Kỳ bí giếng thiêng ở Ba vì

Kỳ bí giếng thiêng ở Ba vì

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Ba Vì từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất linh thiêng với những câu chuyện mang đầy màu sắc huyền bí gắn liền với các di tích, thần linh.

Ngoài câu chuyện trường sử phảng phất bóng dáng kinh thành xưa về các vị vua Hùng, để lại trong dân gian thiên tình sử nổi tiếng Ngọc Hoa- Sơn Tinh thì những lời kể kì bí "thượng đẳng tối linh" về “giếng thần âm hộ” và ngọn núi mang hình bộ ngực khổng lồ nằm song ứng với nó (ở làng Nghe, xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội) cũng khiến người ta tò mò muốn tìm về nguồn cội vùng đất thiêng hùng vĩ mà hữu tình này để thỏa sức khám phá.

Uống nước giếng sẽ "cầu được ước thấy" ?

Trên đoạn đường tìm về chiếc giếng cổ được coi là bảo vật của người dân làng Nghe chúng tôi liên tục nhận được lời chỉ dẫn tận tình của người dân địa phương kèm theo những nụ cười tủm tỉm: “Lại đi xin nước uống hả?”. Dừng chân bên quán nước của chị Nguyễn Thị Hải, người dân sống gần khu giếng cổ, chúng tôi được cô kể cho nghe về những giai thoại kỳ bí của chiếc giếng đã gắn bó với người dân làng Nghe từ thuở xa xưa.

Xã hội - Kỳ bí giếng thiêng ở Ba vì

Vùng đất Ba Vì - vùng đất linh thiêng huyền bí

“Ở đây xưa kia chủ yếu là người Mường sinh sống nên giếng được đặt tên theo tiếng Mường là Pó Ché dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là âm hộ của người con gái. Chúng tôi là người Kinh nên thường gọi giếng là “giếng âm hộ”. Cũng chẳng biết giếng có từ khi nào, chỉ biết rằng dân làng thường ra giếng lấy nước uống những khi giếng nhà cạn nước. Giếng được coi như một chiếc giếng làng gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của người dân. Từ khi các nhà khoa học về nghiên cứu thì chúng tôi mới biết chiếc giếng có ý nghĩa lịch sử quan trọng”, chị Hải cho biết.

Tương truyền rằng, giếng Pó Ché chính là một phần cơ thể của công chúa Ngọc Hoa. Theo truyền thuyết dân gian, công chúa Ngọc Hoa là con gái của Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) được gả cho Sơn Tinh (Thánh Tản Viên - một trong bốn vị thần bất tử (Tứ bất tử) trong thần thoại Việt Nam). Cuộc hôn nhân này đã đưa tới một mối thù truyền kiếp giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh (thần nước cũng cầu hôn công chúa Ngọc Hoa). Sau khi thành hôn, thần núi Sơn Tinh đưa công chúa Ngọc Hoa về sinh sống tại vùng bản địa của mình (nay là vùng đất Ba Vì). Tuy nhiên hàng năm, Thủy Tinh đều dâng nước khiêu chiến nên Sơn Tinh đành phải dâng núi lên cao để chống lại Thủy Tinh. Đây là truyền thuyết thể hiện ước muốn chinh phục tự nhiên của con người cũng như để lý giải về vùng đất Ba Vì rộng lớn với nhiều ngọn núi cao kỳ vĩ, hùng tráng.

Điều đặc biệt nhất về giếng Pó Ché là giếng luôn luôn có nước. Dù mùa mưa hay mùa khô, dù những năm hạn hán nước giếng của người dân trong làng đều cạn khô hay nước sông hồ quanh vùng đều trơ đáy thì giếng Pó Ché vẫn có một nguồn nước róc rách chảy ra trong vắt, ngọt lành đến kỳ lạ.

Lâu dần người dân còn truyền tai nhau về tác dụng chữa bệnh của nước giếng linh thiêng. Họ cho rằng uống nước giếng trong mát nơi đây cho cảm giác sáng khoái, dễ chịu, người uống không chỉ mạnh khỏe, chống được bệnh tật mà còn gặp may mắn trong cuộc sống.

Hôm chúng tôi đến tìm hiểu đã gặp chị Trần Huyền Minh (Gia Lâm, Hà Nội) đang hành lễ tại giếng Pó Ché, chị cho biết: “Tôi có người quen ở đây giới thiệu giếng Pó Ché rất linh thiêng, cầu được ước thấy nên tôi tìm lên thăm cũng như xin ít nước giếng để cầu con. Vợ chồng tôi đã lấy nhau 5 năm nhưng chưa có con, chạy chữa khắp nơi mà không có kết quả. Nghe nói phụ nữ khi uống nước giếng này sẽ có hiệu nghiệm”.

Xã hội - Kỳ bí giếng thiêng ở Ba vì (Hình 2).

