Lăng kính chứng khoán 6/3: Tập trung nhóm phòng thủ, bảo vệ danh mục

Phạm Hồng Nhung

Phạm Hồng Nhung

Thứ 2, 06/03/2023 07:43

Nhà đầu tư nên tập trung vào những nhóm ngành được kỳ vọng và còn dư địa tăng trưởng, đặc biệt những doanh nghiệp có chỉ số tài chính tốt với mức đòn bẩy nợ thấp.

Thị trường tuần vừa qua tiếp tục điều chỉnh dù số liệu vĩ mô tháng 2 cho thấy lạm phát trong nước có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ số đo lường sức khoẻ ngành sản xuất (PMI) phục hồi trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau 3 tháng liên tiếp duy trì dưới ngưỡng này.

VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.024,8 điểm, giảm 1,4% so với tuần trước. Tương tự, HNX-Index kết tuần tại 204,9 điểm, giảm 1,2% so với tuần trước. UPCoM-Index đóng cửa tại 75,8 điểm, giảm 1,2% so với tuần trước.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 32,4% chỉ còn 8.739 tỷ đồng/phiên. Đà giảm của thị trường có sự đóng góp của khối ngoại với giá trị bán ròng trên sàn HoSE đạt 1.219 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại lại mua ròng trên HNX và UPCoM.

Theo chia sẻ về thị trường và hướng đi của dòng tiền trong thời gian tới, ông Trần Quý Dương, Giám Đốc chi nhánh quận 1, CTCK Phú Hưng và ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam đều chung quan điểm rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index vẫn có thể trở về vùng đáy cũ mới bật lên hồi phục hoàn toàn.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ sớm đảo chiều

Người Đưa Tin (NĐT): Những thông tin tiêu cực về doanh nghiệp chậm trả lãi trái phiếu hiện nay, cộng thêm đà rút ròng mạnh của khối ngoại đã khiến TTCK rơi vào trạng thái sụt giảm liên tục.

Với diễn biến hiện tại, theo ông, thị trường có khả năng rơi về vùng dưới 1.000 điểm hay không? Và việc bán ròng của khối ngoại đến bao giờ mới có thể hạ nhiệt?

Ông Trần Quý Dương: Có thể thấy rằng xu hướng của thị trường hiện tại vẫn chưa tốt bởi nhiều yếu tố và dòng tiền trên thị trường cũng có phần thận trọng hơn trong năm nay, theo tôi việc thị trường đánh mất vùng 1.000 điểm là có khả năng xảy ra nếu vẫn có nhiều thông tin bất lợi cho thị trường và các yếu tố chưa cải thiện tích cực hơn cho nền kinh tế năm 2023. 

Trong thời gian vừa qua có thể thấy vấn đề chậm trả lãi trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) liên tục được nhắc tới. Vấn đề này cho thấy các doanh nghiệp BĐS đang đối mặt với khó khăn về nguồn vốn rất rõ với việc tín dụng cho ngành BĐS đang được kiểm soát chặt chẽ và cũng là hệ quả của nhiều công ty sử dụng đòn bẩy cao trong các năm qua dẫn đến việc khó khăn về tài chính trong thời kỳ lãi suất tăng cao như hiện nay.

Điều này phần nào đã tác động đến tâm lý của thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt khi nhóm BĐS vẫn chiếm tỉ trọng vốn hoá khá cao (>20%), chỉ sau nhóm ngân hàng.

Sau giai đoạn mua ròng mạnh hàng tỷ USD trong các tháng trước, khối ngoại đã quay trở lại bán ròng và góp phần khiến thị trường đi xuống trong tháng 2. Đà bán ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh FED tiếp tục tăng lãi suất (thêm 0,25% vào đầu 2/2023) và đồng USD bật tăng mạnh trở lại.

Tuy nhiên về góc độ dài hạn, tôi đánh giá xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ sớm đảo chiều với việc TTCK Việt Nam vẫn đang ở mức định giá rẻ trong khu vực kèm tiềm năng tăng trưởng cao trong dài hạn.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 6/3: Tập trung nhóm phòng thủ, bảo vệ danh mục

Giao dịch khối ngoại trên 2 sàn HoSE và HNX trong tháng 1 và tháng 2/2023.

