Mạc Đại tiên sinh
Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh là nhân vật quái dị tiêu biểu trong Tiếu ngạo giang hồ. Thật ra ông họ Mạc hay họ Mạc Đại thì Kim Dung cũng không nói rõ. Ông được giang hồ nhắc đến với cái tên Mạc Đại tiên sinh. Ông nổi tiếng giang hồ với bản nhạc Tiêu Tương Dạ Vũ nghĩa là "Đêm mưa bên bến Tiêu Tương".
Thân danh là chưởng môn của phái Hành Sơn, Mạc Đại luôn luôn ăn mặc rách rưới như một gã Cái bang, chơi một cây dao cầm (hồ cầm) cũ kỹ và miệng luôn hát bài Tiêu Tương Dạ Vũ. Thế nhưng, trong đáy cây dao cầm của tiên sinh có giấu một cây kiếm lưỡi mỏng như lá lúa, rất lợi hại. Mạc Đại được xưng tụng là "cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm" (trong đàn có giấu một cây kiếm, và khi múa kiếm thì lại phát ra tiếng đàn).
Khi tiên sinh rút kiếm ra khỏi cây đàn, vận công vào thân cây kiếm khiến kiếm khí phóng ra veo véo nơi đầu mũi. Với "Hành Sơn vân tụ thập tam thức", chưa có một đối thủ nào thoát khỏi tay Mạc Đại tiên sinh.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Mạc Đại chỉ xuất hiện không quá mười trang sách nhưng đã gây được ấn tượng mạnh mẽ và chiếm được cảm tình nồng thắm nơi người đọc. Ông rất ít khi xuất hiện trên giang hồ, tuy nhiên những lúc ông xuất hiện, giang hồ ắt đổ máu. Lần thứ nhất ông xuất hiện trong tửu quán dưới chân núi Hành Sơn, bất ngờ rút kiếm chém đứt tiện 7 chiếc trà trên bàn mà những giang hồ hảo thủ ngồi quanh không thể hiểu được tiên sinh đã rút kiếm ra và thu kiếm về lúc nào. Cũng trong lần đó sư đệ của ông là Lưu Chính Phong thân tàn danh liệt, tan cửa nát nhà.
Lần thứ 2 Mạc Đại Tiên sinh hiện ra đúng lúc, múa kiếm giết chết Đại tung dương thủ Phí Bân của phái Thái Sơn để cứu sư đệ của mình là Lưu Chính Phong cùng Khúc Dương (trưởng lão Ma giáo), Khúc Phi Yên (con gái của Khúc Dương), Lệnh Hồ Xung (đệ tử Hoa Sơn) và Nghi Lâm (đệ tử Hằng Sơn). Giết xong Phí Bân, tiên sinh đút kiếm vào đàn, ung dung ra đi, giọng đàn dao cầm lại ngân lên khúc tình tang Tiêu Tương Dạ Vũ.
Lần thứ 3 ông xuất hiện trên sông Trường Giang, khuyên Lệnh Hồ Xung đi cứu Doanh Doanh khiến Thiếu Lâm tự bị tấn công, dẫn đến một trường ác đấu của các tuyệt đại cao thủ đương thời trên ngọn Thiếu Thất.
Lần thứ 4 ông xuất hiện, Tả Lãnh Thiền thân bại danh liệt, bị mù 2 mắt trên Tung Sơn.
Lần thứ 5 ông xuất hiện, hậu động Hoa Sơn thây chất ngổn ngang, chôn vùi Ngũ Nhạc Phái.
Sát nhân danh y Bình Nhất Chỉ
Bình Nhất Chỉ được người trên giang hồ biết đến như một bậc danh y kỳ tài, không có căn bệnh nào qua tay ông mà không được chữa khỏi, do chỉ dùng một ngón tay để bắt mạch nên gọi Nhất Chỉ. Nhưng thật kỳ dị là mỗi khi đồng ý cứu một mạng người thì Bình Nhất Chỉ lại yêu cầu kẻ chịu ơn hoặc anh em người đó phải giúp mình diệt một mạng người khác. Do tính tình quái gở này nên võ lâm đã truyền tụng Bình Nhất Chỉ bằng ngoại hiệu Sát nhân danh y.
