Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung như Ỷ thiên đồ long ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Lộc đỉnh ký... ông đã nhiều lần đưa vào đó các nhân vật có thật trong lịch sử. Cố nhà văn đã kết hợp hài hòa những yếu tố lịch sử có thật cùng những tình tiết hư cấu, yếu tố tưởng tượng để xây dựng thành công hình tượng các anh hùng cuốn hút biết bao thế hệ khán giả. Đặc biệt trong Ỷ thiên đồ long ký, ông đã để ba nhân vật lịch sử có thật đều là người của Minh giáo (Minh giáo cùng với Thiếu Lâm và Cái Bang được xem là ba thế lực hùng mạnh nhất võ lâm).
Chu Nguyên Chương
Chu Nguyên Chương (1326 – 1398), còn gọi là Minh Thái Tổ, ông là vị hoàng đế khai quốc của vương triều nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 1368 đến 1398. Các sử gia gọi thời kỳ cai trị của ông là Hồng Võ Chi Trị. Ông được xem như là một trong các hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ các công trạng to lớn của mình với đất nước.
Trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ Long ký của cố nhà văn Kim Dung phần lớn tình tiết về Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh đều là hư cấu. Cố nhà văn Kim Dung mô tả Chu Nguyên Chương gia nhập Minh giáo, đã cứu Trương Vô Kỵ một lần khi Vô Kỵ còn nhỏ (khi Vô Kỵ cùng Bất Hối đến gặp Dương Tiêu). Chu Nguyên Chương có tài cán, túc trí đa mưu, đã dò ra được tung tích của Lục đại môn phái khi họ bị Triệu Mẫn bắt. Tuy nhiên Chu Nguyên Chương ra tay có phần độc ác, nên Trương Vô Kỵ có phần ái ngại. Mặc dù vậy Chu Nguyên Chương vẫn được cất nhắc lên vị trí cao trong Minh giáo, góp công lớn tiêu diệt Nhà Nguyên, và bè đảng Trần Hữu Lượng, lập ra nhà Minh. Sau đó ông sát hại rất nhiều công thần của mình.
Từ Đạt
Từ Đạt (1332-1385), tự là Thiên Đức, là danh tướng và là khai quốc công thần đời nhà Minh. Là một trong 18 anh em kết nghĩa của Chu Nguyên Chương khi bắt đầu lập nghiệp. Từ Đạt cùng với Thang Hòa, Thường Ngộ Xuân là những người có công lớn nhất giúp Chu Nguyên Chương lập lên nhà Minh sau khi đánh bại nhà Nguyên vào năm 1368. Từ Đạt sinh ra tại Từ Châu, nay là huyện Hòa. Tuy công lao lớn là vậy và lại là anh em kết nghĩa với Chu Nguyên Chương nhưng sau khi thống nhất Trung Quốc lên ngôi hoàng đế, ông cùng hầu hết những công thần đã bị Chu Nguyên Chương sát hại.
Nhờ công lao đánh đuổi người Mông Cổ và mở rộng bờ cõi về phía bắc cho nhà Minh, Từ Đạt được xem như là một trong các đại danh tướng của Trung Hoa phong kiến, xếp ngang hàng với các vị như Bạch Khởi, Hàn Tín, Vệ Thanh và Lý Tĩnh.
Trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ Long ký của Kim Dung, Từ Đạt là một giáo đồ của Minh giáo và là huynh đệ thân thiết của Chu Nguyên Chương. Sau khi bí mật trong Ỷ thiên kiếm và Đồ long đao được làm sáng tỏ, Trương Vô Kỵ đã đem binh pháp của Nhạc Phi - tức là Vũ Mục di thư (vốn giấu trong cây đao) giao cho Từ Đạt. Nhờ vậy ông đã trở thành danh tướng một thời, giúp Chu Nguyên Chương đánh đuổi quân Nguyên, chiếm lại Đại Đô. Tuy nhiên sau cùng ông bị Chu Nguyên Chương thanh trừng.
Thường Ngộ Xuân
Thường Ngộ Xuân (1330—1369) tự Bá Nhân, hiệu Yên Hành, là danh tướng đời Minh. Ông cùng Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lật đổ nhà Nguyên, lập ra nhà Minh, khôi phục chủ quyền của người Hán đối với Trung Quốc. Tước phong Ngạc Quốc Công, truy phong Khai Bình Vương, thụy Trung Vũ.
Ông là 1 trong 9 người trong thời nhà Minh được thờ phụng tại Đế vương miếu được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó thờ những vị quan văn, võ tướng được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại.
Trong tiểu thuyết, Thường Ngộ Xuân gia nhập Minh giáo, là hào kiệt mong muốn diệt Nguyên thất khôi phục giang sơn cho người Hán. Thường Ngộ Xuân có giao tình với cha của Chu Chỉ Nhược.
Năm xưa, Trương Tam Phong mang Trương Vô Kỵ đi chữa bệnh đã gặp Thường Ngộ Xuân. Trương Tam Phong nhận lời đưa Chu Chỉ Nhược về Võ Đang còn Thường Ngộ Xuân đã mang Trương Vô Kỵ đến nhờ Hồ Thanh Ngưu chữa trị. Tuy không chữa hoàn toàn được cho Trương Vô Kỵ nhưng Hồ Thanh Ngưu đã truyền toàn bộ kiến thức y dược của mình cho Vô Kỵ. Từ đó mà Trương Vô Kỵ chữa được độc cho Thường Ngộ Xuân. Sau này Thường Ngộ Xuân đã giúp nhà Minh lập quốc. Vì chết sớm sau khi nhà Minh thành lập nên ông tránh được cái hoạ sát hại công thần của Chu Nguyên Chương.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Minh giáo được biết tới là môn phái mang gốc gác từ xứ sở Ba Tư, khác biệt hoàn toàn so với các môn phái trên Võ lâm trung nguyên thời bấy giờ. Do vậy, võ công đệ tử Minh giáo được tu luyện cũng có chiêu thức rất thần bí, có tính thiên biến vạn hóa, khiến đối phương khi giao đấu đều không dễ nắm bắt được.
Minh giáo nổi bật trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký với giáo chủ là Trương Vô Kỵ. Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, Minh giáo cũng được biết đến với tên gọi Nhật Nguyệt thần giáo với giáo chủ Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Nhậm Doanh Doanh.
Video: Trương Tam Phong cứu Thường Ngộ Xuân.
Quốc Tiệp (t/h)