Lãi suất tiết kiệm biến động
Đầu tháng 7, một số ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm. Trong khi một số ngân hàng tiến hành tăng lãi suất huy động thì cũng có nhiều nhà băng giảm lãi suất huy động.
Trong đó, từ tháng 7, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Cụ thể, với kỳ hạn 1 tháng, lãi suất huy động tại nhà băng này tăng lên 3,1%/năm thay vì mức 2,9%/năm như trước. Với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất huy động tại Vietcombank tăng lên mức 3,4%/năm, trước là 3,2%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất huy động của ngân hàng này là 4%/năm thay vì mức 3,8%/năm như các. Các kỳ hạn 12 tháng, 18 và tháng 24 tháng, ngân hàng này vẫn giữ nguyên mức lãi suất như tháng trước.
Cùng chung xu hướng, lãi suất huy động tại ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) tiếp tục được điều chỉnh tăng tại nhiều kỳ hạn so với đầu tháng trước. Trong đó, lãi suất huy động ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng cùng tăng 0,1 điểm %; lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6-12 tháng tăng 0,2 điểm %; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tăng 0,1 điểm %; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng tăng 0,2 điểm %; các kỳ hạn từ 18-36 tháng tăng 0,1 điểm %.
Bên cạnh đó, cũng có một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động như Sacombank, VPBank.
Đầu tháng 7 này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn so với đầu tháng trước. Trong đó, các kỳ hạn từ 1-36 tháng có cùng mức giảm là 0,2 điểm %. Theo sự điều chỉnh này, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3%/năm; 3 tháng còn 3,4%/năm; 6 tháng còn 4,8%/năm, 12 tháng còn 5,5%/năm…
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), từ 3/7, lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn được điều chỉnh. Theo đó, một số ít kỳ hạn được giữ nguyên hoặc tăng lãi suất, nhưng đa số lãi suất tại các kỳ hạn được điều chỉnh giảm. Đơn cử, lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 1 tháng giảm 0,18 điểm % so với tháng trước. Với các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng, VPBank tiến hành giảm đồng loạt 0,2 điểm %. Còn lãi suất ở kỳ hạn 2 tháng áp dụng cho số tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên tăng 0,1 điểm % so với trước, còn lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 3 tháng áp dụng với số tiền trên 50 tỷ đồng tăng 0,05 điểm % so với tháng trước.
Gửi tiền vào ngân hàng nào lãi suất cao nhất?
Về bảng xếp hạng mức lãi suất cao nhất tháng 7/2021, ngân hàng OCB vẫn duy trì ở vị trí thứ 1 với lãi suất 8,2%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng và được dựa theo biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng.
Tiếp sau là ACB với mức 7,4%/năm. Ngân hàng này áp dụng cho các khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn được Techcombank ưu đãi mức lãi suất 7,1%/năm.
Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; MBBank và VietABank cùng 6,9%/năm… Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên.
Ở phía cuối của bảng xếp hạng là nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Trong đó BIDV, VietinBank, Agribank cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.
Riêng Vietcombank trong tháng 7 có động thái tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn gửi. Song mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này vẫn ghi nhận được ở mức 5,5%/năm. Đồng thời đây cũng đang là mức lãi suất huy động thấp nhất trong số 30 ngân hàng được khảo sát.
Han (t/h từ Vietnamnet, VnEconomy)