Bắc minh thần công
Trong bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ của cố nhà văn Kim Dung, Bắc minh thần công được Đoàn Dự phát hiện cùng lúc với Lăng ba vi bộ trong một lần dạo chơi ở Vô Lượng sơn đã vô tình nhận được hai quyển mật tịch này.
Đặc điểm của Bắc minh thần công là một môn nội công có khả năng hút nội lực của người khác để cho bản thân sử dụng (làm người khác mất hết nội lực). Bộ võ công này có 36 hình vẽ con gái khoả thân ghi các yếu quyết, huyệt đạo, kẻ đứng, người nằm, hoặc trước mặt, hoặc sau lưng, cùng một khuôn mặt nhưng khi vui khi buồn, khi thì tình ý triền miên, khi thì tỏ vẻ bực bội, mỗi hình 1 khác. 36 hình, hình nào cũng có những sợi chỉ màu chạy trên thân hình ghi rõ bộ vị huyệt đạo và phương pháp luyện công. Bắc minh thần công được ghi trên cuốn lụa. Mặt sau cuốn lụa ghi Lăng ba vi bộ.
Trong chương khẩu quyết tâm pháp đầu tiên của bộ võ công này, tổ sư của phái Tiêu Dao - Tiêu Dao Tử đã khẳng định ngay rằng: "Bắc minh thần công lấy nội lực của thiên hạ làm của mình".
Người đời luyện công đều đi từ Vân Môn đến Thiếu Thương, phái Tiêu Dao lại đi ngược lại, đi từ Thiếu Thương trở về Vân Môn, nên ngón tay cái vừa chạm vào người khác, nội lực của người liền chảy vào thân thể mình, tới tận các huyệt.
Trong lịch sử của phái Tiêu Dao, người lãnh ngộ được tới cảnh giới cao nhất của Bắc minh thần công ngoài Tiêu Dao Tử thì còn có truyền nhân Vô Nhai Tử là học xong toàn bộ. Hư Trúc chỉ học được cách vận khí từ Thiên Sơn Đồng Lão nhằm giúp bà ta đối phó với đám người trong 36 động, 72 đảo. Dưới hầm băng Tây Hạ, khi Hư Trúc phạm sắc giới định tự tử bằng cách lao đầu vào tường, nhờ có Bắc minh chân khí hộ thể nên không chết.
Đoàn Dự, một nhân vật chính khác trong Thiên long bát bộ, cũng có duyên nhận được bộ võ công này nhưng lại chỉ học trang đầu tiên. Tuy nhiên nhờ môn võ công này mà từ một chàng thư sinh yếu ớt Đoàn Dự thành cao thủ sở hữu nội lực thâm hậu không sao đo lường hết.
Là môn nội công tâm pháp thượng thừa nhưng Bắc minh thần công cũng có yếu điểm, khi tu luyện Bắc minh thần công cần đề phòng hút nội lực của kẻ mạnh hơn mình, cốt truyện Thiên long bát bộ mô tả rằng: "Kẻ nào dùng tới Bắc minh thần công, chỉ có thể hút nội lực của kẻ yếu hơn hắn, đấu với kẻ nội lực ngang bằng hắn chứ không thể nào đọ với kẻ mang nội lực vượt xa mình. Vì nếu như nội lực kẻ địch mạnh hơn ta, tức là biển chảy ngược vào sông hồ, cực kỳ hung hiểm...".
Ngoài ra Bắc minh thần công cũng có khắc tinh. Trước khi quyết định truyền lại 70 năm nội lực tu luyện của mình cho truyền nhân Hư Trúc (cốt là để Hư Trúc đủ nội lực để lãnh ngộ Bắc minh thần công), Vô Nhai Tử có nói rằng: "Trong giang hồ, loại võ công tâm pháp duy nhất có thể khắc chế được ma tính của Bắc minh thần công chỉ có thể là Dịch cân kinh từ Thiếu Lâm Tự".
Hóa công đại pháp
Hóa công đại pháp là một môn nội công trong truyện Thiên long bát bộ, khởi nguồn từ Bắc minh thần công. Hóa công đại pháp được sáng tạo bởi Đinh Xuân Thu, bộ võ công này có mục đích là làm suy yếu nội lực của đối phương nhưng không thể đem nội lực của đối phương để cho bản thân sử dụng.
Nguyên lý của môn võ công này là hút chất độc từ các loài độc vật vào cơ thể sau đó đánh vào cơ thể của đối thủ để hóa giải đi nội công của đối thủ. Bộ võ công này khuyết điểm là phải hút chất độc hằng ngày để luyện công và cần dùng Thần Mộc Vương Đỉnh để luyện công. Đây cũng là nguyên nhân khi A Tử đánh cắp Thần Mộc Vương Đỉnh khiến cho Đinh Xuân Thu từ Tinh Túc phải trở về Trung nguyên. Ngoài ra, Hóa công đại pháp khi phát công, đánh vào cơ thể của đối thủ mà không được thì sẽ bị chất độc từ chưởng pháp của mình đả thượng lại, chính vì vậy khi Đinh Xuân Thu đấu chưởng với Trang Tụ Hiền không được đã phải đánh vào người đệ tử để truyền chất độc đó sang người vị đồ đệ này.
Hấp tinh đại pháp
Hấp tinh đại pháp là một môn võ công được nhắc đến trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồ của cố nhà văn Kim Dung. Theo cố nhà văn Kim Dung, người sáng chế và sử dụng môn võ công Hấp tinh đại pháp là Giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành. Sau này chỉ có duy nhất Lệnh Hồ Xung có cơ duyên học được.
Hấp tinh đại pháp là một môn công phu tu luyện nội lực, sau khi luyện xong có thể "hút nội lực của đối phương vào chính bản thân mình". Yếu quyết để luyện môn công phu này là trước tiên phải tự hóa tán công lực của bản thân: "Huyệt Ðan điền như cái rương trống rỗng, lại giống như hang sâu. Rương rỗng có thể đựng đồ, hang sâu có thể chứa nước. Nếu có nội tức thì phải tán ra những huyệt ở Nhâm mạch". Yếu quyết này đi ngược lại với phép tu luyện nội công thông thường: "Nguyên tắc căn bản của luyện nội công là phải ngưng tụ chân khí đầy rẫy trong huyệt Ðan điền. Nội tức ở huyệt Ðan điền đầy rẫy chừng nào thì nội lực thâm hậu chừng ấy".
Hấp tinh đại pháp có một nhược điểm là tuy thu hút nội lực của đối phương vào bản thân, nhưng những luồng chân khí đó không cùng nguồn gốc, không thể dung hòa với nhau, ngược lại còn xung đột lẫn nhau trong kỳ kinh bát mạch. Mỗi lần phát tác đều khiến cho người luyện đau đớn khổ sở như bị tẩu hỏa nhập ma. Lần sau càng nghiêm trọng hơn lần trước. Cũng chính vì điểm này mà Nhậm Ngã Hành sau này đã đột tử do chính những luồng chân khí mà y đã thu thập trong đời. Lệnh Hồ Xung suýt đi theo vết xe đổ của Nhậm Ngã Hành, nhưng may mắn hơn vì được Phương Chứng đại sư truyền thụ bộ nội công Phật môn thượng thừa là Dịch cân kinh, có thể hóa giải được những luồng chân khí dị chủng trong người.
Quốc Tiệp (t/h)