Kỳ thú chuyện ăn tết Trung thu ở xứ sở Kim Chi

Kỳ thú chuyện ăn tết Trung thu ở xứ sở Kim Chi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Cũng giống như Việt Nam, tết Trung thu có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người Hàn Quốc. Vào ngày này, chính phủ Hàn Quốc cho phép người dân được nghỉ 3 ngày để đón tết

Vào ngày này, người dân Hàn Quốc thực hiện các công việc quan trọng: Đi viếng mộ, cúng gia tiên, làm bánh, chơi những trò chơi dân gian...

Sự kiện - Kỳ thú chuyện ăn tết Trung thu ở xứ sở Kim Chi

Trò Gang Gang Sul Rae trong tết Trung thu của người Hàn Quốc

Tết liên quan đến mặt trăng

Cho đến tận thời điểm này, các nhà nghiên cứu của Hàn Quốc vẫn chưa tìm được khởi nguyên của tết Trung thu mà chỉ đoán định dưới góc độ dân tộc học. Theo đó, tết Trung thu là tết liên quan đến mặt trăng, tượng trưng cho mùa màng phong đăng nên họ lấy ngày Rằm tháng Tám làm ngày tết (trong một năm, mặt trăng ngày Rằm tháng Tám là đẹp nhất, tròn nhất...).

Theo sách "Tam Quốc sử ký", tết Trung thu bắt nguồn cuộc thi dệt sợi gai ở triều đại vua thứ ba của nước Tân La (Hàn Quốc ngày nay). Đó là vào năm 32 sau Công Nguyên, sau khi lên ngôi được 9 năm, vua Lý Nho chia phụ nữ trong kinh thành làm hai phe, do hai vương nữ chỉ huy thi dệt sợi gai từ ngày 16/7 - 15/8, sau đó xem kết quả bên nào làm được nhiều hơn sẽ thắng. Bên thua cuộc phải mời cỗ rượu bên thắng cuộc, sau đó mọi người cùng múa hát và chơi các trò chơi... phong tục này vẫn còn. Ở Tế Châu, vào ngày Rằm tháng Tám còn có tục trai gái tụ họp ca hát, nhảy múa và chơi trò kéo co...

Tuy nhiên, trong "Nhập Đường cầu pháp tuần hành ký" do một vị hòa thượng tên là Viên Nhân có ghi chép lại sinh hoạt của người Tân La ở vùng Sơn Đông, Trung Quốc. Theo đó, ở Tân La hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng Tám, mọi gia đình đều tổ chức cỗ bàn linh đình và thi hát múa. Vì đây là ngôi chùa của người Tân La nên những người xa quê hương hàng năm cũng đều tổ chức ăn Rằm tháng Tám để nhớ về Tổ quốc (phong tục này chỉ có ở Tân La).

Ở Hàn Quốc, nếu như ngày mồng một tết Nguyên đán, người ta mặc quần áo mới thì vào sáng ngày đầu tiên của tết Trung thu, họ cũng mặc quần áo mới. Sau khi mặc quần áo mới xong, người ta tổ chức lễ cúng gia tiên, tiếp đó mọi gia đình đi viếng và tảo mộ. Cho đến tận bây giờ, việc đi viếng mộ vào tết Trung thu vẫn là ngày quan trọng nhất đối với người Hàn Quốc.

Một vấn đề quan trọng không kém chính là bánh Trung thu. Khác với Việt Nam có bánh nướng, bánh dẻo, người Hàn Quốc làm bánh có dáng nửa vầng trăng (bán nguyệt) với kích thước nhỏ hơn đến mức có thể ăn một miếng. Bánh hình bán nguyệt này mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển để trở thành hình trăng trọn vẹn, đầy đủ. Bánh được làm bằng bột gạo, nhân bằng đậu xanh, đậu đen, hạt dẻ... Vào ngày mười bốn, tất cả các thành viên trong gia đình đều sum họp, cùng làm bánh Trung thu. Riêng các chàng trai, cô gái chưa lập gia đình đều cố gắng làm bánh sao cho đẹp vì họ tin rằng nếu họ làm bánh khéo sẽ lấy được người đẹp, người tốt nết...

Cũng trong ngày này, những người phụ nữ mang thai mà chưa rõ là con trai hay gái thì cho lá thông hoặc một chiếc kim nhỏ vào nhân bánh, sau khi hấp chín lấy ra ăn. Khi ăn, nếu cắn phải lỗ kim hoặc sống lá thì sinh con gái, nếu cắn vào mũi kim hoặc đầu lá thì sinh con trai...

Sự kiện - Kỳ thú chuyện ăn tết Trung thu ở xứ sở Kim Chi (Hình 2).

Một số hình ảnh về tết Trung thu ở Hàn Quốc

Và những trò chơi truyền thống

Với người dân Hàn Quốc, tết Trung thu không thể thiếu những trò chơi truyền thống. Đối với họ, việc chơi những trò chơi truyền thống này không chỉ để giải trí mà nó mang đậm ước mong về một cuộc sống may mắn, hạnh phúc...

