Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) tháng 12/2021, không bao gồm thực phẩm tươi sống dễ biến động nhưng có bao gồm giá dầu, đã tăng 0,5% so với một năm trước đó, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 2 năm nhưng thấp hơn mức dự báo trung bình của thị trường là tăng 0,6%. Điều này cho thấy dấu hiệu đà tăng giá nhiên liệu thô và chi phí nhiên liệu đã đẩy lạm phát Nhật Bản lên cao hơn.
Theo hãng tin Reuters, sự gia tăng này không có khả năng sẽ thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sớm loại bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ. Nguyên nhân do lạm phát vẫn ở mức thấp hơn so với mục tiêu 2% và chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài chứ không phải do nhu cầu trong nước mạnh mẽ.
Nhật Bản đã không tránh khỏi “vòng xoáy” gia tăng lạm phát hàng hóa toàn cầu, với giá bán buôn tăng 8,5% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết giá bán buôn đã tăng 4,8% trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ khi ghi nhận dữ liệu so sánh này vào đầu những năm 1980.
Nguyên nhân do giá năng lượng tăng trong bối cảnh nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ cú sốc đại dịch Covid-19. Ngân hàng cho rằng việc đồng Yên suy yếu hơn đã làm tăng giá nhập khẩu, các công ty Nhật Bản đã buộc phải chuyển chi phí gia tăng cho người tiêu dùng, dẫn đến giá năng lượng và thực phẩm cao hơn.
Trong một báo cáo hôm thứ Tư (19/1), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể tăng nhanh hơn dự kiến nếu chi phí nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao và buộc nhiều công ty phải tăng giá.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, cho biết ngân hàng sẽ xem xét liệu mức lương có tăng đủ để tăng sức mua của các hộ gia đình hay không.
Nhật Bản đã đưa ra dự báo cho CPI lõi (không tính giá thực phẩm tươi) sẽ tăng 1,1% trong năm tài khóa 2022 (1/4/2022-31/3/2023), nâng thêm 0,2% từ mức dự báo trước đó.
Hà Thanh (Reuters, Xinhua)