Giếng Pó Ché quanh năm nước chảy trong vắt và ẩn chứa những quan niệm tâm linh.

Tương truyền qua lời lý giải tâm linh: Địa thế của rồng thiêng?

Sự linh thiêng của giếng Pó Ché còn được biết đến qua những câu chuyện truyền miệng của người dân nơi đây. Chị Hải kể rằng: “Những ai đến thành tâm thắp hương xin nước giếng uống thì về sẽ gặp may mắn còn những người tới giếng mà buông lời tục tĩu hoặc làm việc bậy bạ ở giếng thì sẽ bị trừng phạt. Trước đây có người đàn ông trong làng cởi hết quần áo vào múc nước giếng tắm, khi về thì bị ngứa ngáy khắp người, da nổi những nốt lạ chạy chữa khắp nơi mà không khỏi phải tới khi làm lễ cầu khấn, tạ lỗi tại miếu thờ giếng thì mới đỡ(?).

Người làng cho rằng ông này đã bị thánh mẫu phạt vì dám làm việc thô tục ở chốn thần linh. Khu vực xung quanh “giếng âm hộ” cũng được cho là vùng đất thiêng, những người sống trong khu vực này đều rất khó ở. Trước đây cũng có một gia đình làm nhà sinh sống trong mảnh đất có giếng và sử dụng nguồn nước giếng để ăn uống. Tuy nhiên, khi sống ở đây họ luôn cảm thấy lo sợ, không làm được việc gì thành công. Và sau một lần thấy cặp rắn thần xuất hiện thì họ sợ quá không dám ở lại đây nữa”.

Theo các nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về vùng đất Ba Vì thì nơi đây chủ yếu là đá núi lửa trong thời kỳ permi cách đây hàng trăm triệu năm. Đá này là sản phẩm của hoạt động núi lửa, trong đó có cả đá mắc-ma tạo thành. Ngay khu vực “giếng âm hộ” cũng có “bom núi lửa” rất hiếm có ở miền Bắc. Đó là những mảnh đá vụn cắm xuống khi núi lửa hoạt động và nổ tung lên. Hiện nay, quanh miệng giếng âm hộ vẫn còn rất nhiều di tích bom núi lửa. Các thầy địa lý thì cho rằng làng Nghe nằm trên thế một con rồng rất linh thiêng, dân làng vong thịnh cũng là do những thế oằn mình của con rồng ấy. Nên những vị trí nào mà rồng thần vẫy mình thì những vùng đất đó sẽ gặp rắc rối, điều không may như thể chạm long mạch(?).

Nhìn chếch về phía đông chính diện của đỉnh Ngọc Hoa, sau làn mây trời mờ ảo, hình ảnh bộ ngực khổng lồ của thiếu nữ dần được hiện ra thêm rõ ràng, tròn trịa. Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn liên tưởng hình ảnh giếng thần Pó Ché với bộ ngực của thiếu nữ trên núi Ba Vì có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tổng thể các linh vật nơi đây kết hợp trùng khít theo thuyết Âm- Dương Ngũ hành, tất cả làm nên vẻ đẹp địa mạo sơn văn mà ít nơi nào có được. Lý giải về sự xuất hiện lỳ lạ của ngọn núi bộ ngực này, người dân địa phương không chỉ xem nó là một cảnh quan tuyệt mỹ mà còn là truyền thuyết gắn liền với thăng trầm lịch sử thuở hồng hoang dựng nước của dân tộc.

Theo thuật Phong thủy, vị trí trong vũ trụ ảnh hưởng đến địa linh. Và tương truyền rằng, vùng đất này chính là khởi nguyên của Phái Đạo giáo Thần Tiên ở Việt Nam, thờ ông Tổ giáo phái là Chử Đồng Tử và nhiều Tiên Thánh khác như thần Tản Viên (tức Sơn Tinh), và có những câu chuyện về sự tích các đạo sĩ hoặc người thường tu thành tiên, có nhiều phép lạ. Chính vì thế, mảnh đất này là nơi quy tụ nhiều điều kỳ bí, mà nếu thử đi theo sự dẫn dắt của truyền thuyết, ta sẽ thấy sự tiếp nối rất lô - gic và hiện thực.

Từ câu chuyện, vị thế, những giai thoại xung quanh cái giếng cổ Phó Ché và ngọn núi kỳ lạ này đã khiến người ta tâm linh rằng, đó chính là một phần lịch sử có thật của huyền thoại. Và đối với người dân Ba Vì, đây là những tài sản thiên nhiên vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho họ. Giếng Pó ché với dòng nước ngầm vô tận, chảy miết quanh năm giúp cho người dân vượt qua từng cơn hạn hán, đảm bảo nguồn nước ăn uống và sinh hoạt cho cả dân làng. Còn ngọn núi bộ ngực căng tràn đầy sức sống chở che cho người dân mỗi khi thiên tai hoạn nạn.

Đinh Nhung - Bảo Hằng


Tag: âm hộ