Tây du ký của Ngô Thừa Ân là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa. Những chương đầu tác phẩm này thuật lại những kỳ công của Tôn Ngộ Không, từ khi ra đời từ một hòn đá đến xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tầm sư học đạo, đại náo thiên cung, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt trong núi Ngũ Hành 500 năm. Truyện kể lại Huyền Trang trở thành một nhà sư ra sao và được hoàng đế nhà Đường gửi đi thỉnh kinh sau khi hoàng đế thoát chết.
Phần tiếp của câu chuyện kể về các hiểm nguy mà thầy trò Đường Tam Tạng (Đường Tăng) phải đối đầu, trong đó nhiều yêu quái là đồ đệ, thú cưỡi của các vị Tiên, Phật. Một số yêu tinh muốn ăn thịt Huyền Trang, một số khác muốn cám dỗ họ bằng cách biến thành những mỹ nhân. Tôn Ngộ Không cùng các sư đệ của mình phải sử dụng phép thuật và quan hệ của mình với thế giới yêu quái và Tiên, Phật để đánh bại các kẻ thù nhiều mánh khóe. Cuối cùng cũng có thể phò tá Đường Tăng đến được Tây Trúc an toàn.
Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên trong Tây du ký mà ít người để ý, đó là Tôn Ngộ Không dù là đại sư huynh, nhưng thực chất trên hành trình hạ trần tìm người lên đường đi Tây Trúc lấy kinh, Tề Thiên Đại Thánh không phải người Quan Âm Bồ Tát tìm đến đầu tiên, Ngộ Không chỉ được Bồ Tát tìm đến sau khi đã điểm hóa được Sa Tăng, Trưa Bát Giới.
Trong hồi 8 Tây du ký kể rằng, một hôm Phật Tổ Như Lai hội họp các chư Phật, Bồ Tát và A La Hán lại để thưởng hội “Vu lan bồn”, làm thơ họa, rồi giảng Pháp. Phật Như Lai có 3 tạng chân kinh muốn truyền sang Nam Thiệm Bộ Châu ở phương Đông để giáo hóa người xứ ấy.
Phật Như Lai nói: “Chuyến đi này phải đi trên mặt đường, không được đi tít trên tầng mây. Mắt cần phải để ý sông núi, ghi nhớ kỹ càng đường sá xa xôi thế nào mà ân cần dặn dò lại cho người lấy kinh. Song e rằng vị thiện tín ấy khó đi, ta đưa cho Bồ tát năm thứ bảo bối này”.
Sau đó, Phật Như Lai lệnh cho tôn giả A Nan, Ca Diếp, lấy ra một chiếc áo cà sa gấm, một chiếc gậy tích trượng 9 vòng và nói với Bồ Tát: “Tấm áo cà sa và cây gậy này đưa cho người lấy kinh dùng. Nếu người ấy kiên tâm đến được đây, mặc tấm áo cà sa của ta, thì thoát khỏi luân hồi, cầm gậy tích trượng của ta thì không bị hãm hại”.
Khi Quan Âm Bồ Tát đi tìm người thỉnh kinh, có dẫn theo con trai thứ 2 của Lý Thiên Vương là Huệ Ngạn Hành Giả Mộc Tra, làm lực sĩ hàng yêu. Sa Tăng nhìn thấy Quan Âm Bồ Tát, liền lao từ dưới sông lên tấn công thì bị Mộc Tra ngăn cản. Hai người giao đấu hàng chục hiệp, Mộc Tra xưng danh tính, Sa Tăng liền hỏi "ta nhớ Huệ Ngạn Hành Giả cùng Quan Âm Bồ Tát tu hành, tại sao lại đến nơi này?". Sau đó, biết được Quan Âm Bồ Tát đang ở bên trên, Sa Tăng liền vội vàng tới bái kiến, cáo tội.
Sa Tăng vốn là Quyển Liêm Đại Tướng trên Thiên giới, hộ vệ ở Linh Tiêu Điện, tại Hội Bàn Đào không may làm vỡ chén Lưu Ly của Ngọc Đế mà Sa Tăng bị đánh 800 trượng và giáng xuống trần gian.
Sa Tăng phân trần tình với Bồ Tát rằng, bản thân bị đuổi khỏi thiên giới, hạ phàm vì quá đói mà buộc phải ăn thịt người, mong được Bồ Tát chỉ điểm cho con đường giải thoát bản thân khỏi tội lỗi.
Bồ Tát nói thế này: “… Nay ta lãnh sắc Phật Tổ tìm người lấy kinh. Ta muốn ngươi đợi đây theo người lên Tây Phương thỉnh kinh, ta kêu gươm bay đó không đâm ngươi nữa. Sau này nên công hết tội, đặng phục chức cũ, ngươi nghĩ thế nào?” Quyện Liêm vâng lời, cải ác quy y. Quan Âm thế phát cho gã, lấy sông làm họ nên đặt họ Sa, đặt tên thánh gọi là Ngộ Tịnh.
Tiếp sau Sa Tăng, người thứ hai Bồ Tát đã đến gặp là Thiên Bồng Nguyên Soái trong hình hài nửa người nửa lợn. Thiên Bồng Nguyên Soái vốn là tướng của thiên đình, chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh. Do rượu say Thiên Bồng Nguyên Soái buông lời chọc ghẹo Hằng Nga. Chuyện đến tai Ngọc Hoàng, Thiên Bồng Nguyên Soái bị ngài tức giận đày xuống hạ giới.
Quan Âm có nói: “Ta vâng sắc Phật Tổ, xuống cõi trần mà tìm kẻ thỉnh kinh. Nếu ngươi chịu làm đệ tử người thỉnh kinh, mà tới Tây Phương thì phước đủ trừ tội, ta cứu ngươi nạn khỏi tai qua”. Thiên Bồng chịu theo, giải nghiệp đi tu. “Quan Âm thế phát xong rồi cứ theo họ, gọi là Trư, đặt tên thánh là Ngộ Năng”.
Quốc Tiệp (t/h)