Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), 6 DN hàng không và 5 doanh nghiệp du lịch lớn của Việt Nam là Vietravel, Saigontourist, Thiên Minh, Sungroup, Bim đã đồng loạt gửi thư lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sớm công bố thời điểm mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế.
Thay vì mốc 30/4-1/5 như trước đó, các doanh nghiệp đều cho rằng cần công bố sớm, ngay từ đầu tháng 2/2022.
Thư kiến nghị của Ban IV, do Trưởng ban Trương Gia Bình ký, nêu rõ, với 8.500 khách quốc tế tới Việt Nam trong 2 tháng thí điểm vừa qua, tuy không có các sự cố hay các tình huống rủi ro nào lớn phát sinh, cũng không tạo áp lực cho hoạt động phòng, chống dịch trong nước, nhưng số lượng khách đón được ở quy mô rất nhỏ.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các quy trình hoặc không rõ ràng về quy trình để xử trí với các tình huống khác nhau về tình trạng y tế của du khách, việc tồn tại các quy định hết sức ngặt nghèo, tạo nên trải nghiệm hoàn toàn không tốt cho du khách (như quy định cách ly, các yêu cầu giấy tờ hành chính hàng loạt, yêu cầu mặc bảo hộ khi lên máy bay, hạn chế đi lại,... ).
Việc các địa phương vẫn áp dụng các biện pháp hành chính hoàn toàn khác nhau, cho dù cùng cấp độ dịch... cần được cải thiện nhanh chóng để mở cửa thực sự với du lịch quốc tế, văn bản viết.
Đáng lưu ý, các DN hàng không, lữ hành cho rằng, sau 2 năm gần như "đóng băng" hoạt động vì Covid-19, họ hứng chịu những tổn thất chưa từng có trong lịch sử, nguồn lực đã hoàn toàn cạn kiệt. Do đó, việc mở cửa du lịch quốc tế là cơ hội duy nhất để “cứu sống” các doanh nghiệp, “cứu sống” 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác.
Vì thế, các DN đồng loạt kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công bố ngay đầu tháng 2 thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam, để tạo “lực đẩy mạnh” và để các địa phương cùng các DN có mốc thời gian chuẩn bị, dù mốc thực tế để mở hoàn toàn có thể là 31/3 hay 30/4/2022.
Ông Trương Gia Bình cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để Bộ Y tế và các Bộ, ngành cải thiện các quy trình, quy định hiện hành liên quan tới đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, với tinh thần cắt hoặc giảm tối đa các quy định phức tạp, không cần thiết để tăng cường các trải nghiệm chất lượng cho du khách.
Theo đó, gỡ bỏ quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú đối với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vác-xin và có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước chuyến bay, không phải test nhanh tại sân bay và có quy trình xử lý thống nhất với khách dương tính với SAR-CoV-2.
Ngoài việc khôi phục hoàn toàn các chính sách miễn thị thực cho khách du lịch mà Việt Nam đã thực hiện từ trước năm 2019, Chính phủ cân nhắc mở rộng việc miễn visa cho một số thị rường trọng điểm như châu Áu, châu Úc và Bắc Mỹ. Cân nhắc kéo dài thời gian miễn thị thực, từ 14 lên 30 ngày, cho phù hợp với xu hướng du lịch mới của khách sau đại dịch.
Trước đó, ngày 26/1, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng có văn bản trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế yêu cầu cơ sở y tế địa phương trong cả nước không tự quy định cách ly những người có đủ điểu kiện di chuyển. Thông tin này cần được truyền thông rộng rãi để khách du lịch hiểu đúng về hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Khách có đủ điều kiện về phòng dịch Covid-19 có thể đi lẻ, đi theo nhóm nhỏ theo xu thế toàn cầu hiện nay.
Tại Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế ngày 24/1 do Bộ VH, TT&DL tổ chức, ông Trương Gia Bình cũng thẳng thắn: "Suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, Hội thảo để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch. Thật là vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bởi, mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy. Bản chất của chống dịch là tiêm vắc xin, mở cửa du lịch cũng không giảm tỉ lệ tiêm vắc xin. Thứ hai không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Không mở thì thế nào, ai cấp công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành Du lịch? Kinh tế đất nước mình là mở mà du lịch đóng lại là làm sao? Như doanh nghiệp FPT của chúng tôi, nhiều khách hàng rất muốn vào làm phần mềm nhưng không thể vào Việt Nam vì dịch bệnh. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, cả lực lượng vật chất kỹ thuật như khách sạn, máy bay, bao tiền đầu tư giờ không có khách. Vô lý nếu không mở cửa du lịch bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm.