Lạm phát vẫn cao, các nước phương Tây có thể tiếp tục tăng lãi suất

Lạm phát vẫn cao, các nước phương Tây có thể tiếp tục tăng lãi suất

Phan Văn Tìm

Phan Văn Tìm

Thứ 3, 07/03/2023 15:00

Tỉ lệ lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu đầu năm 2023 vẫn ở mức cao, dấy lên nghi ngờ về khả năng các ngân hàng trung ương những nước này sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Vào năm ngoái, Mỹ và châu Âu đã trải qua "cơn ác mộng” đối với nền kinh tế do lạm phát tăng vọt. Tưởng chừng câu chuyện lạm phát đã ở lại năm 2022, nhiều người kỳ vọng rằng "bóng đen” lạm phát đã kết thúc. Thế nhưng, vấn đề này hiện nay vẫn là "cơn đau đầu" đối với các nhà hoạch định chính sách tại các nền kinh tế ở phương Tây.

Tỉ lệ lạm phát nhìn chung vẫn ghi nhận mức suy giảm nhưng tốc độ chậm hơn rất nhiều so với các dự báo trước đó, chủ yếu do giá cả hàng hóa gia tăng. Điều này tiếp tục gây áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Tình hình lạm phát ở các nền kinh tế lớn của phương Tây

Theo hãng CNBC, đầu năm 2023, Mỹ đã chứng kiến lạm phát tăng trở lại khi giá nhà ở, khí đốt và nhiên liệu tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Bộ Lao động Mỹ trong tháng 1/2023 đã bất ngờ tăng 0.5% so với tháng trước và tăng 6.4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, lạm phát của Mỹ đã giảm từ mức cao nhất vào giữa năm 2022 là khoảng 7% xuống còn 4.7%.

Thế giới - Lạm phát vẫn cao, các nước phương Tây có thể tiếp tục tăng lãi suất

Lạm phát vẫn còn là tác nhân khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, tỉ lệ này lại tăng 0.6% so với tháng trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2022. Theo đó, các dữ liệu trong tháng 1 cho thấy lạm phát vẫn còn là một tác nhân khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach tại LPL Financial cảnh báo, lạm phát đang giảm bớt nhưng con đường giảm lạm phát có thể sẽ không suôn sẻ. Theo ông, Fed sẽ không đưa ra quyết định tăng lãi suất chỉ dựa trên một báo cáo lạm phát nhưng rõ ràng có những rủi ro đang gia tăng khiến lạm phát không thể hạ nhiệt nhanh chóng theo mong muốn của Fed.

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát có dấu hiệu chậm lại so với dự đoán trước đó. Theo tính toán ban đầu của cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU), chỉ số lạm phát ở khu vực này vẫn còn ở mức 8.5% trong tháng 2/2023, giảm nhẹ so với con số 8.6% của tháng trước. Dù vậy, chỉ số này vẫn cao hơn mức ước tính trung bình 8,3% trong một cuộc khảo sát của tờ Bloomberg với các chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, theo đài CNN, lạm phát ở một số nền kinh tế trong khu vực này lại tăng lên so với xu hướng chung. Tại Đức, đầu tàu kinh tế của EU, tỉ lệ lạm phát trong tháng 2 là 9.3%, tăng nhẹ so với mức 9.2% của tháng trước đó. Pháp cũng chứng kiến tỉ lệ lạm phát tăng từ 7% lên 7.2% và Tây Ban Nha là từ 5.9% lên 6.1%.

Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản tại Eurozone, trọng tâm chính hiện nay đối với các nhà hoạch định chính sách, đã tăng từ con số 5,3% lên 5,6%. Điều này làm tăng nguy cơ lạm phát có thể ăn sâu vào nền kinh tế khu vực, bất chấp các áp lực từ giá năng lượng đã giảm đi. Ngoài ra, điều này củng cố khả năng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, vốn đã đạt mức kỷ lục 10.6% vào tháng 10 năm ngoái.

Tại Anh, sau khi đạt đỉnh vào tháng 10 năm ngoái ở mức 11.1% thì tỉ lệ lạm phát của nước này có xu hướng giảm tốc và đạt mức 10.1% vào tháng 1/2023. Ông Andrew Bailey, Giám đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho biết, có những dấu hiệu dấu hiệu đầu tiên cho thấy lạm phát đã đảo chiều, song cảnh báo còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng vì áp lực lạm phát vẫn còn.

Thế giới - Lạm phát vẫn cao, các nước phương Tây có thể tiếp tục tăng lãi suất (Hình 2).

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có dấu hiệu chậm lại so với các dự báo. Ảnh: Reuters

Nguy cơ lãi suất sẽ còn tăng

Theo CNBC, tình hình lạm phát tại Mỹ trong tháng 1 cho thấy, những nỗ lực của Fed trong việc kiềm chế lạm phát vẫn chưa phát huy hiệu quả, bất chấp ngân hàng này đã tăng tổng cộng tám lần lãi suất cơ bản kể từ tháng 3/2022, thời điểm lạm phát của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 41 năm qua.

Giá cả tiêu dùng tăng cao hơn so với dự kiến và thị trường việc làm mạnh mẽ đã làm dấy lên lo ngại rằng, Fed có thể nâng lãi suất lên mức cao hơn so với dự báo trước đó nhằm kiểm soát lạm phát.

Chia sẻ với quan điểm trên, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, cũng nhận định kiềm chế lạm phát tiếp tục sẽ là mục tiêu của Fed, mặc dù ông cho rằng cơ quan này đang ít nhiều mất kiểm soát với lạm phát. Ông Dimon cũng kỳ vọng, lãi suất sẽ tiếp tục ở mức cao hơn trong thời gian dài vì Fed cần "một thời gian” để đạt được mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.

Nhiều quan chức, thậm chí giới lãnh đạo của Fed cũng đánh tiếng về khả năng trong cuộc họp sắp tới vào cuối tháng 3 này sẽ tiếp tục nâng lãi suất.

Điển hình, ngày 2/3, Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo Fed có thể phải nâng lãi suất lên mức cao hơn dự kiến nếu các "dữ liệu nóng” về lạm phát chưa hạ nhiệt. Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly hôm 4/3 nói rằng, lạm phạm gia tăng trong tháng 1/2023 cho thấy đà giảm lạm phát của Mỹ vẫn chưa ổn định, do đó để kéo lạm phát đi xuống thì việc kéo dài và thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ cần thiết.

Trong khi đó, công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường BofA Global Research cuối tháng rồi dự báo Fed có thể tăng lãi suất lên gần 6%, cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó. Trước đó, các quan chức Fed tuyên bố sẽ duy trì lãi suất trung bình ở mức 5.1% trong năm 2023.

Thế giới - Lạm phát vẫn cao, các nước phương Tây có thể tiếp tục tăng lãi suất (Hình 3).

Nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong phiên họp sắp tới. Ảnh: Reuters

Những lo ngại trên đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ vì kịch bản Fed tiếp tục nâng lãi suất sẽ tác động tới các nền kinh tế trên toàn cầu và đẩy các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đi theo lộ trình tương tự, đó là kéo dài chiến dịch tăng lãi suất cho hết năm nay, tờ Barron’s dẫn lời ông Roach.

Trong cuộc họp gần đây nhất, ECB ám chỉ rằng có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản nữa vào tháng 3, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát tăng vọt. Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để đưa lạm phát về con số 2%.

Sau 10 lần liên tiếp tăng lãi suất chuẩn từ cuối năm 2021 lên mức gần đây nhất là 4%, mức cao nhất kể từ năm 2008, BoE đã gửi tín hiệu rằng, tình thế có thể đang thay đổi. Trong thông báo đầu tháng 2 này, ngân hàng này khẳng định, sẽ chỉ tăng lãi suất nếu có bằng chứng về sức ép lạm phát tại Anh kéo dài hơn dự báo.

Vĩnh Khang (theo CNBC, Bloomberg, Barron’s, Reuters, CNN)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.