Số lượng báo hoa mai đang gia tăng ở Ấn Độ những năm gần đây. Báo cáo năm 2018 ước tính có khoảng 12.852 con.
Thực tế, động vật nguy hiểm như báo và con người gần như không thể hòa hợp. Xung đột và xâm lấn là điều khó tránh khỏi. Những con báo sẽ bị kẻ săn trộm giết chết để làm những chiếc áo khoác lông lộng lẫy. Các bộ phận khác của chúng cũng được bán giá rất cao ở chợ đen.
Một số con cũng bị dân làng giết. Đó là cách họ phản kháng khi nhìn những con gia súc mình nuôi bị ăn thịt. Hoặc đơn giản, con người chỉ không muốn loài báo tiến quá gần đến khu vực của mình.
Theo trang Oddity Central (Anh), Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số đông đúc nhất trên thế giới. Khi loài người đi khai hoang, xâm lấn đến những khu vực rừng núi chưa có người ở, xung đột giữa con người với những loài động vật nguy hiểm như báo là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, có một nơi mà con người và báo hoa mai đã chung sống hòa thuận, không một chút xung đột trong ít nhất một thế kỷ. Nơi này chính là Bera, một thị trấn cổ kính thuộc bang Rajasthan, Ấn Độ còn được biết đến với cái tên “vương quốc của loài báo”. Đây là nơi có mật độ báo hoa mai cao nhất trên hành tinh. Những ngọn đồi nhấp nhô, cánh đồng rộng lớn và hang động mát mẻ nơi đây đã tạo nên môi trường sống lý tưởng cho loài báo hoa mai. Chúng cũng thích nghi với sự hiện diện của con người, kiểm soát bản năng săn mồi để cùng chung sống với con người.
Theo báo cáo, có gần 100 con báo hoa mai đang sống trong và xung quanh Bera, nhưng không có vụ tấn công nào nhằm vào con người được báo cáo ở đây trong 100 năm qua.
Chỉ có duy nhất trường hợp một bé sơ sinh bị báo hoa vồ nhiều năm trước, nhưng ngay sau đó con báo đã bỏ lại đứa trẻ và chạy vào sâu trong rừng.
Thậm chí, ngay cả khi người dân địa phương bắt đầu tổ chức các cuộc đi săn báo trong khu vực cho khách du lịch, số lượng báo hoa mai tấn công vẫn ở con số không.
Theo những người dân địa phương, hầu hết trong số họ là thành viên của Rabari, một bộ lạc chăn cừu đã di cư đến Rajasthan từ Iran qua Afghanistan 1.000 năm trước. Điều này đã hình thành cho họ cách đối xử ôn hoà với các loài động vật hung dữ.
Bộ tộc Rabari rất tôn thờ thần Shiva của đạo Hindu và họ coi loài thú dữ như những vị thần hộ mệnh của mình, ngay cả khi những con thú này bắt vật nuôi của người dân trong làng.
“Khi báo hoa mai tấn công gia súc của bộ tộc Rabari, cộng đồng này sẽ không chống lại kẻ săn mồi. Họ tin rằng thần Shiva sẽ ban tặng nhiều gia súc hơn nữa và họ coi việc gia súc bị giết là lễ vật dâng lên thần linh”, Dilip Singh Deora - người đứng đầu Trại hoang dã Jawai, Bera nói với The National.
Đến Bera, du khách có thể bắt gặp hình ảnh những con báo nằm nghỉ trên mỏm đá hoặc di chuyển quanh các ngôi đền của người dân địa phương.
“Nhiều người bị sốc khi thấy chúng di chuyển tự do, thậm chí ở gần những vị linh mục đang làm lễ. Nhưng đây là cách cuộc sống diễn ra ở Bera”, anh Deora miêu tả.
Khi số lượng báo hoa mai lớn mạnh, chính quyền đã tổ chức các gói đi săn, tham quan ở Bera. Vì vậy, ngày càng nhiều nhà động vật học, nhà thám hiểm hoặc khách du lịch đến đây trong những năm qua nhưng loài báo này chưa từng tấn công ai.
Người Rabaris rất hoan nghênh các hoạt động du lịch vì nó cung cấp thêm nguồn thu nhập cho họ, bên cạnh việc trồng trọt và chăn cừu. Đàn ông địa phương được các tổ chức du lịch thuê làm người canh gác, thông báo về sự xuất hiện của loài báo. Số khác làm hướng dẫn viên, nhà tự nhiên học vì họ hiểu rõ khu vực.
“Những người phụ nữ ở nhà nấu món ăn truyền thống, quảng bá tới các khách du lịch. Nhiều người làm dọn phòng, đầu bếp tại các khách sạn, được trả lương xứng đáng”, anh Deora kể.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, thế hệ trẻ Rabaris dần tránh xa lối sống du mục. Nhiều người đã di cư đến các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Quốc Tiệp (theo Dân trí, Zing, báo Tin tức – TTXVN)