Làng làm tượng biến thành

Làng làm tượng biến thành "làng ung thư"?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
“Thấy nhiều người chết, cả làng kéo nhau đi khám bệnh. Từ khi ở làng rộ lên tin đồn bị ung thư do khói bụi sản xuất tượng, bàn gây ung thư ai cũng hoang mang. Dân làm đơn kêu cứu nhiều lắm rồi", một người dân cho biết.

Hoạt động sản xuất của các hộ làm tượng đang là mối nguy hại lớn với môi trường sống của hơn 700 hộ dân làng Xuân La, xã Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Nội). Các chất độc hại từ việc sản xuất này thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, bầu không khí và bị nghi là nguyên nhân gây ra những cái chết bất thường của người dân nơi đây.

Xã hội - Làng làm tượng biến thành 'làng ung thư'?

Ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch xã Phượng Dực

Cả làng hoang mang lo sợ

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin về tình trạng số người chết vì bệnh ung thư ở làng Xuân La đã lên tới hàng chục trường hợp. Sự việc trở lên trầm trọng khi người ta còn đặt cho Xuân La cái tên: “Làng ung thư”, gây hoang mang cho dân cư nơi đây.

Tìm về Xuân La vào một buổi chiều hè trời mưa dịu mát. Hai bên đường vào làng có rất nhiều rác thải, dòng kênh nước đã đen sì. Bà Lâm, bán hàng nước ở đây cho biết: “Hôm nay trời mưa nên không khí trong lành hơn còn mấy hôm trước, không khí ngột ngạt lắm. Mùi đó phát ra từ các cơ sở làm tượng”. Hỏi về những cái chết bất thường vì ung thư ở làng, bà Lâm thở dài: “Mấy năm gần đây nhiều người làng đang khỏe mạnh thì bị bệnh chết. Đi viện khám bác sĩ kết luận là bị ung thư ở giai đoạn cuối không chữa được nữa”.

Ông Đặng Văn Việt, chồng của bà Loãn mới mất vì bệnh ung thư vòm họng bức xúc: “Vợ tôi 57 tuổi, bị bệnh hơn 1 năm rồi và mất cách đây một tháng. Gia đình chúng tôi cũng không dám khẳng định là có liên quan gì tới môi trường không nhưng tình trạng các xưởng làm tượng, làm bàn sử dụng hóa chất rồi thải khí độc, chất độc ra nguồn nước, không khí là có thật. Bao năm nay dân làng kêu nhiều rồi mà cứ đoàn kiểm tra này đi, đoàn xác minh khác đến vẫn chưa có kết quả gì".

Ông Việt cũng cho biết, em trai họ của ông nhà gần một xưởng làm tượng cũng đã chết vì bị ung thư dạ dày, bác sĩ kết luận là do ảnh hưởng từ môi trường. “Bây giờ người làng không ai dám đến làm công cho những xưởng làm tượng đó nữa, trừ những gia đình quá khó khăn không thể tìm được việc gì khác. Họ chỉ thuê thợ bên ngoài về và chỉ làm một thời gian bởi tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại nhiều, lâu công nhân mắc bệnh họ lại phải chịu trách nhiệm”, ông Việt tâm sự.

Bà Thân, chị gái ông Việt cho biết: “Thấy nhiều người chết, cả làng kéo nhau đi khám bệnh. Từ khi ở làng rộ lên tin đồn bị ung thư do khói bụi sản xuất tượng, bàn gây ung thư ai cũng hoang mang. Dân làm đơn kêu cứu nhiều lắm rồi".

Xã hội - Làng làm tượng biến thành 'làng ung thư'? (Hình 2).

Lượng rác thải do các hộ sản xuất tượng thải ra khá lớn, chủ yếu là những vụn vỡ, bụi có chứa hóa chất độc hại.

Dân chỉ biết kêu trời

Hơn 10 năm nay, người dân thôn Xuân La đã viết nhiều đơn gửi các cơ quan chức năng để cầu cứu nhưng vẫn chưa có kết quả. Các cán bộ, chuyên gia về môi trường cũng đã về thôn để xem xét, kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường do các xưởng sản xuất tượng, bàn gây ra nhưng đều không có câu trả lời thích đáng khiến người dân nơi đây hoang mang.

Trả lời PV Người đưa tin, ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch xã Phượng Dực khẳng định, không có chuyện người dân làng Xuân La chết quá nhiều do bệnh ung thư và tỉ lệ người chết ở làng không có gì bất thường. Ông cho biết: “Khi có đơn kiến nghị của bà con về vấn đề môi trường, chúng tôi đã có văn bản báo cáo lên công an môi trường huyện Phú Xuyên, công an môi trường TP. Hà Nội để có phương án giải quyết thỏa đáng. Họ đã về làm việc nhiều lần với xã, trực tiếp lấy mẫu kiểm tra hóa chất của các cơ sở làm tượng nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Phía cảnh sát môi trường thành phố Hà Nội cũng về làm việc đã hơn một năm cũng chưa có câu trả lời chính thức về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Xuân La. Về phía UBND xã Phượng Dực, chúng tôi cũng đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở đang hành nghề làm tượng. Họ đăng kí sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhưng lại chuyển sang làm tượng là đã vi phạm pháp luật. Chúng tôi đã có các biện pháp xử lý hành chính, yêu cầu ngừng việc sản xuất. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau thì họ lại quay lại hoạt động và chúng tôi không có đủ thẩm quyền để dỡ nhà, dỡ xưởng của họ".

Nhiều người dân trong làng Xuân La đã trở nên tuyệt vọng với việc chờ đợi cách giải quyết của các cơ quan chức năng. Hiện tại, làng vẫn còn 5 cơ sở hành nghề làm tượng ngay tại khu dân cư, thậm chí còn gần ngay cạnh trường tiểu học Xuân La, nơi có hàng trăm học sinh ngày ngày đến trường học tập, vui chơi.

Đinh Nhung - Bảo Hằng