Trong một lần Đào Thực Tiên trong nhóm Đào Cốc Lục Tiên bị trọng thương, bọn ngũ tiên bèn khiêng đến cho Bình Nhất Chỉ chữa nhưng miệng vẫn nói thiên hô bách sát. Bình Nhất Chỉ quát một tiếng im là năm lão im ngay bởi vì nếu không im, Bình Nhất Chỉ sẽ buộc bọn Đào Cốc Lục Tiên giết tên Đào Thực Tiên.
Trong một lần khác, để cứu Lệnh Hồ Xung bị thương, 6 người trong nhóm Đào Cốc Lục Tiên đã cãi nhau, không ai chịu nghe ai, nên cả 6 người cùng truyền 6 luồng chân khí vào người Lệnh Hồ Xung, gây xung đột làm Lệnh Hồ Xung mất hết sức lực, bị thương suýt chết. Lệnh Hồ Xung sau đó gặp Nghi Lâm và cha cô là Bất Giới Đại Sư, Bất Giới sau đó cũng đã truyền 2 luồng chân khí của ông vào để chế ngự 6 luồng chân khí của Đào Cốc Lục Tiên nhưng cũng không khống chế được bao nhiêu. Thánh cô Nhậm Doanh Doanh yêu cầu, Bình Nhất Chỉ đã hết sức cứu mạng Lệnh Hồ Xung nhưng không thành, cũng qua đó rất khâm phục hào khí của Lệnh Hồ Xung.
Khi Bình Nhất Chỉ thú nhận rằng không thể chữa thương cho chàng được. Bọn Đào Cốc Lục Tiên bèn trả thù, đặt ra câu hỏi: "Cứu một người thì giết một người. Nay không cứu được người thì giết ai?" Chính cái luận lý học hình thức của bọn lục tiên đã khiến Bình Nhất Chỉ tự suy nghĩ và cuối cùng, tự vận kinh mạch cho đứt, chết đi để xứng với ngoại hiệu Sát nhân danh y.
Phong Thanh Dương
Phong Thanh Dương là nhân vật quái dị được người đọc yêu mến nhất trong Tiếu ngạo giang hồ. Cố nhà văn Kim Dung mô tả Phong Thanh Dương mình gầy như con hạc, sắc mặt điêu linh tiều tuỵ, chỉ xuất hiện một lần mà danh tiếng của ông đã làm quần hùng chấn động.
Phong Thanh Dương là sư thúc của Nhạc Bất Quần, trưởng môn phái Hoa Sơn. Phong Thanh Dương là đại biểu của phe kiếm tông (lấy kiếm làm chủ) trong khi Nhạc Bất Quần là đại biểu của phe khí tông (lấy nội công làm chủ).
Chính Phong Thanh Dương đã mắng Nhạc Bất Quần là kẻ xuẩn tài (có tài mà ngu), biến những kẻ tài năng như đệ tử Lệnh Hồ Xung thành ra ngựa gỗ, trâu đá. Phong Thanh Dương truyền thụ cho Lệnh Hồ Xung Độc cô cửu kiếm của Độc Cô Cầu Bại với một câu quyết duy nhất “sử kiếm liên miên bất tuyệt như nước chảy mây trôi, nghĩ đến đâu là kiếm tới đó để chiếm tiên cơ, đẩy kẻ địch vào thế phải thủ”.
Toàn bộ lý thuyết của Phong Thanh Dương là “lấy vô chiêu thắng hữu chiêu và lấy công làm thủ”. Lệnh Hồ Xung đã học được bài học quý giá đó từ thái sư thúc tổ, trở thành kẻ đối nghịch với sư phụ Nhạc Bất Quần, hạ Nhạc Bất Quần và môn Tịch tà kiếm phổ của họ Lâm, trở thành kiếm sĩ đệ nhất giang hồ.
Video: Trích đoạn hay trong Tiếu ngạo giang hồ.