Ông Nguyễn Thế Minh: Thời gian vừa rồi chúng ta thấy rằng áp lực của những thông tin liên quan đến trái phiếu phần nào đó đã khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng trở lại, trong khi trước đó, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra rất hào hứng sau gói tín dụng của NHNN cho nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ còn tiếp diễn đến giai đoạn quý II/2023, đây chính là thời điểm căng thẳng nhất của đợt đáo hạn, chính vì thế mà tâm lý nhà đầu tư vẫn sẽ là bi quan đối với tình hình hiện nay.

Tuần vừa rồi, xu hướng ngắn hạn của TTCK đã trở nên tiêu cực hơn, tuy nhiên, trạng thái tiêu cực này không đến mức quá xấu, tôi cho rằng, khả năng cao thị trường sẽ có kịch bản xoay quay quanh mốc hiện tại trong tuần giao dịch tới. Thậm chí, những phiên đầu tuần có thể sẽ xuất hiện đà hồi phục, sau khi rất nhiều các cổ phiếu đã rơi về mặt kỹ thuật, tức là rơi vào trạng thái bị quá bán dẫn đến lực cầu sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, lực cầu này sẽ thể hiện ở sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, chứ không phải đồng loạt ở tất cả các cổ phiếu, riêng nhóm cổ phiếu BĐS diễn biến vẫn sẽ theo chiều hướng tiêu cực. Do đó, tôi cho rằng là trong tuần giao dịch tới, thị trường sẽ có khuynh hướng đi ngang, thanh khoản thấp và kèm theo sự phân hóa giữa các nhóm ngành.

Liệu có xuyên thủng mức 1.000 hay không theo tôi thấy còn phụ thuộc vào câu chuyện của tuần tới. Nếu áp lực giảm của thị trường không xuyên thủng mức 1.010 thì khả năng cao chỉ số VN-Index vẫn có thể giữ được mốc 1.000. Còn trong trường hợp tiêu cực hơn, xuyên thủng mức hỗ trợ mạnh này, khả năng cao vùng 1.000 cũng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể quay lại test vùng đáy trước là 880 điểm, sau đó mới có khả năng hồi.

Điểm tích cực của những phiên vừa rồi, khi VN-Index tới 1.030 điểm, thị trường phản ứng rất tốt với lực cầu nhập cuộc, do đó tôi cảm thấy hiện tại sẽ chưa xuất hiện khả năng thị trường giảm dưới mức 1.000 điểm.

Về đà bán ròng của khối ngoại, phần lớn khối ngoại sẽ diễn biến theo hai nhóm: nhóm các quỹ ETF và nhóm các quỹ chủ động. Đối với các quỹ ETF sẽ phụ thuộc vào thị trường, khi thị trường tích cực, nhóm này thường xu hướng mua ròng, và ngược lại sẽ có khuynh hướng bán ròng ra. Trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng khả năng cao nhóm này sẽ bán ròng nhiều hơn.

Còn đối với các quỹ chủ động, áp lực bán ròng tập trung chủ yếu ở nhóm BĐS. Theo tôi quan sát, áp lực bán ròng BĐS đang có khuynh hướng tăng lên và chưa hề có dấu hiệu giảm, bởi hiện nay xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực cho nhóm này hơn. Chính vì thế, trong ngắn hạn, động thái bán ròng của khối ngoại sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Việc kết thúc đà bán này còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Nếu thị trường có khuynh hướng tích cực trở lại, các quỹ ETF khả năng sẽ huy động ròng, còn ngược lại vẫn sẽ bán ròng, thậm chí không giao dịch. Còn đối với các quỹ chủ động, áp lực bán ròng lên nhóm BĐS sẽ chiếm tỉ trọng cao trong thời gian tới. Như vậy không loại trừ khả năng nhóm này vẫn sẽ duy trì đà bán ròng này cho đến thời điểm bước vào mùa cao điểm của đợt đáo hạn trái phiếu là quý II và đầu quý III/2023.

