Lãi suất liên ngân hàng thiết lập mặt bằng cao mới

Lãi suất liên ngân hàng thiết lập mặt bằng cao mới

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 4, 23/03/2022 07:00

Mặc dù vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 nhưng lãi suất liên ngân hàng đã cao hơn 2 năm 2020-2021.

Lãi suất liên ngân hàng thiết lập mặt bằng mới

Theo Nhịp sống Kinh tế, từ ngày 11/3 đến 17/3/2022, lãi suất liên ngân hàng (LSLNH) các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến tăng trở lại, lần lượt ở mức 0,08%; 0,07% và 0,43% lên 2,19%; 2,22% và 2,74%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng thời gian qua đã thiết lập một mặt bằng mới, mặc dù vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 nhưng đã cao hơn 2 năm 2020-2021. Theo đó, LSLNH trung bình từ đầu năm tới nay của các kỳ hạn đêm, 1 tuần và 2 tuần hiện lần lượt ở mức 2,12%; 2,26% và 2,43%/năm, so với mức quanh và dưới 1% trong 2 năm 2020-2021.

Theo Thanh Niên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mặt bằng lãi suất (LS) và doanh số cho vay trên thị trường liên ngân hàng (NH) liên tục duy trì ở mức khá cao.

Áp lực thanh khoản mùa cao điểm tết đã qua, cùng diễn biến tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ, thế nhưng mặt bằng LS tiết kiệm NH vẫn duy trì ở mức cao. So với đầu năm, lãi suất huy động của các NH hiện nay tăng từ 0,1 - 0,2%/năm. Mức cao nhất trên thị trường lên 7,6%/năm thuộc về SCB với kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên nhà băng này đưa ra yêu cầu số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Cùng kỳ hạn 13 tháng nhưng hình thức gửi tiết kiệm online (không quy định điều kiện về số tiền gửi), SCB trả cho khách cũng đã ở mức 7,25%/năm. LS online ở mức cao nhất từ 18 tháng trở lên cũng ở 7,35%/năm. Một số nhà băng khác huy động tiền đồng với mức LS từ 7%/năm trở lên như ACB là 7,1%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên; Techcombank áp dụng lãi suất 7,1%/năm đối với khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 12 tháng; MSB gửi từ 500 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 7%/năm... Trong khi đó, nhóm 4 NH thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) có LS huy động cao nhất cũng chỉ ở mức 5,5 - 5,6%/năm.

Theo Công ty chứng khoán SSI, LS huy động dành cho doanh nghiệp cũng đã nhích lên tại một số NH lớn với mức tăng 0,2% ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Đáng chú ý, tăng trưởng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đã chứng kiến tốc độ tích cực với mức tăng 15,7% so với cùng kỳ trong khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ dân cư ở mức thấp, chỉ đạt 3,1% (từ mức trung bình khoảng 10,8% trước dịch Covid-19). 

Tài chính - Ngân hàng - Lãi suất liên ngân hàng thiết lập mặt bằng cao mới

Lãi suất liên ngân hàng thời gian qua đã thiết lập một mặt bằng mới. Ảnh minh họa từ internet 

Theo Zing, kết quả điều tra xu hướng tín dụng của NHNN cho thấy, các nhà băng ước tính tín dụng sẽ tăng 5,3% trong quý I năm nay và tăng 14,1% trong cả năm 2022. Thực tế, số liệu từ NHNN cho biết tính đến ngày 10/3, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3,11%, cao hơn 2 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái và 0,6 điểm % so với mức tăng trưởng ghi nhận vào ngày 25/2. Tính từ đầu năm, đã có khoảng 325.000 tỷ đồng được các ngân hàng bơm ra thị trường thông qua kênh cho vay.

Theo các chuyên gia, sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng trong giai đoạn đầu năm nay phản ánh nhu cầu tín dụng tăng dần của doanh nghiệp sau khi bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh. Ngoài ra, tín dụng cũng được hỗ trợ nhờ dòng vốn rẻ của hệ thống ngân hàng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi. 

Bài toán lợi nhuận

Chia sẻ trên Thanh Niên, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, cho biết thị trường liên NH và thị trường mở khá sôi động cho thấy thanh khoản của các NH không còn dồi dào như trước. Với việc duy trì LSLNH cao kéo dài trong thời gian tới sẽ tác động đến lãi suất huy động vốn ở khu vực dân cư. Trong khi đó, mặt bằng LS theo đánh giá của ông Huân hiện đã là đáy và khó giảm nữa, khi tình hình lạm phát có xu hướng gia tăng. Lạm phát ở một số nước như Mỹ đã lên mức cao nhất trong vòng 40 năm.

Vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, khả năng NH trung ương châu Âu, NH Anh... cũng sẽ tăng LS trong thời gian tới nhằm đối phó tình hình lạm phát tăng cao. Mức tăng LS của các nước dự báo tăng khoảng 0,75%, nhưng Việt Nam khả năng sẽ không nhiều như vậy. Việt Nam hiện đang đối mặt với 2 vấn đề, đó là vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Khi LS huy động theo chiều hướng nhích lên, lãi vay cũng sẽ biến động tăng lên. Thế nên, thị trường đang chờ đợi gói tín dụng mà nhà nước sắp triển khai trong thời gian tới, hỗ trợ 2% LS sẽ phần nào bù đắp cho phần lãi vay tăng.

Áp lực giảm LS cho vay thời điểm hiện nay không hợp lý bởi khả năng dòng vốn sẽ chảy vào bất động sản. Điều quan trọng là làm sao cho dòng vốn được hanh thông, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận được vốn nhanh.

Với LS cho vay của các NH từ 6 - 9%/năm, trong khi lãi suất huy động khoảng 3 - 7%/năm, biên lợi nhuận (NIM) của các nhà băng ở mức trung bình 3,3%, dao động từ 2,7 - 5,5% tùy NH.

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, các NH có thể giảm bớt lợi nhuận để kéo lãi vay xuống.

Ngược lại, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng lại cho rằng LS giảm nữa thì rất khó cho cả huy động và cho vay. LS có giảm được hay không phụ thuộc vào việc bơm tiền từ nhà nước, điều này rất dễ gây ra sức ép lạm phát đến từ cung tiền nếu không kiểm soát tốt. Áp lực giảm LS cho vay thời điểm hiện nay không hợp lý bởi khả năng dòng vốn sẽ chảy vào bất động sản. Điều quan trọng là làm sao cho dòng vốn được hanh thông, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận được vốn nhanh.

Đào Vũ (Tổng hợp)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.