Khi thổ cẩm "cất lời" giữa đại ngàn

Khi thổ cẩm "cất lời" giữa đại ngàn

Thứ 7, 17/05/2025 22:06

Chương trình thời trang thổ cẩm Việt Nam - Đắk Lắk 2025 không chỉ tôn vinh và bảo tồn những giá trị bất hủ của “Di sản thổ cẩm”, mà còn khơi dậy niềm tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Thổ cẩm là linh hồn của văn hóa non cao

Tối 17/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Chương trình thời trang thổ cẩm Việt Nam - Đắk Lắk 2025 với chủ đề "Sắc vóc non cao".

Thổ cẩm Việt Nam, một tuyệt tác của nghệ thuật dệt thủ công, là tấm gương phản chiếu những giá trị văn hóa sâu sắc của các dân tộc thiểu số. Từng sợi chỉ đan xen, từng hoa văn chạm khắc lên nền vải đều kể chuyện về đất, về trời, về những giấc mơ và niềm tin bất diệt.

Những sắc màu trên thổ cẩm không chỉ đơn thuần là sự phối hợp tinh tế, mà còn là tiếng nói của tâm hồn, của ký ức và của những truyền thuyết được gìn giữ qua bao thế hệ.

Theo dòng chảy thời gian, thổ cẩm vươn mình hòa vào nhịp sống thời đại, trở thành biểu tượng của sự giao thoa giữa truyền thống và sáng tạo. Để từ đó, thổ cẩm bứt phá giới hạn, tạo nên những giá trị trường tồn trong bức tranh văn hoá đất Việt.

Khi thổ cẩm "cất lời" giữa đại ngàn- Ảnh 1.

Những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình.

Không chỉ vậy, thổ cẩm là chất liệu nghệ thuật, những đôi bàn tay dệt nên tấm thổ cẩm đã trở thành những nghệ nhân, nghệ sĩ trong lòng những người mến mộ thời trang, văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, thổ cẩm đã trở thành linh hồn của văn hóa non cao, là tiếng nói vang vọng của lịch sử, cũng như niềm vui sống thường nhật của người dân nơi cao nguyên.

Để tôn vinh và bảo tồn những giá trị bất hủ của "Di sản thổ cẩm" các dân tộc thiểu số, đồng thời nhân dịp Chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2025), chương trình thời trang thổ cẩm Việt Nam - Đắk Lắk 2025 với chủ đề "Sắc vóc von cao" đã đem đến một chương trình thời trang thổ cẩm đa sắc màu, đa vùng miền. Đồng thời, mang giá trị kết nối cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và du khách. Từ đó, góp phần quảng bá mạnh mẽ bản sắc văn hoá Tây Nguyên nói riêng và công cuộc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc nói chung.

Bên cạnh đó, thông qua chương trình còn thể hiện khát vọng Đắk Lắk sẽ trở thành nơi hội tụ tinh hoa thổ cẩm, điểm hẹn non cao đầy bản sắc của thời trang thổ cẩm Việt Nam.

Khi thổ cẩm "cất lời" giữa đại ngàn- Ảnh 2.

Chương trình thời trang thổ cẩm Việt Nam - Đắk Lắk 2025 được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp của thổ cẩm của các dân tộc.

Với những ý nghĩa đó, chương trình đã quy tụ các nhà thiết kế nổi tiếng như: Việt Hùng, Ngọc Bích (thương hiệu Bigally); Thạch Linh và thương hiệu Hachisa Diamond.

Tham dự chương trình, chị H’Loan Mlô - người thiết kế trang phục thổ cẩm ở buôn Trấp (xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Bản thân tôi là một người đồng bào dân tộc Ê Đê và rất đam mê, yêu mến thổ cẩm. Tuy nhiên, ngày nay nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, thổ cẩm đang dần mai một. Do đó, tôi mong muốn góp một chút công sức nhỏ của mình để phục hưng lại thổ cẩm. Để làm được điều đó, tôi không ngừng tìm tòi, sáng tạo và kết hợp với những mẫu mã thời trang hiện đại để hiện đại hóa thổ cẩm. Từ đó, góp phần giúp cho thổ cẩm của dân tộc mình ngày càng vươn lên tầm cao mới, được nhiều người biết đến, cũng như tham gia các sự kiện ở nhiều nơi. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho buôn làng và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân".

