Làm giả hộ khẩu, chứng minh thư để vay vốn ngân hàng: Từ con nợ một bước thành... "cao thủ"?!

Làm giả hộ khẩu, chứng minh thư để vay vốn ngân hàng: Từ con nợ một bước thành... "cao thủ"?!

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 7, 23/05/2020 15:49

Những thủ đoạn lừa đảo nhằm trục lợi bất chính từ các ngân hàng không phải là chuyện mới, thế nhưng sử dụng hồ sơ giả, chứng minh thư giả, thậm chí cả sổ hộ khẩu giả để vượt qua các hàng rào an ninh nghiêm ngặt của ngân hàng tưởng chừng chỉ là câu chuyện…lừa đảo trên phim!

Công an TP.Hà Nội vừa bóc gỡ 1 đường dây làm chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu giả để mở thẻ tín dụng, vay tín chấp tại các ngân hàng rồi rút tiền, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng. Đối tượng cầm đầu ổ nhóm tội phạm này là Phạm Thu Diệu (SN 1991, HKTT ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa). Diệu sử dụng tên giả là Phạm Ngọc Diệp khi thực hiện hành vi phạm tội.

Đầu mối đầu tiên các trinh sát nắm được là Đào Mỹ Linh (SN 1993, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), lúc đó đối tượng sử dụng tên giả là Lê Quỳnh Trang để làm thủ tục tín chấp, vay tiền của 1 ngân hàng trên địa bàn. Linh là đối tượng có một tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị xử phạt 30 tháng tù giam nhưng đang được tại ngoại do nuôi con nhỏ. Trong thời gian này, do Linh cần tiền tiêu xài, trong khi bản thân lại đang là con nợ xấu của các ngân hàng, không thể làm thủ tục vay vốn nên đối tượng nảy ý định làm giả giấy tờ; biến mình thành người khác để vay tiền.

Đa chiều - Làm giả hộ khẩu, chứng minh thư để vay vốn ngân hàng: Từ con nợ một bước thành... 'cao thủ'?!

Các đối tượng tại cơ quan công an

Thông qua 1 đối tượng ở Ninh Bình, Linh quen Diệu và đặt vấn đề làm giả các giấy tờ gồm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động ...; biến Linh thành người khác để làm thủ tục vay tín chấp tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Chiêu "tàng hình", “thay tên đổi họ” của Linh khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

Báo chí đưa tin, qua các mối quan hệ xã hội hoặc quen biết trên mạng xã hội, kẻ chủ mưu của đường dây này nhận làm giả giấy tờ cho nhiều người với mức giá 1,2 đến 2,5 triệu đồng với hồ sơ chứng minh thu nhập gồm xác nhận bảng lương và bảng sao kê; 30-50 triệu đồng cho 1 hộ khẩu và chứng minh nhân dân giả... đủ điều kiện vay được từ 600-700 triệu đồng. Sau đó, kẻ cầm đầu thỏa thuận tỷ lệ ăn chia với họ với mức 8-10 % trên tổng số tiền vay được của khách.

Điều đáng nói, với tên và địa chỉ giả như trên, các ngân hàng sẽ rất khó khăn trong việc xác định người vay tiền trong trường hợp phát sinh nợ xấu xảy ra. Các khoản vay trong trường hợp này cũng sẽ rất khó được thu hồi do không xác định được địa chỉ và tên tuổi cụ thể của khách hàng. 

Từ vụ việc “vô tiền khoáng hậu” trên, nhiều chuyên gia cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ðặc biệt, cùng với sự phát triển nhanh của các trang mạng xã hội, tình trạng nêu trên có xu hướng ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những giải pháp phòng ngừa kịp thời, hữu hiệu.

Trên thực tế, ngân hàng là ngành nghề hoạt động có điều kiện. Mọi nghiệp vụ đều thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, quy định nội bộ và văn bản luật liên quan. Tuy nhiên, quy trình dù chặt chẽ đến đâu cũng có lỗ hổng, khiến những đối tượng lừa đảo trục lợi. Đối tượng cầm đầu trong dây trên từng vay tiền bằng tín chấp nên biết rõ quy trình vay tiền của các ngân hàng cũng như những sơ hở trong công tác thẩm tra tài sản tại đây. Hơn nữa, vì chỉ tiêu, một số nhân viên làm tín dụng đã bỏ qua quy định về thẩm định tài sản của ngân hàng, đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Rõ ràng, nếu như những rủi ro về lỗ hổng công nghệ có thể “vá víu” bằng cách thay đổi, nâng cấp phần mềm thì rủi ro về con người khiến các nhà băng “đau đầu” hơn cả. Trong phần lớn các vụ việc, ngân hàng chỉ phát hiện thất thoát tiền khi thanh, kiểm tra theo định kỳ, hoặc khi khách hàng khiếu nại, tố cáo, mà ít khi nhận thấy lỗ hổng rò rỉ từ sự lơ là, thiếu trách nhiệm của một số khâu trong quy trình hoạt động.

Nhìn lại vụ việc trên, thiết nghĩ, để bịt các lỗ hổng trong hoạt động, các ngân hàng cần tăng cường sự kiểm soát chéo giữa các bộ phận, thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống, từ đó đảm bảo các quy định, quy trình được tuân thủ một cách nghiêm ngặt, giúp kịp thời ngăn chặn hậu quả và tránh thất thoát tài sản.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.