Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), lạm phát giá tiêu dùng tháng 8 ở Anh tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ từ mức cao nhất trong vòng 40 năm qua là 10,1% trong tháng 7.
Đây là mức giảm lạm phát đầu tiên ở Anh trong gần một năm qua. Tỉ lệ lạm phát ở Anh vẫn cao nhất trong nhóm các nước G7 vào tháng 8.
ONS cho biết, chi phí dịch vụ gia đình, giao thông, thực phẩm và đồ uống không cồn tăng lên là những nguyên nhân chính gây ra lạm phát.
Tỉ lệ lạm phát ở Anh giảm mạnh trong tháng 8 do giá xăng dầu giảm. Giá xăng giảm từ trung bình 1,90 bảng/lít vào tháng 7 xuống 1,75 bảng/lít trong tháng 8, làm tỉ lệ lạm phát trong lĩnh vực này giảm từ 43,7% xuống còn 32,1%.
Tuy nhiên, ở các hạng mục khác, tỉ lệ lạm phát vẫn tăng. Tỉ lệ lạm phát thực phẩm hàng năm đã tăng từ 12,8% lên 13,4% trong tháng 7, ONS cho biết. Trong tháng 8, giá dịch vụ cao hơn 5,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức 5,7% hồi tháng 7.
Theo ONS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Anh, bao gồm cả chi phí nhà ở của chủ sở hữu, đã tăng 8,6% trong 12 tháng tính đến tháng 8, giảm so với 8,8% trong tháng 7.
Lạm phát đã tăng vọt trên khắp châu Âu và Mỹ, chủ yếu do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ngân hàng Trung ương Anh dự báo, lạm phát ở Anh sẽ nhanh chóng tăng tốc lên 13% trong quý IV/2023 và sẽ duy trì ở mức rất cao trong suốt phần lớn năm 2023 trước khi giảm xuống mức mục tiêu 2% vào năm 2024.
Các nhà kinh tế dự kiến sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm khi Ủy ban Chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương Anh họp vào tuần tới. Lãi suất chính thức dự kiến sẽ tăng từ 1,75% hiện nay lên ít nhất 3% vào cuối năm.
Bà Liz Truss, Tân Thủ tướng Anh, hiện đang xem xét kế hoạch chi tới 150 tỷ bảng Anh để bảo vệ người tiêu dùng khỏi đợt tăng giá năng lượng ồ ạt vào tháng 10. Theo đó, hóa đơn tiền điện trung bình hàng năm của các hộ gia đình sẽ được “đóng băng” ở mức 2.500 bảng Anh thay vì tăng lên 3.549 bảng Anh.
Nguyễn Tuyết (Theo Politico, Financial Times)