Có những sai lầm có thể sửa chữa, có thể bù đắp nhưng có những thứ chẳng thể làm lại.
Cái chết của 1 học sinh và 2 học sinh khác bị thương tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ) gióng lên hồi chuông báo động khẩn thiết, phải có các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn tại các khu vui chơi có trò chơi mạo hiểm.
Theo quy định của Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ASTM, hệ thống tàu lượn siêu tốc tiêu chuẩn phải qua các bước thử nghiệm nghiêm ngặt nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn. Trước hết là thử nghiệm ảo trên máy tính để xem xét khả năng vận hành không sai sót, các kỹ sư tại công viên hoặc thanh tra thuộc cơ quan chức năng xem xét lại thiết kế.
Sau khi được duyệt, hệ thống sẽ được chế tạo từ các máy kỹ thuật cao chuyên về cơ khí chính xác. Tiếp theo, các kỹ sư từ công ty sản xuất, tại công viên giải trí và cơ quan chức năng sẽ kiểm tra một lần nữa để đảm bảo hệ thống vận hành chính xác và an toàn.
Sau hàng trăm lần vận hành thử, thử nghiệm với người chơi giả, các nhân viên của nhà sản xuất mới trải nghiệm thử. Những người giữ vị trí vận hành và bảo trì phải được đào tạo bởi công ty thiết kế, trước khi tàu lượn đưa vào phục vụ. Những quy định nghiêm ngặt như vậy cũng là điều dễ hiểu, bởi đây là trò chơi nguy hiểm và mạng người là vô giá.
Thế nhưng, điều gì đang xảy ra với chúng ta? Có một thực tế đáng buồn là vẫn tồn tại một “lỗ hổng” về chế tài cũng như quản lý tại các khu vui chơi. Nhiều khu vui chơi tự thiết kế, lắp đặt các trò chơi mạo hiểm nhưng không theo một quy chuẩn hay kết quả kiểm định nào. Nhiều trò chơi đã không đảm bảo an toàn sau thời gian sử dụng nhưng không được bảo dưỡng đúng cách. Hành động này dẫn đến nguy cơ rủi ro tính mạng, sức khoẻ của người chơi rất cao.
Chuyến trải nghiệm, học tập thực tế của học sinh trường THPT Đông Anh (H.Đông Anh, Hà Nội) đã trở thành tai hoạ vì những tắc trách. Không có cơ hội nào cho em L.T.A. Em ra đi vì sai lầm, sự tắc trách của người khác.
Sai lầm nào cũng phải trả giá!
Tại trời Tây, trả giá cũng là điều mà Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và bộ nội các phải đối mặt. Ngày 15/1, Thủ tướng Mark Rutte cho biết đã thông báo cho nhà vua Hà Lan Willem-Alexander về quyết định từ chức của ông cùng toàn bộ nội các.
Hành động này nhằm chịu trách nhiệm cho bê bối, cơ quan chức năng cáo buộc sai hàng ngàn gia đình gian lận nhận phúc lợi từ nhà nước.
Theo đài DW, Cục thuế Hà Lan đã cáo buộc hàng ngàn gia đình gian lận trong việc nhận phúc lợi trẻ em từ năm 2013 - 2019, sau đó yêu cầu các gia đình này hoàn trả hàng chục ngàn euro.
Nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn tài chính, vỡ nợ, thất nghiệp và ly hôn vì việc này. Báo cáo điều tra của quốc hội kết luận, đây là hành động "bất công chưa từng thấy" khi chính quyền đòi lại hàng chục ngàn euro mà không cho người dân cơ hội để chứng minh họ trong sạch.
Ông Rutte gọi đây là vụ bê bối đáng hổ thẹn và ông làm điều cần làm để chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình.
Cuộc sống là một trận chiến khốc liệt!
LÊ ANH