Khi thổ cẩm "cất lời" giữa đại ngàn- Ảnh 3.

Những tác phẩm thời trang thổ cẩm độc đáo.

Gìn giữ hồn dân tộc qua từng đường dệt thổ cẩm

Bà Kim Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV nghệ thuật Hoa Ánh Dương, cho biết, thổ cẩm vốn là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Mỗi đường nét, họa tiết trên thổ cẩm là câu chuyện của lịch sử, là dấu ấn của trí tuệ dân gian, là tiếng nói của tâm hồn và sự sáng tạo. Nhưng trong thời đại hội nhập, làn sóng công nghiệp hóa đã khiến những giá trị truyền thống như thổ cẩm dần mai một. Đó là lý do mà việc bảo tồn và phát triển chất liệu thổ cẩm trở thành một trách nhiệm không chỉ của riêng nhà thiết kế, mà còn là của doanh nghiệp, tổ chức và toàn xã hội.

Khi thổ cẩm "cất lời" giữa đại ngàn- Ảnh 4.

Mỗi đường nét, họa tiết trên thổ cẩm là câu chuyện của lịch sử, là dấu ấn của trí tuệ dân gian, là tiếng nói của tâm hồn và sự sáng tạo.

"Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn không chỉ tạo ra những thiết kế đẹp mắt, mà còn thúc đẩy thổ cẩm trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc, có vị thế vững chắc trong ngành thời trang trong nước và quốc tế. Chúng tôi tin rằng, nếu có sự chung tay từ cộng đồng, chính quyền, doanh nghiệp và những người yêu văn hóa Việt Nam, thổ cẩm sẽ không chỉ là một di sản cần bảo tồn, mà sẽ trở thành một biểu tượng văn hóa tự hào của đất nước", bà Thảo nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cho biết, chương trình thời trang thổ cẩm Việt Nam - Đắk Lắk 2025 được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp của thổ cẩm của các dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống dệt thổ cẩm. Từ đó, tạo cảm hứng cho mọi người không ngừng sáng tạo, đa dạng thời trang thổ cẩm.

Khi thổ cẩm "cất lời" giữa đại ngàn- Ảnh 5.

Những sắc màu trên thổ cẩm không chỉ đơn thuần là sự phối hợp tinh tế, mà còn là tiếng nói của tâm hồn.

Khi thổ cẩm "cất lời" giữa đại ngàn- Ảnh 6.

Theo dòng chảy thời gian, thổ cẩm vươn mình trở thành biểu tượng của sự giao thoa giữa truyền thống và sáng tạo.

Chương trình cũng góp phần hỗ trợ nghề truyền thống tại địa phương và tôn vinh những nghệ nhân, làng nghề thổ cẩm. Tham gia chương trình, các nghệ nhân dệt thổ cẩm cũng được trưng bày các sản phẩm thổ cẩm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại do chính họ làm ra. Qua đó, giúp du khách có thêm những trải nghiệm văn hóa thổ cẩm đặc trưng của Đắk Lắk và có thêm nhiều cảm hứng về thổ cẩm các dân tộc Việt Nam.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn, chương trình này sẽ được lồng ghép, tổ chức hằng năm, với những chủ đề, chủ điểm khác nhau để tôn vinh các làng nghề thổ cẩm. Từ đó, các bộ sưu tập thổ cẩm mỗi ngày sẽ mới hơn và ứng dụng thổ cẩm không chỉ trong trang phục và nhiều sản phẩm khác, nhằm cải thiện đầu ra cho các nghệ nhân.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.