Đừng chủ quan với khiếm thính ở trẻ nhỏ
Khiếm thính là một trong những khuyết tật có tỷ lệ mắc cao hơn những loại khuyết tật khác. Theo thống kê vào năm 2012, tại Việt Nam, cứ 1000 trẻ sinh ra lại có 1-2 trẻ gặp phải tình trạng giảm thính lực. Mặc dù vậy, khiếm thính ở trẻ nhỏ lại chưa thực sự được gia đình và xã hội quan tâm.
Ngoài nguyên nhân do di truyền và bệnh mẹ mắc phải trong quá trình mang thai, khiếm thính ở trẻ nhỏ còn xuất hiện do những nguyên nhân như:
- Sang chấn sản khoa trong quá trình mẹ sinh con.
- Vàng da trong những ngày đầu mới sinh không được phát hiện và can thiệp.
- Bệnh viêm tai giữa.
- Biến chứng sau khi mắc quai bị, cúm.
- Nhiễm khuẩn nặng gây điếc như viêm màng não mủ.
- Sử dụng thuốc không đúng cách gây giảm thính lực.
- Chấn thương vùng tai, thái dương.
Không nên chủ quan với tình trạng khiếm thính ở trẻ nhỏ (ảnh minh họa).
Ngoài những nguyên nhân trên, khiếm thính ở trẻ nhỏ còn xuất hiện đột ngột còn gọi là khiếm thính vô căn. Nếu không được khắc phục kịp thời, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi tập nói sẽ ảnh hưởng lên khả năng phát triển ngôn ngữ sau này. Mặt khác, kết quả học tập ở những trẻ nghe kém cũng giảm do gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, ảnh hưởng đến việc chọn lựa nghề nghiệp trong tương lai. Không chỉ vậy, những trẻ nghe kém, khiếm thính còn không tiếp nhận được những cảnh báo trong cuộc sống (tiếng còi, tiếng hô hoán của mọi người, nước sôi,...) dẫn tới tình trạng bị động trong những tình huống nguy hiểm. Đó là chưa kể tới sự hạn chế giao tiếp, tương tác xã hội có thể khiến trẻ tự ti, lo lắng và trầm cảm.
Làm thế nào để phát hiện trẻ bị khiếm thính?
Mỗi năm có thêm khoảng 5.000 trẻ khiếm thính được sinh ra nhưng chỉ khoảng 10% trong số đó, tức 500 trẻ được phát hiện và can thiệp kịp thời. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh, người chăm trẻ cần quan tâm, lưu ý đến một vài dấu hiệu cảnh báo như:
- Trẻ mới sinh không có phản ứng giật mình, quay mặt, quay đầu về phía có âm thanh lớn đột ngột khi có tiếng vỗ tay, tiếng sập cửa,...
- Trẻ 4-6 tháng không có phản ứng với các âm thanh xung quanh, giọng nói của người lớn.
- Chậm nói: Trẻ 7 tháng - 1 tuổi không bập bẹ từ đơn giản, trẻ 1 tuổi không nói được từ đơn 1 tiếng, lúc 2 tuổi không nói được 2 tiếng.
- Xem tivi với âm lượng lớn.
- Khó khăn khi nói chuyện trong hoàn cảnh có âm thanh nền, nơi đông người.
Cần nắm rõ các triệu chứng cảnh báo trẻ bị khiếm thính (ảnh minh họa).
Khi trẻ xuất hiện một trong những triệu chứng trên, cần đưa trẻ đi sàng lọc thính lực, kiểm tra khả năng nghe. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp kiểm tra nào sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ.
- Với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi: Nên áp dụng phương pháp khách quan, trẻ chỉ cần nằm yên không cần hợp tác như: đo âm ốc tai (OAE), đo điện thính giác thân não (ABR).
- Với trẻ trên 3 tuổi, khả năng hợp tác tốt có thể áp dụng các biện pháp chủ quan để bé làm theo chỉ dẫn như: đo sức nghe âm đơn (PTA), kiểm tra sức nghe bằng lời nói.
Sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh (ảnh minh họa).
Thực tế, mỗi phương pháp đo chỉ đánh giá được một số khía cạnh nhất định, do vậy các chuyên gia Tai - Mũi - Họng thường chỉ định kết hợp các phương pháp phù hợp để đưa ra đánh giá toàn diện, cuối cùng đưa ra kết luận chính xác nhất trên những trẻ bị khiếm thính.
Những phương pháp hỗ trợ thính giác hiện nay
Can thiệp kịp thời giúp nâng cao thính giác sẽ giúp trẻ nhỏ có điều kiện phát triển tương tự các bạn đồng trang lứa. Tùy theo tổn thương từng vùng của tai, mức độ nghe kém gặp phải mà sẽ có những biện pháp can thiệp phù hợp.
Điều trị bệnh dẫn tới giảm thính lực
Trong trường hợp tình trạng khiếm thính xuất hiện do bị các bệnh lý viêm gây tổn thương tai thì điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật sẽ giúp giải quyết bệnh, khắc phục những tổn thương xuất hiện. Mặt khác, điều trị nội khoa cấp cứu cũng khá hiệu quả khi bị điếc đột ngột trong những tổn thương cấp tính.
Sử dụng máy trợ thính
Sử dụng các thiết bị trợ thính, khuếch đại âm thanh ở những người nghe kém ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, biện pháp này không hiệu quả trong trường hợp điếc nặng.
Cấy điện cực ốc tai
Những trường hợp không đáp ứng với máy trợ thính thì cấy điện cực ốc tai là giải pháp tốt nhất. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, người ta đã có thể thay thế hoàn toàn ốc tai bị tổn thương bằng ốc điện tử.
Cấy điện cực ốc tai là phương pháp an toàn giúp trẻ em bị khiếm thính có thể nghe lại bình thường (ảnh minh họa).
Những biện pháp can thiệp sớm đem lại nhiều hiệu quả tích cực với tương lai của những trẻ bị nghe kém. Tuy nhiên, thời điểm can thiệp cũng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đáng kể đến kết quả điều trị. Nhiều khuyến cáo cho rằng việc can thiệp không nên để muộn quá 6 tháng tuổi.
Phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ bị khiếm thính phát triển toàn diện một cách bình thường như các bạn cùng chăng lứa, phát huy tối đa năng lực cá nhân. Do vậy, khi có những dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng ngay để can thiệp sớm nhất có thể!