Nguy cơ của Thổ Nhĩ Kỳ
Mối quan hệ chiến lược giữa hai đồng minh NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi trong những năm gần đây, nhưng hai bên vẫn có sợi dây liên kết mong manh nhờ việc Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì mối quan hệ cá nhân tích cực với người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan.
Tuy nhiên, đối thủ của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới là cựu Phó Tổng thống Joe Biden có thể sẽ mang đến cách tiếp cận chính sách rất khác với Ankara.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã cá nhân hóa mối quan hệ với Mỹ và phụ thuộc vào ông Trump để hạn chế các lệnh trừng phạt cũng như giữ cho mọi thứ không hoàn toàn đổ vỡ”, Aaron Stein, giám đốc nghiên cứu tại viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) nhận định với tờ Ahval.
Hết lần này đến lần khác, mối quan hệ giữa ông Erdogan và ông Trump đã mang lại lợi ích cho Ankara khi nước này có những hành động chống lại lợi ích của Mỹ.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 vào năm ngoái vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, ông Trump đã phớt lờ sức ép liên tục từ Quốc hội để thực hiện các lệnh trừng phạt.
“Trong 4 năm qua, Erdogan đã khiến cho nhiều người ở Washington cảm thấy khó chịu, nhưng điều đó không bao gồm Tổng thống Trump. Nếu ông Trump thua trong cuộc bầu cử sắp tới, viễn cảnh đó chắc chắn sẽ đặt ra một vấn đề cho Thổ Nhĩ Kỳ”, Nicholas Danforth, học giả tại Quỹ Marshall của Đức, nói với Ahval.
Trong một cuộc phỏng vấn được New York Times hồi đầu năm nay, ông Biden từng gọi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là “kẻ chuyên quyền”. Đã không có phản ứng nào từ Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó, nhưng vài tháng sau, các quan chức và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã khơi lại bình luận của ông Biden với những lời chỉ trích gay gắt, nhấn mạnh sự ủng hộ của Ankara đối với Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Giới quan sát đánh giá, những lời công kích từ chính quyền Erdogan vào ông Biden cho thấy mối quan ngại của Ankara về việc cựu phó tổng thống sẽ có đường lối cứng rắn hơn trước các kế hoạch chính sách đối ngoại gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, Biden cho biết, ông sẽ khuyến khích phe đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại Tổng thống Erdogan trong cuộc bầu cử và cam kết sẽ làm việc với các đồng minh của Mỹ để cô lập các hành động của Ankara trong khu vực, bao gồm cả tranh chấp ở đông Địa Trung Hải.
Rủi ro cho Joe Biden
Mặc dù có nhiều dự đoán cho rằng, sẽ ngày có nhiều xích mích hơn nữa giữa nhiệm kỳ tổng thống của Biden và Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Danforth từ Quỹ Marshall lưu ý, “một sự thận trọng nhất định đối với việc đánh mất Thổ Nhĩ Kỳ hoặc đẩy đất nước này vào vòng tay Nga sẽ là bài toán mà ông Biden cần phải cân nhắc trong việc đưa ra những nỗ lực va chạm với đồng minh NATO”.
Cùng với đó, chính quyền của ông Biden sẽ không nhiệt tình như Tổng thống Trump trong việc đón nhận các quốc gia như Israel và Saudi Arabia vốn đang có xung đột với Ankara.
Stein từ viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại cho biết, ông hy vọng chính quyền Biden sẽ xem xét lại chính sách với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi hy vọng NATO sẽ xem xét một số vấn đề và cố gắng lôi kéo Ankara trở thành một đồng minh hợp tác hơn, nhưng họ sẽ phải kế thừa việc giải quyết vấn đề S-400 và tôi không thấy tranh cãi này sẽ trở nên tốt hơn. Trên thực tế, tôi thấy vấn đề mua vũ khí Nga sẽ ngày càng tồi tệ thêm”, ông nói.
Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần ngăn chặn một số lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều này có thể sẽ không còn tồn tại khi Joe Biden lên ngôi, đặc biệt khi chính đảng Cộng hòa cũng không hề ủng hộ ông Trump về quan điểm này.
"Ông Trump thường thách thức Quốc hội", chuyên gia quan hệ quốc tế Soli Ozel từ đại học Kadir Has ở Istanbul nói. "Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi đảng Cộng hòa đứng sau ông. Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 và F-35, đảng Cộng hòa không bảo vệ quan điểm của ông Trump, cũng giống như Lầu Năm Góc".