Hiện nay, chủ đề nợ xấu được rất nhiều người quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc vay tín chấp, vay thế chấp, thậm chí là mở thẻ tín dụng... tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Vậy nợ xấu là gì và ảnh hưởng ra sao đến bạn?
Nợ xấu là gì?
Nợ xấu là một khái niệm thuộc ngành tài chính – ngân hàng, được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Vượt 90 ngày quá hạn thanh toán, người vay sẽ được liệt kê vào nhóm khách hàng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Thời gian trả nợ càng chậm, càng dài thì nhóm nợ xấu càng cao, dẫn đến nhiều hệ quả đối với các giao dịch tín dụng về sau.
Phân loại các nhóm nợ xấu
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 02/2013/TT-NHNN, sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 09/2014/TT-NHNN, nợ xấu được hệ thống CIC phân theo 05 nhóm như sau:
- Nhóm 1 - Nợ đủ tiêu chuẩn: Nhóm nợ này bao gồm Nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn; và Nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi đã quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn.
- Nợ xấu Nhóm 2 - Nợ cần chú ý: Nợ nhóm 2 cần chú ý các khoản nợ gồm Nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày; và Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.
- Nợ xấu Nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn: Nhóm nợ này bao gồm các khoản nợ gồm Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai; và Nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.
- Nợ xấu Nhóm 4 - Nợ nghi ngờ: Nhóm nợ này bao gồm Nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.
- Nợ xấu Nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn: Nhóm nợ này gồm Nợ quá hạn trên 360 ngày; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn từ 30 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.
Căn cứ khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5, bởi khi thuộc ba nhóm nợ này, khả năng thu hồi vốn vay rất khó, thậm chí nợ nhóm 5 còn được liệt vào có khả năng mất vốn.
Dính nợ xấu thì có vay vốn được không?
Các thông tin về tình hình tín dụng sẽ được CIC cập nhật định kỳ hàng tháng. Khi ở nhóm nợ 1, khả năng trả nợ của khách hàng tốt nên sẽ dễ dàng được xét duyệt khi có nhu cầu vay tín dụng, thế chấp hoặc mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Các khách hàng thuộc nợ nhóm 2 sẽ được xóa bỏ lịch sử tín dụng nợ xấu sau 12 tháng tính từ ngày thanh toán hết nợ. Từ lúc này bạn đã có đủ điều kiện để tiếp tục vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, so với các trường hợp thông thường khác, khách hàng thuộc nhóm nợ 1 và 2 sẽ phải đáp ứng thêm các yêu cầu khắt khe hơn.
Đối với nhóm nợ 3, 4 và 5 sẽ được, các Ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ không thông qua bất cứ khoản vay nào trong vòng 5 năm. Cho đến khi các khoản dư nợ thuộc diện nợ xấu được thanh toán hết và người vay trải qua thời gian thử thách theo quy định (nợ nhóm 2 là 12 tháng, nợ xấu nhóm 3, 4, 5 là 5 năm) thì mới được phép vay tiếp. Ngoài ra, người thân chung sổ hộ khẩu với người vay thuộc diện nợ xấu cũng bị ảnh hưởng hoặc có thể không được vay tiền tùy theo quy định của từng ngân hàng.
Ngoài ra, khi bị nợ xấu ngân hàng, người vay sẽ bị tính phí phạt quá hạn rất cao. Lãi suất được tính dựa trên số tiền gốc, lãi quá hạn nhân với thời gian quá hạn thực tế và để càng lâu thì số tiền phạt càng tăng. Với những khoản vay có tài sản đảm bảo, người vay có khả năng mất luôn tài sản thế chấp nếu quá hạn trả nợ và lãi suất quá hạn dần tiệm cận với giá trin tài sản thế chấp.
Nhiều người khi dính nợ xấu thường tìm đến các dịch vụ xóa nợ xấu được quảng cáo trên mạng. Tuy nhiên, theo quy tắc các dịch vụ này không thể xóa được nợ xấu. Đây chỉ là chiêu thức lợi dụng tâm lý lo lắng của khách hàng để giở các chiêu trò lừa đảo nhằm trục lợi.
Làm sao để không dính nợ xấu ngân hàng?
Để tránh xảy ra tình trạng nợ xấu gây khó khăn cho việc vay vốn sau này, người vay cần tuân thủ đúng thời gian và số tiền cần trả định kỳ theo cam kết đã được thể hiện trong Hợp đồng tín dụng.
- Trước khi quyết định vay vốn, người vay cần tự đánh giá năng lực trả nợ của bản thân, đồng thời lên kế hoạch cụ thể cho lộ trình thanh toán các khoản vay bao gồm trường hợp có biến cố xảy ra.
- Cần hiểu rõ các điều khoản trả nợ được thể hiện trong hợp đồng tín dụng.
- Nghiêm túc tuân thủ việc trả nợ đúng hạn.
- Trong trường hợp bất khả kháng không thể trả nợ theo đúng cam kết, người vay cần liên hệ với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để tìm ra phương án trả nợ phù hợp nhất.
Thu Hà