời gian, 85% chi phí xử lý công việc.
Với FPT eContract và FPT.CA – Chữ ký số, doanh nghiệp có thể tự động hóa quá trình ký kết từ việc khởi tạo, điều chỉnh, phê duyệt đến lưu trữ hợp đồng/hồ sơ trên một nền tảng duy nhất vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, giúp tiết kiệm 80% thời gian, 85% chi phí. Với Oncall, doanh nghiệp chủ động thiết lập tổng đài không giới hạn. Còn với Base Request, doanh nghiệp có thể số hóa toàn bộ yêu cầu, đề xuất trong nội bộ, tiết kiệm 90% thời gian xử lý công việc.
Các giải pháp này đều được cung cấp trên nền tảng Cloud và theo mô hình Saas (phần mềm dịch vụ) giúp doanh nghiệp có thể triển khai nhanh chóng trong vòng vài giờ cũng như sẵn sàng mở rộng bất cứ lúc nào và tương thích với hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có của doanh nghiệp.
Để chia sẻ khó khăn, các doanh nghiệp sẽ được sử dụng một năm miễn phí gói giải pháp số FPT eCovax đầu tiên gồm 4 giải pháp FPT eContract (Hợp đồng điện tử), FPT.CA (Chữ ký số); Tổng đài Oncall và Base Request (Quản lý, phê duyệt và đề xuất) khi đăng ký trước ngày 31/12/2021.
Hiện tại, chúng tôi tiếp tục tập trung xây dựng các “mũi tiêm” tiếp theo để bổ sung thêm các “kháng thể số”, tăng cường sức đề kháng cho doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh.
Anh nói về “những liều vắc-xin số tiếp theo”, cụ thể đó sẽ là những giải pháp gì?
Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã xây dựng liều vắc-xin đầu tiên giúp các DN có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian giãn cách. Tất cả các giải pháp công nghệ được đưa ra đều tập trung vào vấn đề cốt lõi nhất là giải quyết các nhu cầu bức thiết nhất của doanh nghiệp là kinh doanh không gián đoạn, hỗ trợ làm việc từ xa, giao việc hiệu quả và kết nối khách hàng không tiếp xúc, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những tác động bất lợi trong bối cảnh dịch bệnh.
Về lâu dài, tôi nhìn thấy còn rất nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết với sự hỗ trợ của các giải pháp công nghệ, ví dụ như chăm sóc những nhân viên nhiễm bệnh, đảm bảo sức khoẻ của người lao động trong công ty, đảm bảo lưu thông hàng hoá….
Các giải pháp công nghệ tiếp theo đang và sẽ tập trung vào những việc này, FPT đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm nên chỉ có thể đưa ra một ví dụ như AI bot sẽ hướng dẫn thực hiện các quy trình chăm sóc sức khoẻ tại nhà theo các tài liệu ban hành của các cơ quan y tế.
10 phút hoàn thiện hợp đồng nhờ số hoá
Anh có trích dẫn con số 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát nói sẵn sàng đầu tư cho số hoá, anh nhận được phản hồi như thế nào từ các doanh nghiệp đối với những giải pháp công nghệ đã được đưa ra?
Trước hết tôi sẽ nói về tình huống. Quan sát trong suốt thời gian làm việc vừa qua cùng khách hàng, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề đó là bán hàng theo các hình thức truyền thống sụt giảm nghiêm trọng. Rõ ràng đã đến lúc doanh nghiệp cần thật sự chuyển sang môi trường số, mạng xã hội, thương mại điện tử. Đó là điều bắt buộc, không còn là khẩu hiệu hay một chiến lược chung chung nữa.
Ngoài ra, từ thực tế có thể thấy rõ việc thiếu các công cụ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính hiệu quả của làm việc từ xa. Thực hiện các thủ tục từ xa tốn thời gian, tốn nguồn lực. Ví dụ như ký kết hợp đồng mua bán cần nhiều chữ ký mới có hiệu lực, nhưng trong giãn cách thì việc thu thập đủ chữ ký lại không hề đơn giản, không có cách nào khác ngoài việc sử dụng các giải pháp công nghệ. Khi thiếu hệ thống kết nối thì khả năng gắn kết, hiệu quả cộng tác của nhân viên khi làm việc từ xa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Giải pháp mà chúng tôi đề nghị sẽ tập trung giải quyết những vấn đề đó của doanh nghiệp.
BNQ, công ty giao nhận vận chuyển quốc tế, đã phản hồi với chúng tôi rằng, thông thường họ mất 3 ngày để trình ký một hợp đồng, sau đó chuyển sang cho khách hàng ký nhưng hiện giờ, ngay trong bối cảnh giãn cách xã hội họ chỉ mất chưa đến 10 phút để hoàn thiện một hợp đồng nhờ FPT.eContract.
Đã có gần 300 doanh nghiệp quan tâm, đăng ký sử dụng trọn bộ gói giải pháp eCovax và chúng tôi đang gấp rút hỗ trợ họ sử dụng.
Thực tế trước khi chúng tôi công bố chương trình FPT eCovax, có rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng một hoặc nhiều các giải pháp trong Hệ sinh thái chuyển đổi số của chúng tôi.
Thống kê cho thấy, bằng việc sử dụng các giải pháp chuyển đổi số trong hệ sinh thái công nghệ Made by FPT, thì các doanh nghiệp đã cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí tiết kiệm lên tới 90% thời gian ở một số quy trình nghiệp vụ so với trước khi số hoá. Đây là những hiệu quả thấy được với mỗi doanh nghiệp.
