Tên lửa đạn đạo liên lục địa Satan 2 của Nga trong một đợt phóng thử nghiệm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 thông báo đình chỉ hiệp ước hạt nhân với Mỹ, tuyên bố các hệ thống chiến lược mới đã được đưa vào trực chiến và cảnh báo rằng Moscow có thể nối lại các vụ thử hạt nhân.
Nga hiện là quốc gia sở hữu số đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới. Moscow sở hữu khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân, tính đến năm 2022 so với 5.428 đầu đạn hạt nhân của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, theo thống kê của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS).
Khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân trong số này được Nga ngừng sử dụng nhưng có thể vẫn còn nguyên vẹn, 2.889 đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ và 1.588 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai.
Khoảng 812 đầu đạn được triển khai trên các tên lửa liên lục địa phóng từ đất liền, 576 đầu đạn nằm trong tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và khoảng 200 đầu đạn có thể sắn sàng được kích hoạt từ các máy bay ném bom chiến lược, FAS ước tính.
Trong khi đó, Mỹ triển khai khoảng 1.644 đầu đạn hạt nhân chiến lược. Trung Quốc có 350 đầu đạn, Pháp có 290 và Anh có 225, theo FAS.
Số đầu đạn hạt nhân lớn như vậy có nghĩa là Nga và Mỹ đủ sức hủy diệt thế giới không chỉ một lần, mà nhiều lần. Nhưng số lượng đầu đạn hạt nhân ngày nay vẫn khá khiêm tốn so với thời chạy đua trong Chiến tranh lạnh.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô sở hữu 40.000 đầu đạn hạt nhân còn Mỹ đạt mức tối đa khoảng 30.000 đầu đạn hạt nhân.
Nga sở hữu khoảng 10 tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
Chìa khóa nằm ở cách đưa đầu đạn hạt nhân tới vị trí mục tiêu. FAS ước tính Nga hiện có khoảng 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa, với khả năng mang theo tối đa 1.185 đầu đạn hạt nhân. Nga sở hữu 10 tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân, có thể mang theo tối đa 800 đầu đạn. Cuối cùng, Nga sở hữu khoảng 60 - 70 oanh tạc cơ chiến lược.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, chỉ còn một số ít lần các quốc gia thử vũ khí hạt nhân. Mỹ thử hạt nhân lần cuối năm 1992, Trung Quốc và Pháp thử hạt nhân năm 1996, Ấn Độ và Pakistan năm 1998 và Triều Tiên thử hạt nhân lần cuối năm 2017.
Ở Nga, Tổng thống là người có quyền đưa ra quyết định việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật, theo học thuyết hạt nhân của Nga.
Valy hạt nhân mang tên Cheget luôn ở bên cạnh Tổng thống trong mọi khoảng thời gian. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Valery Gerasimov cũng được cho là có valy hạt nhân riêng.
Về cơ bản, chiếc cặp là một công cụ liên lạc, kết nối Tổng thống với các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội và kết nối với các lực lượng tên lửa chiến lược thông qua mạng lưới chỉ huy và kiểm soát điện tử cực kỳ bí mật “Kazbek”.
Năm 2019, truyền hình quốc phòng Nga Zvezda TV đăng video tiết lộ bên trong valy hạt nhân có nhiều nút bấm, gồm nút "phóng" và nút "hủy". Valy được kích hoạt bởi một chiếc thẻ đặc biệt.
Nếu sự tồn vong của nước Nga bị đe dọa, Tổng thống Nga sử dụng valy hạt nhân để gửi lệnh phóng tới bộ tổng tham mưu và các đơn vị dự bị nắm giữ mã phóng vũ khí hạt nhân. Những mệnh lệnh như vậy nhanh chóng được truyền tải tới các đơn vị lực lượng tên lửa chiến lược, sau đó phóng tên lửa vào các mục tiêu đã định sẵn, bao gồm mục tiêu ở Mỹ và châu Âu.
Oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 của Nga.
Nga cũng sở hữu hệ thống đáp trả hạt nhân tự động mang tên "Bàn tay Thần chết". Hệ thống này có thể tự động phóng đi hàng trăm đầu đạn hạt nhân nhằm vào mục tiêu đối phương mà không cần con người điều khiển.
Hệ thống được phát triển từ thời Liên Xô, bao gồm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đóng vai trò như trung tâm kết nối. Sau khi được phóng đi, nó có thể kích hoạt tất cả các silo phóng tự động khác trên lãnh thổ Liên Xô cũ và Nga ngày nay.
Đăng Nguyễn - Reuters