45 phút run rẩy của Man City
Hành trình tại Champions League 2021/22 của Atletico Madrid đã dừng lại, sau 90 phút không có nổi một cú sút tại Etihad và 90 phút loạn đả tại Wanda Metropolitano. Chiếc thẻ đỏ dành cho Felipe, những hành động côn đồ của Savic hay màn ẩu đả trong đường hầm là những “tình tiết tăng nặng” được bôi đậm trên truyền thông để dễ dàng luận tội thứ bóng đá phản bóng đá của “Diego Simeone và đồng bọn”.
Nhưng, có một sự thật chính Pep Guardiola phải thừa nhận: “Trong hiệp hai, Atletico đã chơi tốt hơn chúng tôi, may mắn là chúng tôi không nhận bàn thua. Họ đã dồn ép chúng tôi khủng khiếp. Họ đã chơi rất xuất sắc còn Man City lại quên mất cần phải chơi bóng như thế nào và rơi vào rắc rối lớn”.
Hãy nhìn vào số liệu thống kê ở hiệp hai, đặc biệt là những ai đã thống khoái cợt nhả đội bóng thành Madrid sau trận lượt đi: Atletico cầm bóng 53%, tung ra 13 pha dứt điểm với nhiều tình huống cận kề bàn thắng. Trong khi đó, đội bóng giàu có, luôn đề cao triết lý bóng đá đẹp, và sở hữu lực lượng vô cùng hùng hậu dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola chỉ tung ra 2 pha dứt điểm trong 45 phút cuối trận. Tình huống đáng chú ý nhất của Man City là pha đi bóng dẫn đến ẩu đả của Phil Foden.
Trong hiệp 2, Guardiola đã không còn chơi thứ bóng đá kiểm soát trịch thượng như ông luôn nói đến và hướng đến. Nói cách khác, Pep không thể kiểm soát mọi thứ được nữa, cho dù 3/4 thời lượng 2 trận đấu lượt đi và về (90 lượt đi và 45 phút hiệp 1 trận lượt về), Man City là đội làm chủ trận đấu. Bản cáo phó được treo lơ lửng trên đầu ông và các học trò. Chỉ cần Atletico sắc sảo hơn trong khâu dứt điểm, rất có thể kết cục đã khác. Đó cũng là minh chứng cho sự kém cỏi của Man City về bản lĩnh trận mạc và khả năng sinh tồn, những phẩm chất tiên quyết để thành công tại Champions League.
Thiên la địa võng của Simeone
Trở lại với Atletico, câu hỏi được đặt ra là tại sao Simeone không xua quân đá đôi công “chết bỏ” với Man City từ đầu trận hay cả 90 phút tại Etihad. Câu trả lời rất đơn giản: Thực lực. Atletico không sở hữu lực lượng hùng hậu như Man City, thế nên khi đương đầu với cường địch này, Simeone cần tính toán hợp lý lối chơi cho từng thời điểm. Trận thua 0-1 trên sân Etihad không hề là một thất bại. Tỷ số ấy nằm trong mức chấp nhận được để vị chiến lược gia người Argentina bày binh bố trận ở lượt về. Thế nên, 90 phút lượt đi, Atletico không dứt điểm không phải là vấn đề. Vấn đề là đội bóng này không có nhu cầu dứt điểm mà thôi.
Đến trận lượt về, Atletico cũng chọn lối đá nhẫn nhịn trong hiệp 1. Nếu bung sức sớm, Atletico rất dễ dính đòn hồi mã thương do đối phương còn sung sức hoặc sang hiệp 2 sẽ sớm hụt hơi. Ở đời, hơn nhau là ở chữ nhẫn là vậy. Chỉ đến 45 phút hiệp 2, Atletico mới dồn toàn lực đả phá khung thành Man City và chứng minh cho cả thế giới thấy gã trọc phú này rất dễ bị tổn thương.
