Kỷ tử hay còn được gọi là câu kỷ tử, củ khởi là một loại dược liệu được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Tác dụng của kỷ tử từ lâu đã được y học cổ truyền công nhận. Kỷ tử có công năng dưỡng huyết, dưỡng khí, hạ sốt, giảm ho, bổ thận, bổ gan.
Những năm gần đây, cùng với sự nâng cao nhận thức về sức khoẻ, nhiều người đã chủ động tìm đến các phương pháp chăm sóc thân thể. Kỷ tử được nhiều người sử dụng như một loại dược liệu giúp bồi bổ sức khoẻ, thậm chí còn được ca ngợi là siêu thực phẩm. Có người nói, thường xuyên sử dụng kỷ tử có thể giúp tăng chất lượng tinh trùng và giảm lượng đường trong máu, vậy điều này có đúng hay không? Nên sử dụng kỷ tử như thế nào để có thể phát huy tối đa công dụng của chúng?
Giá trị dinh dưỡng của kỷ tử
Kỷ tử (tên khoa học là Lycium barbarum) là một loại thực vật thuộc họ Solanaceae. Kỷ tử thường được thu hái khi quả đã chín chuyển sang màu đỏ cam rồi đem phơi khô để dễ bảo quản được lâu. Loại quả này rất giàu chất dinh dưỡng, chúng chứa nhiều khoáng chất chư niacin, axit ascorbic, sắt, kẽm, vitamin, chất xơ, chất chống oxy hoá,… Những chất này giúp ích rất nhiều cho sức khoẻ con người.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, cứ mỗi 120g kỷ tử có thể cung cấp 10% lượng protein mà cơ thể cần mỗi ngày. Ngoài ra, cacbohydrate trong loại quả này thuộc dạng carbon phức, điều đó giúp chúng có khả năng điều chỉnh đường huyết và ngăn ngừa nguy cơ mệt mỏi do phải tiêu thụ lượng lớn carbonhydrate.
Tác dụng của kỷ tử đối với sức khoẻ
Kỷ tử có giá trị y học rất cao, có tác dụng bổ huyết, dưỡng da, hạ sốt, giảm ho, dưỡng âm, bổ thận, tráng dương,… đặc biệt thích hợp cho những người gặp các vấn đề về gan, cao huyết áp hoặc mỡ máu. Thường xuyên sử dụng kỷ tử có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp phòng tránh nhiều loại bệnh tật và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của cơ thể.
Kỷ tử có thực sự làm tăng chất lượng tinh trùng?
Theo y học cổ truyền, kỷ tử có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường tinh khí, ngoài ra chúng cũng là một trong những vị thuốc quan trọng được dùng để điều trị vô sinh nam. Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã phát hiện ra rằng, trong kỷ tử có chứa polysaccharid, flavonoid và một số thành phần khác có thể cải thiện chất lượng tinh trùng và giúp chống oxy hoá.
Tuy nhiên, hàm lượng của những chất này trong mỗi quả kỷ tử rất ít, bởi vậy nếu chỉ bổ sung qua đường ăn uống thì rất khó có thể cải thiện chất lượng tinh trùng. Do đó, những người gặp vấn đề về phương diện này vẫn cần tham khảo và làm theo lời khuyên của bác sĩ chứ không nên tự ý ăn kỷ tử một cách vô tội vạ.
Kỷ tử có giúp làm giảm lượng đường trong máu?
Trong kỷ tử có chứa polysaccharide, là một chất có tác dụng giúp hạ đường huyết. Tuy nhiên, hàm lượng polysaccharide trong kỷ tử lại rất thấp, phải ăn một số lượng rất lớn loại quả này thì mới có tác dụng hạ đường huyết. Vậy nhưng kỷ tử lại là loại thực phẩm có hàm lượng đường tương đối cao, trung bình 100g kỷ tử có chứa tới 19g đường.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tiêu thụ một lượng lớn kỷ tử là một điều không hề tốt cho sức khoẻ. Điều này không những không làm giảm lượng đường trong máu mà còn khiến cơ thể nạp vào nhiều đường hơn. Ngoài ra, thường xuyên ăn một lượng lớn kỷ tử cũng khiến trong người dễ nóng giận. Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ trung bình 15g kỷ tử.
Sử dụng kỷ tử như thế nào để tốt nhất cho sức khoẻ?
Có rất nhiều cách để chế biến kỷ tử như ngâm nước uống, nấu canh, ngâm rượu hoặc ăn trực tiếp kỷ tử đã được phơi khô. Tuỳ theo thói quen sinh hoạt, ăn uống mà mỗi người sẽ có cách sử dụng kỷ tử riêng. Tuy nhiên, ăn trực tiếp kỷ tử sẽ đem đến hiệu quả tốt hơn cho người dùng. Lý do là bởi các chất dinh dưỡng có trong kỷ tử sẽ không bị phá huỷ hoặc mất đi trong quá trình ngâm hoặc đun nấu, từ đó giúp cơ thể hấp thụ được triệt để các chất này.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng kỷ tử
Mặc dù không đem đến hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện chất lượng tinh trùng hay làm hạ đường huyết, nhưng kỷ tử vẫn có rất nhiều tác dụng khác như giúp cải thiện thị lực, dưỡng huyết, dưỡng da, hạ sốt, giảm ho, bổ thận tráng dương, chống lão hoá,…
Nếu thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, bạn có thể ăn kỷ tử như một phương pháp điều trị bổ trợ để giảm mỏi mắt. Hàm lượng sắt cao trong kỷ tử có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu rất tốt. Bên cạnh đó, các chất dinh dưỡng khác trong kỷ tử cũng giúp làm chậm quá trình lão hoá, kéo dài tuổi thọ. Thường xuyên ăn loại dược liệu này không chỉ có thể bổ sung các khoáng chất và nguyên tố vi lượng cho cơ thể mà còn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ và tăng cường hệ miễn dịch. Dùng kết hợp kỷ tử với một số loại dược liệu khác như hoa cúc hay kim ngân hoa, chà là, táo đỏ cũng giúp tăng cường dược tính, rất có lợi cho sức khoẻ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn kỷ tử. Những người bị viêm họng, tỳ vị hư nhược, tiêu chảy không nên sử dụng kỷ tử bởi chúng có thể khiến bệnh nặng thêm. Ngoài ra, phụ nữ mang thai được khuyến cáo tuyệt đối không được ăn quả kỷ tử bởi chúng có thể gây sảy thai. Loại quả này cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng tiết sữa của phụ nữ đang cho con bú.
L.A (Theo Toutiao)