Ngày 27/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững" nhằm đánh giá khách quan bức tranh tổng thể của nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2022.
Chia sẻ về kết quả hoạt động của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết bức tranh kinh tế năm 2021 cũng như trong 5 tháng đầu năm 2022 chính là những tín hiệu cho thấy ngành nông nghiệp đang tạo đà bứt tốc đúng hướng.
“Chúng tôi nhận chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao vào Hội nghị tổng kết vừa rồi là làm sao trong năm 2022 đạt trên 48,6 tỷ USD (con số của năm 2021). Chúng tôi đưa ra con số rất khiêm tốn là trên 50 tỷ USD. Nhưng Thủ tướng nói rằng trên đà này thì nông nghiệp phải phấn đấu cao hơn nữa. Thực tế chúng tôi cũng lo ngại.
Đến hết tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, như thế xuất siêu 5,1 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm.
Tất nhiên chặng đường phía trước như thế nào, vẫn còn những yếu tố bất ngờ. Nhưng rõ ràng trong 5 tháng đầu năm, chúng ta cũng thấy đầy rẫy những khó khăn của ngành nông nghiệp như Covid-19, vấn đề thông cửa khẩu, vấn đề đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản”, Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra những khó khăn trong thời gian qua mà điển hình là nỗi lo âu của người nông dân về vật tư đầu vào - vấn đề tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo ông Hoan, có một tín hiệu tốt là đã có nhiều người nông dân tự mình giảm chi phí đầu vào bằng các sáng kiến của chính mình.
“Giảm chi phí nông nghiệp là một chiến lược chúng tôi cho rằng đang đi đúng hướng. Rất nhiều mô hình của chính bà con nông dân tự nghĩ ra hoặc của các dự án, những mô hình mà Bộ NN&PTNT cùng các tổ chức quốc tế định hình ở vùng Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL kể cả ở Tây Nguyên. Điều đó góp phần khiến chúng ta đạt được mục tiêu kép, một là giảm chi phí, hai là chất lượng tăng lên.”
Để đạt được kết quả đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan một trong những nguyên nhân là câu chuyện cấu trúc lại nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
“Chúng ta đã thích ứng theo hướng lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất mặc dù quá trình này không phải dễ dàng. Chỉ khi chúng ta điều chỉnh được thì thị trường mới chấp nhận chúng ta trong cuộc chơi hiện nay.
Và rõ ràng đây là một xu thế, là nét chấm phá đầu tiên của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Thủ tướng đã phê duyệt cũng như Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo tư duy mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII trong đó nhấn mạnh chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có”, ông Hoan khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết việc tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng là do ngành nông nghiệp đã có những phản ứng kịp thời, linh hoạt đối với thị trường để đảm bảo việc duy trì đà tăng trưởng.
“Chúng ta nắm bắt được thông tin thị trường, chuẩn mực thị trường để điều chỉnh lại sản xuất. Trong suốt thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương và một số bộ, ngành liên tục có những cuộc đàm phán về thị trường. Chúng ta không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nông dân nhưng chúng ta hỗ trợ thông qua thị trường để kích hoạt được thị trường. Khi kích hoạt được thị trường thì dòng chảy nông sản mới trôi chảy. Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong những phiên đàm phán với các đối tác quốc tế thời gian vừa qua, tôi thấy rằng một trong những vấn đề mấu chốt được thảo luận là làm sao để mở cửa thị trường, nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Nghĩa là sự tháo gỡ thị trường là một trong quyết sách sáng nhất của Chính phủ. Tất nhiên như tôi đã nói, thị trường luôn biến động. Nhưng rõ ràng là khi chúng ta đàm phán thành công với nhiều đối tác để khơi thông thị trường cho nông sản. Chúng ta tự tin có thể làm được điều đó”, ông Hoan chia sẻ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng bày tỏ sự trăn trở khi cho rằng thời gian vừa qua, việc tiếp cận, khơi thông và duy trì thị trường nhiều khi chưa thành một chương trình tổng thể. “Chúng ta vẫn đi theo mối quan hệ mà tôi hay nói là "buôn chuyến" nhiều hơn. Bây giờ là lúc để chúng ta lập một chiến lược tổng thể cho từng loại thị trường khác nhau”.