Sáng 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ băn khoăn về nguyên nhân được nêu trong Nghị quyết: “Nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát, chưa điều chỉnh hết các quan hệ tình huống phát sinh tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống”.
Ông đề nghị chỉ rõ khoảng trống pháp luật, bởi hiện đã có đầy đủ, chỉ chưa có ở mức cao hơn trạng thái bình thường và thấp hơn tình trạng khẩn cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xem xét, đồng thời đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm đánh giá này. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật. Tuy hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và sự điều hành cụ thể.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là lần đầu UBTVQH nghe kết quả thực hiện giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát đã triển khai công việc rất công phu, nỗ lực làm việc với Chính phủ về một số vấn đề lớn của chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát tối cao, với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn, không phải chỉ là tổng kết một Nghị quyết của Trung ương hay một Nghị quyết của Quốc hội, mà cần nhận thức rõ giám sát tối cao là để đánh giá tổng thể việc thực hiện hệ thống pháp luật, nhìn nhận rõ thực tế, những hạn chế, tồn tại, yếu kém để có biện pháp khắc phục khả thi, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không?
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất trong báo cáo giám sát.
Theo đó, Nghị quyết 30 đã quy định cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách. Tuy nhiên, những biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách này cũng được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan ban hành, và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chấp hành theo những biện pháp đã được quy định.
Việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm.
Đối với một số đề xuất giải pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng còn thiếu cơ sở chính trị, một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc các cơ quan khác, một số vấn đề nằm ngoài phạm vi giám sát như: Việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, việc nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế… sẽ nằm trong các nội dung công việc khác đang triển khai như sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, cải cách tiền lương…
Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu lại các đề xuất để đảm bảo cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn đầy đủ, vững chắc, cụ thể, đúng phạm vi giám sát, đúng thẩm quyền.
Nỗ lực, cố gắng vượt bậc
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, là cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ về lĩnh vực y tế, Bộ Y tế nhận thấy nhiều nội dung liên đến công tác chống dịch Covid-19; xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng được Quốc hội quan tâm xem xét, đây là cơ hội cho ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị nêu rõ và sâu hơn bối cảnh khó khăn chưa có tiền lệ của đại dịch Covid-19 để làm rõ những giải pháp đưa ra trong tình hình cấp bách, khi đất nước còn hạn chế trong nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã rất linh hoạt, sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng bối cảnh đó cũng làm bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng, triển khai, huy động nguồn lực.
Cụ thể, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt trong lúc nguồn lực còn hạn chế, việc tiếp cận nguồn vắc-xin quốc tế ban đầu còn khó khăn. Việc tập trung được nguồn lực cho công tác chống dịch trong thời gian qua là nỗ lực, cố gắng vượt bậc, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, điều này cần được làm rõ khi đánh giá, tổng kết việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong thời gian qua.
Xem thêm:
Hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng dịch Covid