Câu chuyện khởi nghiệp của bà, nếu được kể, sẽ bắt đầu từ đâu?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Năm tôi 46 tuổi, tôi mới bắt đầu bước ra khởi nghiệp riêng cho mình. Như nhiều người trẻ khác, tôi cũng đi làm thuê sau khi tốt nghiệp Đại học kiến trúc TP.HCM, khoảng thời gian làm thuê đó kéo dài đến 20 năm. Tuy nhiên, từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã tự đi kiếm việc làm để lo cho bản thân và đóng tiền học phí.
Ngày hôm nay, nhìn các bạn trẻ ở độ tuổi 20 - 25 đã khởi nghiệp, thực sự tôi nể các bạn ấy quá. Dù biết rằng có người thành công có người thất bại, nhưng tôi rất lo là các bạn đang không lượng được sức mình, không hiểu được năng lực của bản thân. Tôi bắt đầu công việc làm thuê chỉ bởi đơn giản hiểu rằng mình cần phải khổ luyện và học cách vượt qua những thử thách.
Tất cả những kinh nghiệm đó đều cần thiết khi tôi bước ra khởi nghiệp. Khi tôi làm chủ thì những trải nghiệm và sự thấu hiểu thăng trầm trong cuộc sống đã tương đối đầy đủ, lúc đó tôi mới tự tin để tự mình làm, mình truyền đạt và chia sẻ với các thế hệ kế tiếp. Tôi rời bỏ ông chủ của tôi sau 20 năm làm thuê là vì điều này chứ không phải bởi bản thân ham muốn sự nổi tiếng hay cần thành tựu riêng.
Để thành công trong nghề, bà có phải hy sinh điều gì không?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Trong bất cứ công việc nào cũng đều có yếu tố hy sinh của từng cá nhân. Bạn phải chấp nhận hy sinh điều gì đó thì mới có khả năng dồn sức cho việc nuôi dưỡng đạo đức và trách nhiệm làm nghề. Vì một khi có cả hai yếu tố này thì thành tựu sẽ bền lâu với bạn mà không cần phải cố gắng dùng mối quan hệ hay vật chất để "làm điểm tựa". Hy sinh điều này để được điều kia cũng là cách để giúp bạn sống với tâm hồn rộng mở và vị tha hơn.
Vậy thì bà chọn thông điệp nào để sống?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Chân thành và tử tế. Vì kết quả của ngày hôm nay chính là thước đo khổ luyện của ngày hôm qua.
Bà định nghĩa về cái đẹp như thế nào?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Tôi là người yêu thích và tôn trọng cái đẹp trong nghệ thuật. Với tôi, cái đẹp không bao giờ có điểm dừng. Tôi, dù ở tuổi nào cũng thấy mình đẹp, và cho đến chết tôi vẫn muốn mình đẹp. Tôi hay nói: "Life has a always beauty" (Cuộc sống luôn tươi đẹp). Vì vậy tôi lúc giận, buồn, tủi, nhục, hổ thẹn đều sẽ để bản thân mình đẹp nhất trong cảm xúc ấy.
Như tôi có nói thêm trong tập 1, “Đẹp” là gì? Đẹp là đỉnh, đẹp là độc, đẹp là lạ nhưng đẹp không thể nào là "điên" được. Đỉnh nằm ở đâu? Ở phía trước. Và nó sẽ phụ thuộc vào tài năng, trí tuệ của các nhà môi giới. Nếu các bạn hiểu điều này thì các bạn sẽ chạm vào cái đỉnh rất nhanh.
Hiểu về cái đẹp là hiểu như thế nào theo quan điểm của bà ?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Hiểu về cái đẹp là hiểu mình cần làm đẹp cho mình và cho người cần mình làm đẹp.
Với một người kiến trúc sư như bà, nhà có đơn giản chỉ là nơi để sống?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Với tôi, nhà không chỉ là không gian để ở mà còn là nơi hưởng thụ và hãnh diện. Vì nó chính "Giá trị tài sản" của chủ nhân. Giá trị tài sản ở đây là: Tinh thần (gia đình); Văn hoá (sống trong không gian mang tính nghệ thuật văn hoá); Văn minh (nơi ta chọn, nơi ta ở, nơi ta quyết định mà không có thế giới tâm linh nào có thể chạm tới hay thay đổi được bạn). Tuy nhiên, để làm được tất cả những điều này thì bạn phải biết cách chọn đúng ngôi nhà cho mình.
Khi người phụ nữ trở thành nhà thiết kế hay kiến trúc sư thì quan điểm của bà trong vị trí là người phụ nữ thì có những quan điểm gì ?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Với tôi, Người phụ nữ đại diện cho sự “kiên nhẫn, chi tiết, tình cảm” và vì vậy, tác phẩm của người phụ nữ luôn thể hiện dấu ấn của 03 đặc tính trên.
Khi bà xuất hiện trước công chúng, ít ai nghĩ rằng bà là kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất mà thay vào đó, công chúng luôn nghĩ rằng bà là nhà thiết kế thời trang hay nhà tạo mẫu, bà nghĩ sao về điều này?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Đã là người làm về nghệ thuật sáng tạo nói chung thì phải luôn đẹp và tôi luôn tôn trọng cái đẹp trong cuộc sống từ nhỏ nhất đến lớn nhất và từ chi tiết đến sự cầu kỳ để luôn làm mới mình và luôn truyền năng lượng tích cực đến các bạn trẻ không phải đẹp về hình thức mà đẹp trong nội tâm thoát ra bên ngoài mới là quan trọng.
Những người đã từng tiếp xúc với bà luôn cảm nhận được ở bà một nguồn năng lượng không tuổi, bà làm cách nào để có thể duy trì nguồn năng lượng tuyệt vời đó?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Tôi luôn đối xử với các bạn trẻ như một người thầy, người chị, người mẹ. Đã ngoài 50, tôi không bao giờ cho phép mình già để “luôn truyền lửa, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ” và tôi nhìn nhận “người thiết kế luôn là những đứa trẻ không tuổi” hồn nhiên trong sáng tạo – trong trắng trong tư duy và bứt phá trong ý tưởng .
Bà có lời khuyên gì cho các bạn trẻ ngày nay khi bước vào ngã rẽ thực tế của nghề sáng tạo ?
KTS. Naomi Thủy Nguyễn - Luôn chấp nhận thử trách, học hỏi, cầu toàn, cầu tiến, trân trọng cái đẹp, yêu nghề mình chọn, lắng nghe và không nên chỉ trích hay chê bai quá khứ và hiện tại “tất cả là học hỏi để trưởng thành từ điều tốt đến điều xấu xa nhất“
Xin cảm ơn những chia sẻ hết sức chân tình của bà trong buổi gặp gỡ ngày hôm nay!