Nhiều nhà máy, công xưởng, xí nghiệp và cơ sở sản xuất đã xảy ra tình trạng gián đoạn hoặc ngừng hoạt động bởi nhiều nguyên nhân; trong đó, không chỉ do thiếu hụt nhân công lao động, mà còn vì bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất và đứt gãy kênh phân phối, tiêu thụ dẫn tới tồn kho, ứ đọng hàng hóa sản phẩm.
Để khắc phục tình trạng này và giải quyết nguy cơ khủng hoảng thừa, tỉnh Hải Dương tổ chức nhiều hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải Thanh Hà cấp tập như trong năm nay và đạt kết quả khả quan, ngoài mong đợi. Dù đối diện với những khó khăn về thị trường tiêu thụ do dịch COVID-19 bùng phát trở lại hồi cuối tháng 4/2021, xong ngay trong tháng 5, tỉnh Hải Dương cùng các ban, ngành chức năng tích cực triển khai ngay các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho mặt hàng này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương cho biết, đã có khoảng 10 doanh nghiệp đặt hàng thu mua vải trong vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, các nước thuộc Liên minh châu Âu… với số số lượng từ 300 - 500 tấn/doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chế biến nông sản cũng có kế hoạch mua từ 500 - 1.000 tấn vải VietGAP để làm vải cấp đông, thạch vải, giấm vải, nước ép hoa quả... Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, các đơn vị cung ứng nông sản lớn trong nước cũng cam kết đưa vải thiều Hải Dương nói chung, đặc biệt là vải Thanh Hà nói riêng vào các cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị với số lượng nhiều nhất có thể.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (bộ Công Thương) ghi nhận, trong bối cảnh dịch bệnh, ngoài kênh truyền thống, địa phương và ngành chức năng cũng đã đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Ngoài trái vải, một số mặt hàng nông sản khác của địa phương đã được giao dịch mua bán trực tuyến.
Cũng vì diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, gây cản trở và hạn chế các hoạt động lưu thông và gián đoạn chuỗi cung ứng ở hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh Cà Mau; nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất nuôi trồng thủy sản, khiến họ phải giảm quy mô hoạt động và công suất chế biến.
Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đã triển khai Kế hoạch hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông - thủy sản tỉnh Cà Mau nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra tiêu thụ các sản phẩm này trong điều kiện chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Song song đó, tỉnh hình thành và duy trì mạng lưới cung ứng hàng hóa nông sản thiết yếu giữa Cà Mau với các tỉnh, thành phố trong tương lai khi hoạt động giao thương đã trở lại bình thường.
Theo ông Ấn, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021, trung tâm còn đưa nhiều mặt hàng, sản phẩm của Cà Mau lên các sàn thương mại điện tử. Trung tâm còn hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận và kỹ thuật tác nghiệp cho chủ thể khi giao dịch mua-bán trên sàn điện tử; thống nhất cách thức đóng gói, bảo quản, giao – nhận và bán hàng để đảm bảo chất lượng và minh bạch hóa các thông tin sản phẩm.
Trung tâm cũng tham gia đàm phán với các đơn vị vận chuyển liên kết với các sàn thương mại điện tử để có chính sách hỗ trợ cước phí vận chuyển cho các cơ sở kinh doanh nông, thủy sản trong thời điểm áp dụng các biện pháp giãn cách do dịch bệnh. Cụ thể, như Shopee, Tiki, Lazada, Voso, Postmart.vn,… để tạo gian hàng chung cho nông, thủy sản Cà Mau; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận và tạo gian hàng riêng.
Do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, nhiều địa phương trên cả nước buộc lòng phải "giãn cách xã hội" gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp vì bị đứt gãy chuỗi cung ứng, phải ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động như ở các ngành chế biến, chế tạo hay cơ khí, điện tử...
Theo phản ánh của một số hiệp hội, ngành hàng, do yêu cầu phòng dịch nên nhiều địa phương đã hạn chế vận chuyển, lưu thông một số nguyên, vật liệu và mặt hàng không phải là “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” dẫn tới khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc sản xuất, cung cấp các hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng.
Trước tình hình này, rất nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” như các cơ sở chế biến thực phẩm từ các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định và thúc đẩy lưu thông; đồng thời, duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa trong cả nước.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh cho biết, cùng với những giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ hàng hóa sản phẩm; các doanh nghiệp cũng rất mong đợi sự hỗ trợ từ phía các nhà hoạch định chính sách. Bởi lẽ, trong cả mùa dịch vừa qua, rất ít doanh nghiệp thuộc ngành này được hỗ trợ khoanh nợ, dù ngành ngân hàng liên tiếp công bố nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Chi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc giãn nợ đối với tất cả các doanh nghiệp từ nay đến 4 hoặc 6 tháng tới, để các doanh nghiệp không phải trả các khoản nợ đến hạn. Đồng thời, giảm thiểu tối đa những văn bản, thủ tục chứng từ chứng minh, vì bản thân các doanh nghiệp nằm trong vùng dịch và đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 là điều hiển nhiên.
Có thể thấy, đợt tái bùng phát lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 đã thêm lần nữa "đánh đòn cân não" toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, không chỉ là tăng cường xúc tiến thương mại mà các giải pháp trợ vốn, giãn nợ, giảm thuế hay đơn giản hóa các thủ tục hành chính đều là những mong đợi chính đáng của số đông doanh nghiệp lúc này.
Theo TTXVN