Hiện nay, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19. Một số địa phương khác cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát người về từ vùng dịch. Tuy nhiên, một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Trường hợp ở Đồng Nai là một ví dụ. Người Lao Động đã đưa tin, ngày 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản về việc cách ly người về, đến từ TP HCM. Cụ thể, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày với tất cả người từ TP HCM đến/về Đồng Nai, bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/6. Biện pháp cách ly nêu trên của tỉnh Đồng Nai đã đặt ra những lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến lưu thông, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân giữa 2 địa phương.
Thủ tướng yêu cầu không "ngăn sông cấm chợ"
Ngày 5/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo về phòng, chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép” của Thường trực Ban Bí thư tại Điện ngày 27/4/2021 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải (kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất…), bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch.
Chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hoá, vận chuyển vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, sản xuất kinh doanh và người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Công an, Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hoá giữa địa phương có dịch và các địa phương khác.
Bộ Y tế chủ trì, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly y tế không đúng quy định đối với người đến từ vùng đang có dịch.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm, nỗ lực cao nhất bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.
Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi tắc chốt kiểm soát
Ngoài việc không cứng nhắc trong phong tỏa, cách ly, việc lập chốt kiểm soát dịch cũng cần lưu ý để tránh ùn tắc bởi điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Các chuyên gia dịch tễ nhận định dù khả năng lây lan dịch Covid-19 ở ngoài trời thấp hơn so với những không gian kín, tuy nhiên, cần tính tới những phương án khả thi hơn để làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Trao đổi với báo Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng), nhận định với việc người dân tuân thủ quy tắc 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, khi thời gian ùn tắc không quá lâu, khả năng lây nhiễm Covid-19 vẫn có nhưng không cao.
Tuy nhiên, để hạn chế tới mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, địa phương cần tính tới những giải pháp triệt để hơn.
Cần xác định trục giao thông liên quận, liên tỉnh để cho các phương tiện đi qua để tránh ùn tắc. Ngoài ra, cần quy định rõ các biện pháp như xe cộ không dừng, đón người khi đi qua vùng dịch.
Xin nhấn mạnh là virus SARS-CoV-2 chỉ có khả năng lây lan cao nếu quãng thời gian tiếp xúc của ca mắc với người khỏe mạnh "đủ gần" và "đủ lâu" ở ngoài không gian mở và vấn đề người dân có đeo khẩu trang hay không, ông Trần Đắc Phu nêu ý kiến.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cũng cho rằng vấn đề ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch chỉ trở nên nguy hiểm nếu người dân không tuân thủ việc đeo khẩu trang y tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, khi tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khả năng lây nhiễm thấp nhưng không có nghĩa là an toàn tuyệt đối.
"Khó lây lan hơn chứ khả năng lây lan vẫn có, chúng ta cần áp dụng mọi biện pháp để điều đó không xảy ra. Bất kỳ lúc nào ùn tắc, chúng ta phải xử lý ngay, đó là phương án phải làm trong thời điểm hiện tại", ông Trương Hữu Khanh khẳng định.
Cần truyền thông tới người dân những điều có thể làm và những hoạt động cần tạm ngừng
PGS.TS Trần Đắc Phu, cho rằng khi thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị 16 tại một số địa bàn hay giãn cách xã hội toàn thành phố, chính quyền cần truyền thông tới người dân rõ những điều vẫn được làm và những hoạt động cần tạm ngừng, bị cấm.
Chúng ta không đơn thuần nói về việc giãn cách theo chỉ thị nào, mà cần hướng dẫn rõ ràng hơn người dân những việc cần tạm ngừng trong dịch Covid-19. Điều đó sẽ giúp người dân hiểu được và thực hiện không ồ ạt đi siêu thị mua sắm…
Đặc biệt hiện nay, phải rất cân nhắc tới việc cấm các hoạt động đi lại mà gây ảnh hưởng tới việc lao động, sản xuất của người dân, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân một cách không đáng có mà vẫn phòng chống được dịch bệnh.
"Ngoài việc để người dân hiểu rõ tình hình, những hướng dẫn cụ thể sẽ giúp lực lượng chức năng có cơ sở để thực hiện kiểm tra, xử phạt những hành vi vi phạm, đảm bảo hiệu quả trong thời gian giãn cách", nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đánh giá.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng vấn đề truyền thông, hướng dẫn người dân là điểm tối quan trọng trong thời điểm hiện tại. Khi người dân vào khu vực đang giãn cách, cách ly, lực lượng chức năng cần nắm được họ đi qua chốt để làm gì, hướng dẫn những tuyến đường khác nếu có thể.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
H.H (tổng hợp)