Ngày 12-13/11, tại TP.HCM, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” diễn ra và tập trung vào 4 chủ đề: Kiều bào góp sức xây dựng TP.HCM phát triển bền vững; Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực của TP.HCM; Kiều bào với phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức của TP.HCM và Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của TP.HCM.
Trân trọng trí tuệ, nguồn lực quý báu của kiều bào
Qua hai ngày làm việc, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa tiêu biểu, có uy tín ở trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực. Suốt 4 phiên thảo luận và chương trình tham quan, khảo sát thực tế cùng nhiều hoạt động bên lề khác trong tinh thần thảo luận tích cực, khẩn trương hiệu quả của các đại biểu.
Hội nghị lần này đề cao, trân trọng trí tuệ, nguồn lực quý báu của kiều bào góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Kiều bào ta dù xa Tổ quốc nhưng luôn mang trong mình lòng yêu nước, quê hương, hướng về cội nguồn. Kiều bào là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Các hoạt động hợp tác về khoa học – công nghệ, đầu tư, kinh doanh, tài chính của kiều bào hiện nay đã trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, Hội nghị cần trao đổi cụ thể về tiềm năng, cũng như những cơ hội và thách thức đối với TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, từ đó đề xuất những ý tưởng, biện pháp để đồng hành đưa Thành phố và cả nước phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.
Phó Thủ tướng tin rằng, những phát biểu tham luận tâm huyết tại Hội nghị này sẽ mang đến nhiều ý tưởng mới, những khuyến nghị khả thi, thiết thực. Những đóng góp của quý vị đại biểu sẽ góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước, cho TP.HCM trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ vui mừng đón tiếp kiều bào về với Thành phố trong ngày hội đoàn kết và đầy trí tuệ này. Ông đề nghị các sở, ban, ngành của Thành phố làm việc một cách nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị trên cơ sở những ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết, quý báu của đại biểu kiều bào; đồng thời tích cực thảo luận để đưa ra các giải pháp khả thi, hiệu quả. Kết quả của Hội nghị lần này sẽ góp phần huy động, phát huy tốt hơn nữa trí tuệ của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào cho công cuộc phát triển của đất nước và của TP.HCM.
Kiều bào “ hiến kế” để TP.HCM phát triển bền vững
Là một chuyên gia tài chính ngân hàng đã làm việc nhiều năm ở Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào tại Mỹ nhận định bên cạnh cơ hội, những nhà đầu tư kiều bào cũng có nhiều thách thức.
Thách thức đầu tiên chính là vấn đề pháp lý. Hiện tại Việt Nam có những bộ pháp lý tương đối hoàn chỉnh, nhưng còn rất nhiều điều luật của Việt Nam còn khác xa luật lệ quốc tế gây trở ngại cho các nhà đầu tư kiều bào vì khi vào Việt Nam họ phải thích ứng với một môi trường pháp lý khác biệt với môi trường họ đang hoạt động tại các nước sở tại.
Thứ hai, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu sự minh bạch. Xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch là tiền đề để các nhà đầu tư và doanh nhân Việt kiều mạnh dạn tham gia thị trường Việt Nam. Về quản lý ngoại hối, cần phải có những chính sách ngoại hối thông thoáng hơn cho kiều bào để tạo điều kiện cho bà con thực hiện việc chuyển nhượng vốn cũng như lợi nhuận kinh doanh về nước sở tại đúng pháp luật.