Nếu Man City nhận bàn thua trong hiệp 2 và trong tình trạng kiệt quệ từ tinh thần đến thể lực, dám chắc rằng Pep Guardiola tài phép cỡ nào không thoát khỏi thảm cảnh như “cá nằm trên thớt”. Nên nhớ, thiên la địa võng của đội chủ nhà không chỉ bày bố trên sân mà cả trên khán đài. Hơn 60 vạn người hâm mộ reo hò không ngừng nghỉ suốt 90 phút trên cầu trường Wanda Metropilitano.
Cảm kích trước sự cuồng nhiệt của CĐV, Diego Simeone đã tiến thẳng vào sân trong những phút cuối trận để dành tặng cho họ những tràng pháo tay. “Người hâm mộ cổ vũ cuồng nhiệt suốt trận đấu. Toàn đội đã nhận được sự khích lệ tinh thần rất lớn. Sự đồng điệu như vậy rất khó thấy trên các sân vận động, nhất là khi đội nhà gục ngã”, El Cholo chia sẻ sau trận đấu.
Áp đảo tuyệt đối từ sân bóng đến khán đài, điều binh khiển tướng như Simeone vậy cũng có thể xem là “xuất quỷ nhập thần”. Chỉ tiếc, “mọi việc đều xong, nhưng thiếu gió Đông”. Atletico lại quá thiếu may mắn trong khâu dứt điểm. Đó âu cũng là lẽ thường tình trong môn thể thao thiên biến như bóng đá. Có điều, lịch sử được viết bởi những người chiến thắng, thế nên sẽ rất nhiều người quên đi hoặc không biết về một Atletico hay ho như thế. Còn Simeone, ông muôn đời bị gắn mác kẻ phản diện.
Vĩ thanh
Simeone ưa nhìn ánh nắng chiều chiếu rọi trên khán đài sân Vicente Calderon (sân cũ của Atletico). Đầu tiên với tư cách một cầu thủ của Atletico Madrid, sau đó là vai trò HLV trưởng. El Cholo tận hưởng những trận đấu sân nhà của Los Rojiblancos vào buổi hoàng hôn, khi ông có thể ngước nhìn từ sân và thấy những hàng ghế đỏ lấp lánh trong ráng chiều vàng vọt. Đó là khi Simeone cảm nhận được năng lượng Calderon tỏa ra. Hoàng hôn, những biểu ngữ bay phấp phới và tiếng hát dội xuống từ cầu trường.
El Cholo gắn bó phần lớn sự nghiệp cầu thủ lẫn HLV với Atletico Madrid, với Calderon. Quãng thời gian đủ dài và rộng để ông cảm nhận hết khát vọng của người hâm mộ lẫn bản sắc nơi đội bóng suốt chiều dài lịch sử phải sống dưới cái bóng của gã khổng lồ láng giềng Real Madrid. Nếu như đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha là biểu trưng cho Nhà Vua và nhận được ủng hộ từ tầng lớp trung lưu thì những người ủng hộ Atletico hầu hết là tầng lớp cần lao.
Atletico không giàu có. Atletico khiêm tốn. Do đó, Atletico cần thực tế tới mức thực dụng và luôn nỗ lực hơn những đối thủ có điều kiện. Hơn ai hết, Simeone hiểu rõ văn hóa ấy và tạo ra thứ triết lý riêng có tên Cholismo. Hiểu nôm na, đoàn quân của vị chiến lược gia người Argentina được xây dựng dựa trên hàng phòng ngự vững chãi, những pha phản công chớp nhoáng và tinh thần thi đấu kiên cường. “Điều duy nhất bất khả thương lượng là nỗ lực”, Simeone luôn nói với các học trò như vậy. Trên tất cả, El Cholo nhấn mạnh, Atletico phải là cái gai đối với những siêu cường.
Suốt 10 năm qua, Atletico luôn là cái gai như thế.