Sáng ngày 16/8, báo điện tử Kinh tế & Đô thị đưa tin, ngày tựu trường theo khung năm học 2021- 2022 đang đến gần trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Song song với việc nghe ngóng tình hình; chờ chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT thì các trường học trên địa bàn Hà Nội đều chủ động lên phương án, kịch bản năm học mới.
Các trường học đều chuẩn bị 2 phương án khai giảng: Trực tiếp và trực tuyến (online). Tuy nhiên, xét tình hình hiện tại, rất có thể năm nay là năm học đầu tiên, thầy trò tại Hà Nội sẽ cùng nhau thực hiện Lễ khai giảng online.
“Khai giảng trực tiếp tiến hành như thế nào thì khai giảng online cũng thực hiện tương tự như vậy với đầy đủ nghi thức. Học sinh sẽ mặc đồng phục, giữ đúng tác phong, trật tự ngồi trước màn hình; nghiêm trang chào cờ theo nghi thức Đội; cô Phó Hiệu trưởng đọc thư Chủ tịch nước, cô Hiệu trưởng đọc diễn văn khai giảng, đánh trống khai trường…. Để buổi khai giảng sinh động và nhiều màu sắc, nhà trường sẽ lồng ghép nhạc hiệu cùng những tiết mục văn nghệ được thầy cô và học sinh thực hiện trong thời gian giãn cách và dùng công nghệ cắt ghép…" , cô Hoàng Thị Yến- Hiệu trưởng trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Còn cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tiết lộ: “Có một điều khác biệt tại trường THCS Hoàng Mai, đó là năm học 2021- 2022 là năm học đầu tiên trường THCS Hoàng Mai đi vào hoạt động. Trường hoàn thiện và tuyển sinh trực tuyến đúng giai đoạn Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên học sinh chưa biết trường, lớp. Vì vậy, trong Lễ khai giảng – nếu tổ chức bằng hình thức online thì bên cạnh các nghi thức truyền thống, nhà trường sẽ chiếu một video giới thiệu về tổng thể cơ sở vật chất, các phòng học, phòng chức năng của trường để học sinh biết; từ đó tăng sự phấn khởi và tinh thần học tập trong năm học mới”.
“Nhà trường chuẩn bị rất kỹ các kịch bản đón chào học sinh lớp 6 và Lễ khai giảng bằng cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. Trước đó, do đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện lớn cũng như Lễ bế giảng trực tuyến nên trường không lúng túng và sẽ cố gắng có một buổi Lễ khai giảng online lắng đọng, đáng nhớ cho các học sinh thân yêu; và hiện các phần việc đã được phân công rõ ràng, cụ thể…”, cô Lê Kim Anh- Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho hay.
Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND TP Hà Nội phê duyệt về khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022. Theo đó, lịch tựu trường của Hà Nội dự kiến sẽ cơ bản theo khung mà Bộ GD&ĐT ban hành: Ngày 23/8 đối với lớp 1 và ngày 1/9 với các khối còn lại để đảm bảo tiến độ chương trình. Do dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, nên phương án trình UBND TP cũng đưa ra dự kiến sẽ cho học sinh tựu trường và học trực tuyến, khi nào dịch bệnh được kiểm soát mới có thể cho học sinh đến trường trực tiếp. “Tuy nhiên, đây mới là phương án Sở GD&ĐT trình, còn quyết định ra sao sẽ phải chờ UBND TP”, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.
Theo báo Thanh niên, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học với giáo dục tiểu học và trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức trong các ngày 12 – 13/8, nhiều địa phương đang nằm trong tâm dịch cũng đã cho biết phương án ban đầu về lịch tựu trường. Nhiều địa phương dự kiến các kịch bản năm học mới trong điều kiện dịch bệnh, như tại Bình Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nhật Hằng cho hay đã tham mưu với UBND tỉnh dạy học trực tuyến trong 2 tháng đầu năm học.
Sở GD&ĐT Cà Mau cũng cho biết theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, sở này đã xây dựng kịch bản năm học 2021 - 2022 với 3 tình huống: không có dịch, có dịch và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Lâm Đồng thì tùy điều kiện để triển khai dạy học trực tiếp (với “vùng xanh”) và dạy học trực tuyến, hướng dẫn học sinh tự học với nơi dịch bệnh phức tạp.
Theo báo Giáo dục & Thời đại, là một trong những địa phương chịu tác động lớn của dịch Covid-19, ông Trịnh Khôi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho hay: "Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ đặt ra, thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bắc Ninh vẫn chưa có số liệu đánh giá kết quả học tập của năm học. Tỉnh đang xây dựng để có kế hoạch linh hoạt cho năm học mới phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Ngoài ra, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình lớp 6".
Khẳng định Quảng Ninh đã sẵn sàng cho năm học mới trên cả diện rộng và diện đặc biệt là thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã rà soát, tập huấn, chuẩn bị kịch bản sẵn sàng nếu dịch bệnh xảy ra vẫn có thể triển khai được chương trình.
Tiền Giang là địa phương đang nằm trong vùng tâm dịch Covid-19, với số ca nhiễm mới vẫn lên tới hàng nghìn mỗi ngày.
Chuẩn bị cho năm học mới, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, từ khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch năm học của địa phương. Lo lắng của địa phương hiện nay là do ảnh hưởng của dịch nên một số công việc như sửa chữa trường lớp, cải tạo cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên… bị ảnh hưởng.
Lâm Đồng tùy điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến (với vùng xanh) và dạy học trực tuyến, hướng dẫn học sinh tự học với nơi dịch bệnh phức tạp.
Để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm học, các địa phương đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất, trong đó tập trung vào các vấn đề bảo đảm đội ngũ; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…
Quốc Tiệp (t/h)