Bà Đinh Thanh Hương, kiều bào tại Pháp đề xuất nghiên cứu các giải pháp nhằm xây dựng cơ chế đột phá, thu hút đầu tư cho TP.HCM như: Bắt đầu bằng một tư tưởng lớn “Cần vươn lên thành một thành phố tầm cỡ của Châu Á”, tư tưởng lớn này cần được truyền tải liên tục thường xuyên; Xây dựng chiến lược về thu hút đầu tư dài hạn 20-30 năm; Xây dựng bộ chỉ số quản lí để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ những qui định của Thành phố; Tạo lòng tin cho nhà đầu tư, trên cơ sở chuẩn hóa quá trình chọn lọc đầu tư, cấp giấy phép, hỗ trợ phát triển thị trường; Kiên quyết xử lí, và công khai các hành vi nhũng nhiễu và tham nhũng của những người tham gia quyết định; Lập một trang Web riêng, công bố các ưu tiên về thu hút đầu tư, đồng thời là nơi cá nhân, tập thể có thể gợi ý các ý tưởng có thể đầu tư tại Thành phố.
Hướng đến việc xây dựng thành phố thông minh tại TP.HCM, ông David Ngô, kiều bào tại Mỹ đề xuất: Thành phố thông minh là thành phố mà mọi kết nối về hạ tầng công nghệ thông tin là duy nhất. Khi đó, mối quan hệ giữa chính phủ và cơ quan hành chính công với người dân rất tiện lợi, dễ dàng và minh bạch. Ngoài ra, với mô hình thành phố thông minh, thông tin từ trung ương đến địa phương và người dân sẽ được an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.
Để nắm bắt trào lưu thành phố thông minh này, Chính quyền thành phố cần phải chuẩn bị: Hạ tầng quy hoạch kiến trúc đô thị phải tương đối chuẩn; Hạ tầng về Công nghệ Thông tin (ICT) phải tốt; Hạ tầng về Internet-of-things (các thiết bị đầu cuối từ dân dụng đến các cơ quan hành chính công phải cùng sử dụng một nền tảng kết nối thông minh); Giáo dục về ý thức hệ, người dân phải có ý thức, thái độ và kỹ năng phù hợp trong việc sử dụng các tiện ích thông minh mà thành phố cung cấp.
Bàn về việc phát triển đô thị của Thành phố hiện nay, GS. Đặng Lương Mô, kiều bào tại Nhật Bản cho rằng: “Trong những năm gần đây, nhiều ngôi nhà cao tầng, cao ốc mọc lên từ nội đô đến vùng ven với tốc độ chóng mặt. Đây cũng là một điều cũng đáng mừng. Nhưng sự phát triển nhanh chóng này sẽ phát sinh những vấn đề không kém phần nghiêm trọng, ví dụ như tình trạng ùn tắc giao thông hiện tại. Những tòa nhà cao tầng ở TP Hồ Chí Minh đang được xây dựng như thế nào? Tôi thấy, chúng ta đang “lợi dụng chiều cao để giải phóng mặt bằng”.
Ở các nước, người ta giải phóng mặt bằng đó để trồng cây xanh, làm bãi đỗ xe, mở rộng lòng đường giao thông, nhưng ở mình thì tôi thấy khác. Thậm chí có những cao ốc xây dựng kín không có chỗ cho cây xanh, không có đường thoát hiểm bên ngoài, không thấy có bể chứa nước trên nóc nhà phòng khi hỏa hoạn, rồi chưa kể đến vấn đề quản lý, vận hành của các chung cư. Tòa nhà cao ốc phải là nơi khiến người dân sống trong đó cảm thấy luôn được đảm bảo an toàn”.
Sau 4 phiên Hội nghị chuyên đề, sau báo cáo khái quát của các Sở, ngành chức năng về tình hình phát triển của Thành phố trên các lĩnh vực phát triển chung, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư thương mại, đã có khoảng 40 tham luận hết sức tâm huyết của kiều bào được trình bày, nêu nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể nhằm xây dựng TP.HCM có tốc độ phát triển nhanh, bền vững và có đủ điều kiện để hội nhập khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, có hơn 100 tham luận của các đại biểu kiều bào được gửi về Ban tổ chức. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian hạn hẹp nên Ban Tổ chức sẽ sắp xếp để nghiên cứu và tiếp thu những bài viết và tham luận của đại biểu kiều bào đã gửi đến Hội nghị.
Đức Mỹ