Theo cảm nhận của anh khi làm việc với các đối tác, các doanh nghiệp Việt, đa phần là DNNVV - vốn đang kiệt sức tìm kiếm những cách thức để tồn tại - họ có còn đủ khao khát để đi một hành trình số hoá?
Các doanh nghiệp đều đã “thấm mệt” trước Covid-19, trước đây chúng ta vẫn thấy khẩu hiệu “Chuyển đổi số” trong khắp các lĩnh vực nhưng thực hiện thì vẫn còn chậm. Tuy nhiên với môi trường hiện tại, các DNNVV là những đơn vị thay đổi nhanh nhất. Họ hiểu nếu không có những công cụ, giải pháp công nghệ thì không thể hoạt động, khó có thể đảm bảo kinh doanh không gián đoạn trong bối cảnh này. Như vậy, chúng tôi cho rằng số hoá và công nghệ chính là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển qua đại dịch.
Bằng chứng là trong một khảo sát với các DNNVV và được FPT và Base thực hiện hồi tháng 5 và 6 năm nay, có 91,8% doanh nghiệp khẳng định đã triển khai hoặc đang có dự định, kế hoạch triển khai công nghệ trong giai đoạn này. Tỉ lệ chưa hoặc không có ý định triển khai chỉ là 8,2%, nhưng tôi tin là tỉ lệ này sẽ giảm.
Chúng tôi cũng không kỳ vọng ngay lập tức đại đa số các doanh nghiệp sẽ triển khai ngay và triển khai thành công các “vắc-xin số hoá" này, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì đi cùng các doanh nghiệp trong thời gian tới, vì chúng tôi hiểu rằng hành trình chuyển đổi nào cũng khó khăn và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Ngay trong FPT, chúng tôi đã đi đến năm thứ 3 của hành trình chuyển đổi số, nhiều việc đã làm được nhưng còn vô cùng nhiều thách thức phía trước.
Các doanh nghiệp có thể triển khai từng sáng kiến số, giải quyết từng vấn đề trọng yếu rồi đánh giá hiệu quả và nhân rộng để chuyển đổi số toàn diện.
Nhìn vào sự vận động trên thị trường các sản phẩm công nghệ của Việt Nam thời gian vừa qua, cảm nhận của anh là gì? Chúng ta có đang chậm trễ trong việc đào tạo, phát triển để biến những khao khát đưa Việt Nam đi vào kỷ nguyên số mà chúng ta vẫn nghe nói bấy lâu nay thành hiện thực không?
Các số liệu khảo sát cho thấy doanh nghiệp đã nhận thức được cần có sự hỗ trợ của các giải pháp công nghệ để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thực tế của doanh nghiệp mới dừng ở con số 42%, theo như khảo sát của chúng tôi. Lý do là vẫn có một tỉ lệ trong số họ còn băn khoăn về hiệu quả mang lại của các giải pháp công nghệ hay chi phí đầu tư.
Thấu hiểu những lo ngại, băn khoăn ấy và với mong muốn thúc đẩy nhanh quá trình số hoá doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm trên đường trường kinh doanh, chúng tôi đã không ngừng tìm tòi để liên tục đưa ra các giải pháp công nghệ mới theo hình thức SaaS (dịch vụ phần mềm) và tiếp tục đầu tư nâng cấp.
Nhìn rộng ra thì tôi hoàn toàn tự tin với nhiều sản phẩm công nghệ của Việt nam đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm, chúng ta đã có những doanh nghiệp như Base với hàng ngàn khách hàng trong một thời gian ngắn hoạt động, hoặc những doanh nghiệp SaaS tương tự gần đây đã được đầu tư hàng chục triệu USD, nhiều doanh nghiệp trong số đó có tuổi đời 3-5 năm và được thành lập bởi đội ngũ các bạn trẻ U35.
Những thành quả của các bạn đang phần nào thực hiện hoá khao khát Chuyển đổi số của Việt nam, chúng ta cần rất nhiều những doanh nghiệp phần mềm như vậy.
Cần những giải pháp kết nối các công cụ hiện có
Xin được hỏi đánh giá của anh, một CTO, về tác động, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong việc hỗ trợ cộng đồng, kết nối các nguồn lực cùng phòng chống dịch bệnh? Theo anh, những gì có thể cải thiện để giúp có những hiệu quả tốt hơn?
Có thể thấy, trên thực tế, công nghệ đang mang lại những hiệu quả thiết thực, là tấm “lá chắn” trong các khâu phòng chống dịch bệnh hiện nay. Từ việc thu thập thông tin hỗ trợ công tác truy vết, ứng dụng y tế, tờ khai điện tử, QR luồng xanh… đến cung cấp thông tin, tư vấn người dân trong đăng ký tiêm vắc xin, cách ly, điều trị thông qua chatbot, voicebot, quét mã QR.
Trong đó, các nghiên cứu của FPT cũng đã được sử dụng để hỗ trợ công tác phòng chống, sàng lọc, truy vết và hướng dẫn cách ly y tế tại nhà. Chẳng hạn như trợ lý ảo FPT.AI đã thực hiện hơn 2,6 triệu cuộc gọi tới hơn 1,6 triệu công dân Việt Nam, góp phần phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta cần có những giải pháp để kết nối các công cụ hiện có, tập trung hoá dữ liệu, xây dựng các tiêu chuẩn mở và an toàn để nhiều bên liên quan có thể cùng khai thác một cách hiệu quả như một nền tảng tổng thể, trên đó các nguồn lực của xã hội cùng chung tay phát triển các giải pháp thì sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
Dương Phong thực hiện