Cứ vào Rằm tháng Tám, người dân Hàn Quốc lại tổ chức trò chơi cho bò ăn để trả ơn thánh thần đã giúp cho mùa màng bội thu, cũng như để ăn mừng mùa thu hoạch. Ở Kyung Ki Do (một tỉnh giáp với Seoul) trước khi chơi trò này những người tham gia phải làm hình nộm con bò bằng giấy truyền thống gọi là Hàn Chỉ.

Sau đó, họ quét lên hình nộm màu sơn nâu sẫm tượng trưng cho màu lông con bò. Tiếp đó hai người chui vào hình nộm, rồi một người nông dân dắt con bò đi quanh các nhà trong làng. Theo sau con bò là một đoàn nhạc công chơi các nhạc cụ truyền thống đi quanh làng xin ăn. Trò chơi này thể hiện niềm mong ước có một mùa màng bội thu. Cùng với đó là mục đích giải trí, vui chơi sau một ngày lao động căng thẳng, vất vả của người nông dân.

Trò Gang Gang Sul Rae là một trò chơi truyền thống, rất đặc trưng và phổ biến ở tỉnh Jeon La, vùng phía Tây Nam Hàn Quốc. Vào đêm Trung thu, phụ nữ sẽ trang điểm thật đẹp rồi tụ họp ở một địa điểm nhất định, sau đó nắm tay nhau đứng thành vòng tròn, hát một cách vui vẻ theo nhịp điệu bài hát dân ca truyền thống. Có thể nói đây là trò chơi rất phổ biến ở các địa phương vùng Tây Nam Bộ và đặc biệt là vùng giáp biển. Riêng về trò chơi này, có rất nhiều lý giải khác nhau.

Có ý kiến cho rằng trò chơi này do một vị tướng quân tên là Lee Sun Sin cùng nhân dân địa phương nơi ông lãnh đạo chiến đấu tạo ra với mục đích ghi lại kỷ niệm cuộc chiến lúc bấy giờ. Họ tổ chức trò chơi này vào tết Trung thu, vì đó là đêm trăng đẹp nhất... Cũng có ý kiến khác cho rằng nó vốn có từ thời cổ đại, vị tướng quân kia chỉ dùng trò chơi để phòng ngự và cảnh giác với quân Nhật trong thời chiến...

Có thể nói, tết Trung thu có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người dân Hàn Quốc. Ngay từ những năm cuối thập kỷ 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX, tết Trung thu đã có một vị trí vững chắc trên khắp các vùng lãnh thổ của Hàn Quốc. Tết này quan trọng đến mức Chính phủ Hàn Quốc cho phép người dân nghỉ lễ 3 ngày bởi đây được coi là ngày liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Vào những ngày này, những người đi làm ăn xa nhà, xa quê đều cố thu xếp về quê đông đủ để cúng gia tiên và thăm bố mẹ (người ta còn gọi là ngày thiên di dân tộc).

So với tết Trung thu ở Đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam, tết Trung thu của người Hàn Quốc vẫn phần nào giữ được dấu vết lễ tiến tân từ xa xưa. Trong khi đó, tết Trung thu của người Việt biến thành tết thiếu nhi. Tuy nhiên, đây cũng là một dịp tết rất quan trọng với người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ. Bởi trong ngày này, ngoài tổ chức vui chơi cho trẻ em, còn có các nghi lễ cúng gia tiên và các vị thần linh.

Ngày nay tết Trung thu biến thành ngày tết thiếu nhi có lẽ do bắt đầu từ tháng Tám, người ta bận rộn để chuẩn bị cho việc thu hoạch mùa màng nên không có thời gian dành cho việc vui chơi. Có lẽ vì thế, người lớn đã dành tết này lại cho trẻ con!?

Từ xa xưa, người Hàn Quốc đã biết tổ chức những nghi lễ và nghi thức dưới trăng rằm vì người cổ đại có quan niệm mặt trăng liên kết với nữ thần Đất (thần Địa Mẫu) mà nữ thần Đất lại liên quan trực tiếp đến mùa màng. Trong khoảng thời gian này, mùa màng đã thu hoạch xong, người nông dân bước vào thời kỳ nông nhàn, nghỉ ngơi, có thời gian để ngắm trăng... Đây cũng là thời kỳ họ tổ chức lễ tạ ơn thần thánh đã cho họ một mùa màng bội thu và tạ ơn tổ tiên đã phù hộ độ trì cho đời sống của họ được ấm no, hạnh phúc.

Theo GS.TS Lê Chí Quế, tết Trung thu của Việt Nam không phải của riêng thiếu nhi mà nó là của cả người lớn với các lễ nghi có từ xa xưa. Trong sách Thái bình Hoàn vũ ký có ghi rằng các thời Lý, Trần, Lê, đêm trung thu cả vua quan và nhân dân đều vui chơi. Ở thời Lý vào dịp này còn có tổ chức hội đèn Quảng chiếu (kéo quân) rất long trọng.

Hồng Mây