Người ta thấy rõ sự lo lắng của Israel khi có thông tin rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu không được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden liên lạc trong những ngày đầu sau lễ nhậm chức của ông. Trong khi người ta đang xem xét nhiều quyết định của ông Biden, bao gồm cả việc Washington thiếu nhiệt tình quay trở lại “tiến trình hòa bình”, Nga lại gây nhiều chú ý khi thể hiện rõ vai trò là một quốc gia có thể mang tới nhiều giải pháp thay thế khả dĩ cho Mỹ. Và sứ mệnh này được thể hiện qua việc tổ chức đối thoại Palestine và trò chuyện với các nhà lãnh đạo của các nhóm chính trị Palestine .
Một sự thay đổi chính trị dường như đang diễn ra trên cả hai mặt trận: Mỹ rời xa khu vực và Nga quay trở lại khu vực này. Nếu xu hướng này tiếp tục, một sự thay đổi mô hình lớn sẽ xảy ra.
Người Israel thực sự lo lắng về khả năng mất đi sự hỗ trợ vô điều kiện của các nhà hảo tâm Mỹ. “Có 195 quốc gia trên thế giới… ông Biden chưa thể nào điện đàm tới lãnh đạo của 188 quốc gia trong số đó”, tác giả Herb Keinon viết trên tờ Jerusalem Post vào ngày 2 tháng 2. “Tuy nhiên, ở Israel, mọi người rất băn khoăn về việc tân Tổng thống Mỹ chưa gọi điện”.
Nhưng mối quan tâm này là chính đáng, vì Israel được coi là đồng minh lớn nhất của Washington trong nhiều năm, cả ở Trung Đông và toàn cầu.
Không rõ liệu việc ông Netanyahu chưa nhận được cuộc điện đàm của tân Tổng thống Mỹ trong những ngày đầu ông Biden nắm quyền có phải là một dấu hiệu cho thấy Israel không còn là ưu tiên của Mỹ. Liệu đây có phải là một thông điệp cảnh báo đối với ông Netanyahu, người đã nhiều năm ủng hộ chính quyền Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump?
Vì những tính toán sai lầm trong chính sách đối ngoại của ông Netanyahu, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel, trong những năm gần đây, đã trở thành một vấn đề được bàn luận nhiều trong các đảng phái trong chính trường Mỹ. Trong khi đa số đảng viên Cộng hòa ủng hộ Israel, chỉ có một số ít đảng viên đảng Dân chủ đi ngược lại quan điểm này.
Dù đúng là các quyết định của ông Netanyahu trong những năm gần đây khiến ông có vị thế đặc biệt trong hàng ngũ đảng Cộng hòa và bởi thế ông lại không được lòng nhiều đảng viên đảng Dân chủ. Dẫu sao, Mỹ dường như đang nghiêng về xu thế rút khỏi Trung Đông.
Tuy nhiên, không chỉ có Washington đang chuyển trọng tâm địa chiến lược của mình. Nga cũng đang tiến hành tái cơ cấu các ưu tiên chính sách đối ngoại của mình. Trong khi Washington đang rút lui khỏi Trung Đông, Moscow đang củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực này. Sự thay đổi của Matxcơva bắt đầu với sự can dự có tính toán của họ vào cuộc xung đột Syria từ năm 2015. Hiện Moscow đang xây dựng cho mình vị thế là một đối tác chính trị và một nhà hòa giải cân bằng hơn giữa Israel và Palestine.
Khi Moscow lần đầu biến lợi ích chiến lược của mình ở Syria thành thành tựu về chính trị trong toàn khu vực, tiến trình hòa bình do Mỹ bảo trợ ở khu vực lại đi vào ngõ cụt. Điều này tạo cơ hội cho Nga phát triển ý tưởng về các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine do Moscow bảo trợ. Nga bởi vậy rõ ràng “vượt mặt” Mỹ về vị thế.
Người Palestine dường như đã tìm thấy ở Moscow một môi trường thân thiện và quan trọng là một cường quốc quốc tế có thể mang đến sự cân bằng trong tình thế Mỹ ủng hộ quá đà với Israel.
Sự tín nhiệm của Nga đối với các nhóm người Palestine ngày một tăng cường.
Giờ đây, Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ từ rút lui khỏi cam kết trước đây đối với tiến trình hòa bình - và toàn khu vực. Như thường lệ, bất kỳ sự rút lui nào của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc mở ra tiềm năng cho Nga, nước hiện đang nổi lên với vai trò trung gian hòa bình. Đây là một sự thay đổi địa chấn mà nhiều người Palestine đang chào đón.