Một báo cáo của tình báo Anh cho rằng Kiev vẫn là trọng tâm trong các kế hoạch quân sự của Nga, bất chấp việc quân đội của Moscow tiếp tục không đạt được bước tiến trong nỗ lực kiểm soát thủ đô của Ukraine.
Báo cáo này dường như mâu thuẫn với lời các quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ Wall Street Journal rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chuyển trọng tâm chiến lược khỏi việc kiểm soát Thủ đô Kiev.
“Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở phía Bắc Kiev”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố.
“Thế tiến của các lực lượng Nga về Kiev từ phía Đông Bắc đã bị đình trệ. Các lực lượng tiến công từ hướng Hostomel về phía Tây Bắc đã bị đẩy lùi bởi sự kháng cự quyết liệt của quân Ukraine”, tuyên bố cho biết. "Phần lớn lực lượng Nga vẫn cách trung tâm thành phố hơn 25 km".
Báo cáo của tình báo Anh kết luận rằng, bất chấp việc đà tiến của quân Nga bị chậm, "Kiev vẫn là mục tiêu quân sự chính của Nga và họ có khả năng ưu tiên nỗ lực bao vây thành phố trong những tuần tới".
Đàm phán Nga – Ukraine tái khởi động
Hai phái đoàn Nga và Ukraine sẽ bắt đầu một vòng đàm phán ngừng bắn mới thông qua liên kết video vào ngày 21/3, ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn tổng thống Ukraine, thông báo hôm 20/3.
Phái đoàn Ukraine đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng trong vòng đàm phán vừa qua, nói rằng Nga đã tỏ ra cởi mở hơn trong đàm phán. Tuy nhiên, ông Podolyak nói thêm rằng có thể mất nhiều tuần để đạt được thỏa thuận với Moscow về việc chấm dứt chiến tranh.
Hãng truyền thông Ukrainiskaya Pravda trích dẫn lời ông David Arakhamia, đại diện đảng Đầy tớ của Nhân dân cầm quyền tại Ukraine, cho biết, các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục hàng ngày. "Và hôm nay cũng không ngoại lệ. Ở cấp độ của các nhóm chuyên gia", ông nói.
Tổng thống Mỹ sẽ dừng chân ở Ba Lan trong chuyến công du châu Âu
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có thêm một chặng dừng chân ở Ba Lan trong chuyến công du châu Âu của ông trong tuần này để dự các cuộc hội đàm khẩn cấp với NATO và các đồng minh châu Âu trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga – Ukraine đã kéo dài gần một tháng.
Sau Brussels, ông Biden sẽ đến Ba Lan để gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Ba Lan là một đồng minh quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Nước này đang cho hàng nghìn lính Mỹ đồn trú và tiếp nhận phần lớn người tị nạn Ukraine - hơn 2 triệu người - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác giữa cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Dự kiến, Tổng thống Biden sẽ đến Warsaw để hội đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda vào ngày 26/3.
Trong cuộc hội đàm, ông Biden sẽ thảo luận về cách Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo mà cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã gây ra, bà Psaki cho biết.
Trong ngày 21/3, trước khi khởi hành đến châu Âu, Tổng thống Biden thảo luận về cuộc chiến với các nhà lãnh đạo châu Âu với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Nhà Trắng cho biết.
Các quan chức Nhà Trắng cũng cho biết, ông Biden không có kế hoạch đến Ukraine.
Thủ tướng Israel lên tiếng về vấn đề viện trợ cho Ukraine
Israel đang cung cấp cho Ukraine một lượng lớn viện trợ, với quy mô mà hầu hết các nước khác không cung cấp, đồng thời cân bằng một số “cân nhắc phức tạp”, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết tại buổi lễ tiễn một phái đoàn Israel chuẩn bị bay đến Ukraine để thành lập một bệnh viện dã chiến ở nước này.
Đây là tuyên bố công khai đầu tiên của Thủ tướng Israel về vấn đề viện trợ cho Ukraine sau bài phát biểu trực tuyến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước các thành viên Knesset (cơ quan lập pháp Israel) hôm 20/3, trang Times of Israel đưa tin.
Trong vài tuần qua, kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu, Israel đã gửi đi viện trợ thông qua nhiều kênh khác nhau, ông Bennett nói.
Israel cũng thực hiện điều này với nhiều cách tiếp cận khác và với quy mô mà không nhiều quốc gia có thể thực hiện, Thủ tướng Israel nhấn mạnh.
“Chúng tôi đang quản lý cuộc khủng hoảng đáng tiếc này một cách nhạy cảm, nhân từ và có trách nhiệm, đồng thời cân bằng các cân nhắc khác nhau - và chúng rất phức tạp”, ông Bennett cho biết.
Theo Times of Israel, Tổng thống Ukraine đã trách Israel về việc không gửi viện trợ vũ khí cho Kiev và không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Việc ông Zelensky so sánh giữa thảm họa Holocaust và cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Israel đã vấp phải sự phê phán của một số nhà lập pháp Israel.
Sau đó, Tổng thống Zelensky, trong video phát biểu hàng tối của mình, đã thay đổi cách nói và cảm ơn Thủ tướng Bennett.
“Thủ tướng Israel, ông Naftali Bennett, đang cố gắng tìm cách tổ chức các cuộc đàm phán. Và chúng tôi rất biết ơn vì điều này. Chúng tôi biết ơn những nỗ lực của ông ấy, để sớm hay muộn chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán với Nga, có thể là ở Jerusalem”, ông Zelesnky cho biết, theo bản dịch của Reuters.
Minh Đức (Theo Times of Israel)