Tại Morocco, có một vùng đất duy trì tục lệ "đi tìm vợ" vô cùng độc đáo, đó là ngôi làng mang tên Aimo Mitchell. Nơi đây có rất nhiều người Berber sinh sống. Mỗi năm, hàng trăm người Berber sẽ tập trung vào một phiên chợ để tìm chồng, tìm vợ. Đây là nét văn hóa truyền thống có từ xa xưa và đến nay nó đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch.
Phiên chợ đặc biệt
Theo tờ WSJ, cư dân Berber đã sống ở khu vực này khoảng 4000 năm. Khi người Ả Rập xâm lược vào thế kỷ 17, một số bộ lạc đã chiến đấu ác liệt và di chuyển về vùng núi sinh sống. Hàu hết, người Berber tham gia phiên chợ hẹn hò Imilchil là những du mục đến từ ba bộ lạc địa phương. Có người đến trao đổi hàng hóa và những người khác thì đến để tìm kiếm tình yêu.
Con đường đến với phiên chợ Imilchil khá nguy hiểm với đường đi gập ghềnh, khúc khuỷu. Tờ WSJ đưa tin, phiên chợ này diễn ra vào 3 ngày cuối cùng của tháng 8 hàng năm. Có khoảng 5000 người du mục dựng lều trại trong một khu vực có diện tích bằng 3 sân bóng đá để biến thành khu chợ nhộn nhịp.
Phiên chợ là nơi để đàn ông Morocco chọn được người bạn đời
Phiên chợ hẹn hò này được cho là bắt nguồn từ một truyền thuyết cổ xưa. Theo đó, một cặp tình nhân trẻ tuổi muốn được chung sống bên nhau nhưng bị cha mẹ từ chối. Cặp đôi đã cùng nhau quyên sinh dưới hồ nước để được ở với nhau trọn đời. Sau bi kịch này, các bộ lạc quyết định để con cái tự chọn người bạn đời tại một lễ hội tổ chức mỗi năm một lần.
Trước đây, hầu hết các cuộc hôn nhân của người Berber chịu sự sắp xếp của gia đình. Hàng năm, những cô gái đến tuổi lấy chồng đều có thể tham gia vào những phiên chợ lễ hội này. Những thiếu nữ trong trắng sẽ theo cha mẹ ra chợ, đội khăn trùm đầu chỉ để hở đôi mắt. Các chàng trai thông qua ánh nhìn và giọng nói của cô gái để đưa ra sự lựa chọn, bày tỏ tình cảm với người mà mình thấy thích hợp.
Đối với những người phụ nữ góa chồng hoặc đã ly hôn thì phiên chợ của làng Aimo Mitchell sẽ là nơi để họ có cơ hội tìm cho mình một người đàn ông khác. Vì đã có kinh nghiệm sinh con và chăm sóc gia đình nên những người phụ nữ này hầu như rất dễ dàng tìm được một cuộc hôn nhân mới.
Những cô gái ăn mặc nổi bật chỉ để lộ đôi mắt tại "phiên chợ tình".
Phong tục cưới xin độc đáo
Bên cạnh phiên chợ cô dâu thì phong tục cưới xin của người Berber cũng là một nét văn hóa độc đáo thu hút nhiều du khách phương Tây. Trước khi cô dâu Berber ra cửa về nhà chồng sẽ được mẹ đẻ dùng nước ép từ hoa móng tay chấm lên hai chân, đó là một nghi lễ không thể thiếu. Vì người Berber tin rằng, sau khi làm như vậy thì có thể trừ được tà ma, tai họa.
Không chỉ vậy, mẹ cô dâu còn phải hôn lên đầu gối con gái mình. Sau khi nghi lễ này hoàn thành, cô dâu phải ở trong phòng một mình rồi mới cưỡi một con la về nhà chồng. Đi cùng cô dâu là một người phụ nữ có họ hàng với cô dâu. Khi nàng dâu mới tới nhà chồng, người này sẽ có nhiệm vụ bế cô dâu lên giường để hai chân không được chạm đất, nếu không, ma quỷ sẽ nhập vào người.
Trong hôn nhân của người Berber, người chồng đóng vai trò chủ đạo, trụ cột chính trong gia đình. Do đó, họ là chủ nhân của người vợ. Sau khi cô dâu vào nhà, tiệc rượu kết thúc, chú rể phải thề với trời đất sẽ bảo vệ người vợ mới của mình suốt đời ngay trong đêm tân hôn.
Một đám cưới tập thể ở Morocco
Tuy nhiên, thực tế là một bộ phận đàn ông tại đất nước này rất sợ vợ, thậm chí họ còn phải chịu đựng cảnh bị vợ "bạo hành". Được biết, một số bà vợ dùng "cái giường" làm “vũ khí” để áp bức chồng mình. Người vợ nhiều khi vô cớ "cấm vận chuyện chăn gối" với chồng nhằm buộc chồng phải đáp ứng một nhu cầu cụ thể nào đó.
Bác sĩ Mohammed Qotaybi - nhà nghiên cứu xã hội học của Đại học Rabat cho hay, eo hẹp kinh tế gia đình cũng là một áp lực đối với phụ nữ. Một số người này thường cáu gắt và có thể bạo hành chồng, đặc biệt với các ông chồng không thể làm trụ cột gia đinh về kinh tế, thậm chí thất nghiệp, để vợ phải làm việc nuôi mình.
Ngọc Linh