Sáng 29/4, tại Thanh Hoá và Bình Thuận đã diễn ra lễ khánh thành hai cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây.
Sau khi cắt băng khánh thành 2 dự án cao tốc, đến 18h cùng ngày cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ chính thức thông xe hai chiều. Còn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đến 0h ngày 30/4 sẽ chính thức thông xe hai chiều.
Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu chính thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (dự án Phan Thiết - Dầu Giây) kết nối với điểm cầu thuộc xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá (dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành tại điểm cầu Bình Thuận.
Tại đầu cầu Phan Thiết - Dầu Giây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và lãnh đạo các Bộ, ngành; lãnh đạo địa phương tham dự sự kiện.
Còn tại đầu cầu cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và các lãnh đạo địa phương đến tham dự sự kiện.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và các lãnh đạo địa phương cắt băng khánh thành tại điểm cầu Thanh Hoá.
Các đại biểu đến dự lễ khánh thành tại điểm cầu Thanh Hoá.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ báo cáo tổng thể về quá trình thực hiện 2 dự án và kế hoạch tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án đã gặp không ít khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án như: Công tác giải phóng mặt bằng, địa hình, địa chất phức tạp, đại dịch COVID-19 phải thực hiện giãn cách xã hội thiếu nhân sự, vật liệu xây dựng đầu năm 2022 tăng cao, thời tiết, khí hậu cực đoan, các nhà thầu gặp khó khăn về tài chính...
Thứ trướng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi lễ.
Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trung ương và địa phương, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ đạo nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, xóa bỏ những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án.
"Để dự án về đích theo Kế hoạch đã đề ra, các đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực triển khai thi công xuyên lễ, xuyên Tết nhằm sớm hoàn thành các dự án. Đến nay, 2 dự án đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện đưa vào khai thác phục vụ nhân dân", Thứ trưởng Thọ nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng Thọ cũng chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai, dự kiến đến ngày 19/5/2023 sẽ khánh thành thêm đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km và đoan Nha Trang - Cam Lâm dài 49km.
Đến cuối năm 2023 khánh thành thêm 4 đoạn với tổng chiều dài 133km. Đến năm 2024 sẽ hoàn thành 2 đoạn với tổng chiều dài 129 km . Đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và một số đoạn khác, thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo và tuyên bố khánh thành 2 dự án.
Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng khi 2 đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây được hoàn thành, nhất là càng có ý nghĩa vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày đất nước thống nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu và tuyên bố khánh thành 2 dự án cao tốc.
Thủ tướng đánh giá đây là những đoạn tuyến quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận - TPHCM, giữa Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa và các địa phương khác, kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và khu vực miền Trung, TP.HCM với khu vực miền Trung. Việc đưa vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao dịp nghỉ lễ.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Là động lực lớn để thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, người lao động ngành GTVT, đặc biệt là các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn, làm việc không quản ngày đêm, huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành.
Tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài hơn 63 km, nối từ tỉnh Ninh Bình đến huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong đó tỉnh Ninh Bình dài 14,35km, Thanh Hóa dài 49,02km.
Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe, rộng 17m, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc mở rộng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có 5 nút giao, trong đó 2 nút giao nằm trên địa phận tỉnh Ninh Bình và 3 nút giao trên địa phận tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi đưa vào vận hành, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Thanh Hóa xuống còn 2 giờ đồng hồ, thay vì đi mất khoảng 2,5 - 3 giờ như hiện nay.
Các phương tiện di chuyển trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sau lễ khánh thành.
Khu vực hầm Trung Thi
Người dân theo dõi lễ khánh thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45
Tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài hơn 63 km.
Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe, rộng 17m, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h.
Bộ GTVT chỉ cho phép xe chạy trên cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 với tốc độ tối đa 80 km/h và cấm xe tải trên 10 tấn. Các xe cũng chỉ được đi từ đoạn đầu dự án đến nút giao Đông Xuân nối quốc lộ 45 và 47; xe tải trên 3,5 tấn chỉ được đi từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Hà Lĩnh, xe khách trên 16 chỗ chỉ đi từ nút giao Mai Sơn đến nút giao Gia Miêu.
Đến sáng nay, sau lễ khánh thành xe ô tô sẽ được lưu thông gần hết tuyến cao tốc tới nút giao Đông Xuân (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Bộ GTVT chỉ cho phép xe chạy trên cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 với tốc độ tối đa 80 km/h và cấm xe tải trên 10 tấn.
Ngày 29/4, các phương tiện đã di chuyển đông trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45
Trong khi đó, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài 47,5km, Đồng Nai dài 51,5km.
Đây là dự án duy nhất trong giai đoạn này được đầu tư cấp đặc biệt với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mỗi bên 1 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng.
Công trình có 7 nút giao, tương ứng với 7 lối ra. Tuy nhiên, dịp khánh thành chỉ đưa vào khai thác 3 nút giao gồm điểm đầu (kết nối với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), điểm cuối (nút giao Ba Bàu) và nút giao với Quốc lộ 1A ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Bốn nút giao còn lại là Quốc lộ 56, Quốc lộ 55, đường ĐT 720, đường ĐT 765 chưa được hoàn thiện.
Tuyến đường sau khánh thành giúp rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi TP.Phan Thiết (Bình Thuận) từ 5-6 giờ, còn 2 giờ.
Quỳnh An