Thời kỳ tiền rẻ đã trôi qua

NĐT: Theo ông, đâu là những nhóm ngành vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt dù thị trường đã bước vào giai đoạn lãi suất tăng cao?

Ông Trần Quý Dương: Theo tôi thị trường vẫn sẽ kỳ vọng bởi một số nhóm ngành tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2023, đơn cử nhóm ngành đầu tư công, nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp.

Nguồn vốn giải ngân đầu tư công dự báo sẽ tăng 20-25% trong năm 2023, kèm mục tiêu phân bổ nguồn vốn giải ngân trên 700.000 tỷ đồng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm nay. Các doanh nghiệp thi công xây lắp hạ tầng cũng sẽ phần nào hưởng lợi hơn. 

Ông Nguyễn Thế Minh: Những nhóm ngành có thể giữ được đà tăng trưởng tốt trong thời điểm hiện tại, theo tôi phần lớn tập trung ở một số nhóm ngành có tính phòng thủ. Đầu tiên là nhóm dịch vụ dầu khí, trong năm 2023 nhóm dịch vụ dầu khí theo tôi đánh giá có thể xem là nhóm tăng trưởng tốt nhất.

Nhóm thứ hai là điện, nước, đối với nhóm này ít nhất có thể sẽ né tránh được những giai đoạn mà lãi suất tăng, lạm phát cao, đặc biệt trong môi trường lãi suất hiện nay đang ở mức rất cao, do đó đây cũng là một nhóm đáng kỳ vọng tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong năm 2023.

Ngoài ra, nhóm sản xuất thực phẩm có thể chú ý, mặc dù chịu ảnh hưởng từ lạm phát, lãi suất nhưng lạm phát cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhu cầu tiêu mặc dù chịu ảnh hưởng nhưng mức ảnh hưởng cũng chưa đáng kể. Do đó, nhóm ngành này, đặc biệt là những thực phẩm thiết yếu vẫn sẽ duy trì được mức tăng trưởng cao.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 6/3: Tập trung nhóm phòng thủ, bảo vệ danh mục (Hình 2).

Ông Trần Quý Dương, Giám Đốc chi nhánh quận 1, CTCK Phú Hưng.

NĐT: Nhà đầu tư nên hành động như thế nào, theo ông, lựa chọn theo nhóm ngành hay theo nhóm vốn hóa?

Ông Trần Quý Dương: Năm 2023 được đánh giá sẽ là một năm thử thách hơn về độ khó trong đầu tư khi mà thời kỳ tiền rẻ đã trôi qua và chúng ta phải thích nghi trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mặt bằng cao hơn, nhà đầu tư nên thận trọng và chọn lọc kỹ hơn với danh mục đầu tư của mình phù hợp với thị trường và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Theo tôi, nhà đầu tư nên tập trung vào những nhóm ngành và doanh nghiệp được kỳ vọng và còn dư địa tăng trưởng trong năm 2023, đặc biệt các doanh nghiệp có chỉ số tài chính tốt với mức đòn bẩy nợ thấp, tránh dàn trải đầu tư ở quá nhiều ngành nghề với triển vọng tăng trưởng không cao như các năm trước, đặc biệt là các nhóm ngành mang tính tăng trưởng theo chu kỳ. 

Ông Nguyễn Thế Minh: Đầu tiên, nhà đầu tư vẫn nên phòng thủ vào từng nhóm ngành mà tôi đã đề cập. Từ nay cho đến ít nhất là quý III là thời điểm đáo hạn trái phiếu, những rủi ro trong ngắn hạn và những rủi ro tiềm ẩn sẽ vẫn còn, tuy nhiên sẽ không tác động mạnh như năm 2022, ví dụ như Fed sẽ không còn động thái tăng mạnh lạm phát, nhưng điều này vẫn sẽ tác động đến thị trường.

Chính vì thế, tôi cho rằng mặc dù phòng thủ nhưng nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải hay mức thấp để phòng tránh những rủi ro, biến cố xảy ra.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.