Hồ Thanh Ngưu và Vương Nạn Cô
Trong Ỷ thiên đồ long ký, Điệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu và Vương Nạn Cô là một cặp vợ chồng có y thuật rất là cao minh.
Hồ Thanh Ngưu có ngoại hiệu là Kiến Tử Bất Cứu, nếu không là thuộc hạ của Minh giáo thì thấy chết cũng không cứu.
Vương Nạn Cô là người có dáng vẻ xinh đẹp nổi tiếng với biệt tài dùng độc, nên người trên giang hồ gọi bà là Độc Tiên phu nhân. Bà thường xuyên chế ra kịch độc, thử trên cả bản thân mình nhằm khiêu khích tài trị độc của Hồ Thanh Ngưu.
Năm xưa, tại núi Võ Đang, Trương Vô Kỵ bị Huyền Minh Nhị Lão đánh trọng thương bởi võ công Huyền Minh thần chưởng, Trương Tam Phong dùng Thuần Dương vô cực mà ngày xưa nghe được một ít từ Giác Viễn đại sư trị được phần nào nội thương của Vô Kỵ. Sau đó ông đích thân dẫn Vô Kỵ lên núi Thiếu Thất xin các nhà sư Thiếu Lâm truyền phần còn lại của Cửu dương chân kinh để Vô Kỵ có thể tự trị được nội thương. Không Văn, chưởng môn của phái Thiếu Lâm từ chối, Trương Tam Phong đành dắt Vô Kỵ xuống núi.
Lúc xuống núi, Trương Tam Phong cứu được Chu Chỉ Nhược cùng một Hán tử thuộc Minh giáo đang bị quân Nguyên đuổi đánh trên sông là Thường Ngộ Xuân. Để cảm tạ, Hán tử này dẫn Trương Vô Kỵ đến một danh y của Minh Giáo tên là Hồ Thanh Ngưu để xin chữa bệnh. Đổi lại, Trương Tam Phong dẫn cô bé tên là Chu Chỉ Nhược, về núi Võ Đang.
Vô Kỵ lưu lại Hồ Điệp cốc khoảng hai năm để chữa bệnh, tuy không chữa hoàn toàn được cho Vô Kỵ nhưng Hồ tiên sinh đã giữ lại mạng được cho Vô Kỵ đồng thời cũng truyền dạy cho nhiều kiến thức y thuật quý báu. Sau này Kim Hoa Bà Bà xuất hiện và đả thương mười lăm người, trong số đó có Kỷ Hiểu Phù, với những chứng bệnh kì quái và bảo họ đến nhờ Hồ Thanh Ngưu chữa. Do Kim Hoa Bà Bà có mối thù xưa với Hồ Thanh Ngưu vì trước đây ông từ chối chữa bệnh cho chồng bà ta, nên chồng bà chịu chết. Hồ Thanh Ngưu hướng dẫn cho Vô Kỵ chữa chạy những người đó, nhưng bị vợ ông ta phá.
Sau này nhờ Trương Vô Kỵ mà hiềm khích của Vương Nạn Cô với Hồ Thanh Ngưu được xóa bỏ, Hồ Thanh Ngưu với Vương Nạn Cô giả chết để đối phó với sự trả thù của Kim Hoa bà bà.
Trước khi giả chết ông đã truyền toàn bộ kiến thức y dược của mình cho Trương Vô Kỵ, hy vọng Vô Kỵ có thể tìm ra cách chữa được Huyền Minh thần chưởng. Tuy nhiên, hai vợ chồng của Hồ Thanh Ngưu vẫn bị Kim Hoa Bà Bà sát hại sau khi bà bà phát hiện 2 mộ giả của họ.
Sau khi Hồ Thanh Ngưu chết Trương Vô Kỵ mới hiểu trong cuộc đời của Hồ tiên sinh vì Độc Tiên phu nhân mới không chịu chữa bệnh cho người ngoài khiến người trong giang hồ ghét ông trong số đó có cả Kim Hoa Bà Bà.
Còn tiếp...
Video: Hồ Thanh Ngưu chết.
Quốc Tiệp (t/h)