Ngày 25/8, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, đại diện Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê ở Cao Bằng) về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, theo Điều 153 BLHS năm 2015.
Trước đó, vào chiều tối 21/8, Công an TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận tin báo của anh Nguyễn Văn Hưng (trú khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, TP.Bắc Ninh) về việc con trai mình là Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi) bị mất tích tại công viên Nguyễn Văn Cừ thuộc phường Đại Phúc, TP.Bắc Ninh.
Nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Công an Thành phố phối hợp phòng Cảnh sát hình sự, phòng Cảnh sát cơ động và các lực lượng tổ chức tìm kiếm cháu bé tại công viên và khu vực xung quanh nhưng không thấy.
Đến 21h30 ngày 22/8, Công an tỉnh Bắc Ninh được sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc bộ Công an và Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện, giải cứu thành công cháu bé tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Ngay trong đêm 22/8, công an đã di lý Nguyễn Thị Thu từ Tuyên Quang về Bắc Ninh để phục vụ điều tra. Đồng thời bàn giao cháu bé cho gia đình an toàn.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề này, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty luật Cán Cân Việt cho biết, thời gian qua, những vụ bắt cóc trẻ em diễn ra ngày càng táo tợn với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Loại tội phạm này đang trở thành vấn nạn của xã hội. Vấn nạn này cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội.
Hành vi bắt cóc cháu bé của Thu đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em đồng thời gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân. Hành vi đó đã cấu thành tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự.
“Qua vụ việc là lời cảnh báo cho tất cả mọi người cần quan tâm, chú ý đến con trẻ đặc biệt ở nơi công cộng. Những kẻ bắt cóc thường lợi dụng lúc phụ huynh lơ là, mất cảnh giác để tiếp cận trẻ và thực hiện hành vi phạm tội”, luật sư Phạm Hồng Kiên nhấn mạnh.
Điều 153. Tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi:
- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; d) Đối với từ 02 người đến 05 người; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 - 15 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Đối với 06 người trở lên; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Làm nạn nhân chết; đ) Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.