Tham dự hội nghị, về phía Hội Luật gia Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam.
Về phía tỉnh Hải Dương, có đồng chí Đoàn Quang Định – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành và đông đảo cán bộ, hội viên Hội Luật gia tỉnh.
Hội nghị nằm trong Chương trình công tác năm 2023, nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam đồng thời góp phần thiết thực, hiệu quả vào công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, xây dựng môi trường sống trong sạch, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Quyền - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta và trên toàn thế giới đang ở mức báo động và trở thành vấn đề nhức nhối.
Những năm gần đây, theo quy mô của nền kinh tế, dân số, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách, phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên toàn quốc hiện đang có rất nhiều các khu công nghiệp được xây dựng để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Một số khu công nghiệp lại chưa được đầu tư đúng cách, hậu quả làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xả thải của chúng.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc phun lượng lớn các hóa chất vào các loại cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi tiêu dùng sản phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết. Ngoài ra, rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng cũng đang là vấn đề trong những năm gần đây…
Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này, ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những chính sách lớn, mang tính sống còn của đất nước, vì vậy trong thời gian qua Bộ Chính trị cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để định hướng cho vấn đề này.
Trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo trên, trong thời gian qua, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn đã liên tục được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng được với tính cấp bách trong lĩnh vực này. Đồng thời, từ năm 2003 đến nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
Trong đó, các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường.v.v. được đưa lên hàng đầu trong số các giải pháp tổng thể đã đề ra.
Nhấn mạnh Hội Luật gia Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, khẳng định vị thế, vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt khi mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
“Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cùng hệ thống tổ chức Hội ở 63 tỉnh, thành phố từ Trung ương cho đến cấp cơ sở, Hội Luật gia Việt Nam mong muốn đóng góp một phần công sức của mình nhằm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường vào cuộc sống”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 5/10/2018, Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp về phối hợp công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023.
Trên cơ sở đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho Hội Luật gia Việt Nam nhiệm vụ “Tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp”.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết thời gian qua tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang có chiều hướng phức tạp, do đó việc tăng cường sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong tổ chức chỉ đạo, phối hợp liên ngành trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp thiết, trong đó Hội Luật gia tỉnh cần đóng vai trò chủ động, tích cực nhất là trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Hội Luật gia tỉnh Hải Dương có 12 tổ chức hội cấp huyện, 14 chi hội trực thuộc Hội Luật gia tỉnh và 312 chi hội cơ sở, trong đó có 223 chi hội luật gia tại các xã, phường, thị trấn với tổng số 4.657 hội viên. Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền kỳ vọng đây sẽ là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong công tác nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng của tỉnh Hải Dương.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tham dự tập huấn đã lắng nghe 4 chuyên đề do 2 báo cáo viên trình bày, bao gồm:
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Chính sách, pháp luật về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; Vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường do ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam trình bày.
Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu vực sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ và thực tiễn thi hành tại tỉnh Hải Dương; Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu vực sản xuất nông nghiệp và thực tiễn thi hành tại tỉnh Hải Dương do Ths. Nguyễn Văn Quang – Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương trình bày.