Trong đó, du lịch chính là lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất, với cơ hội vươn tầm quốc gia và quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, lợi thế vị trí địa lý đặc biệt, nơi hội tụ cảnh quan kỳ vỹ cùng bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng và lòng mến khách của người dân, Lào Cai - Yên Bái hứa hẹn sau khi hợp nhất sẽ trở thành một địa phương có tiềm năng rất lớn để trở thành điểm sáng về du lịch xanh của Việt Nam và khu vực.
Vùng đất hội tụ tài nguyên du lịch bậc nhất cả nước
Với Thiên nhiên hùng vĩ – bản sắc nguyên sơ Lào Cai và Yên Bái là hai tỉnh có địa hình, khí hậu, cảnh quan đặc sắc hàng đầu tại Việt Nam: Tỉnh Lào Cai sẽ mới sở hữu "vành đai di sản," từ đỉnh Fansipan đến lòng hồ Thác Bà - một chuỗi điểm đến nổi bật như Sa Pa, Bắc Hà, Mù Cang Chải, Suối Giàng, Mường Lò… với cảnh quan kỳ vĩ, bản sắc văn hóa đặc sắc và lợi thế khí hậu.
- Lào Cai nổi bật với dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương, thị xã Sa Pa mang khí hậu ôn đới quanh năm, ruộng bậc thang ở Bát Xát, Bắc Hà… và hàng trăm di sản văn hóa của người H'Mông, Dao, Tày, Nùng...
- Yên Bái nổi tiếng với Mù Cang Chải – một trong những danh thắng ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới, cùng hồ Thác Bà, suối khoáng Trạm Tấu, đèo Khau Phạ, lễ hội "bay trên mùa vàng", rượu táo mèo, khăn thổ cẩm...
Về mặt địa lý, hai tỉnh liền kề nhau về không gian, tương đồng về địa hình và văn hóa, có thể dễ dàng xây dựng chuỗi du lịch trải nghiệm – khám phá – nghỉ dưỡng – cộng đồng xuyên tỉnh.

Đỉnh Fansipan (Lào Cai) nơi thu hút khách du lịch.
Từ liên kết đến hợp nhất: Tạo "cú hích" bứt phá cho du lịch vùng. Kết nối không gian – tạo vùng du lịch liên hoàn
Mỗi địa phương có thế mạnh riêng, và sự hợp tác không phải là cạnh tranh mà là bổ sung. Nếu Lào Cai nổi bật với Sa Pa trung tâm du lịch quốc tế, khu nghỉ dưỡng cao cấp và khí hậu mát lạnh quanh năm, thì Yên Bái lại hấp dẫn bởi sự nguyên sơ, gần gũi, bản sắc đậm đà.
Tổ chức các tour, tuyến liên tỉnh như: Sa Pa – Y Tý – Bát Xát – Mường Hum – Mù Cang Chải – Trạm Tấu – Văn Chấn, kéo dài trải nghiệm du khách 5–7 ngày, với điểm nhấn trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông, Dao, Tày; khám phá ruộng bậc thang di sản, chợ phiên cao nguyên và các hoạt động du lịch nông nghiệp, cộng đồng.
Du khách có thể bắt đầu hành trình từ thị xã Nghĩa Lộ nơi lưu giữ không gian văn hóa Thái Mường Lò, nghỉ đêm ở suối khoáng Trạm Tấu, rồi ngược lên Văn Bàn - Bát Xát khám phá rừng rậm, săn mây. Những ngày tiếp theo là Sa Pa náo nhiệt, Bắc Hà rực rỡ chợ phiên, rồi khép lại ở Mù Căng Chải với dù lượn đèo Khau Phạ và những ngôi làng của người Mông yên bình trong sương.
Bên cạnh liên kết tuyến - điểm - sản phẩm, các địa phương đang chú trọng giữ gìn và phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, lấy người dân bản địa làm trung tâm "Tây Bắc xanh – bản sắc – trải nghiệm".

Suối khoáng nóng Trạm Tấu (Yên Bái).
Tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ
Để hiện thực hóa liên kết vùng, hạ tầng giao thông là yếu tố tiên quyết. Đặc biệt, hệ thống giao thông đang và sẽ tiếp tục được kết nối mạnh mẽ: Cao tốc Nội Bài-Lào Cai, tuyến đường cao tốc nối Nghĩa Lộ-Trạm Tấu-Sa Pa đang dần hoàn thiện, giúp hành trình di chuyển ngắn hơn, an toàn hơn, cảng hàng không Sa Pa, đường thủy hồ Thác Bà… giúp ngành du lịch tiếp cận thị trường khách rộng lớn hơn, đồng thời nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng, là điều kiện lý tưởng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với du lịch quốc tế.
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội phát triển du lịch Lào Cai trở thành "Trung tâm du lịch động lực của miền núi phía Bắc" gắn với chiến lược "Trục thịnh vượng sông Hồng" và xây dựng cụm du lịch chất lượng cao "Sa Pa-Bắc Hà-Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải-Suối Giàng."
Hợp nhất không chỉ là cải cách – mà là cơ hội chiến lược Bảo đảm phát triển hài hòa
Với sự cộng hưởng sức mạnh từ hai địa phương, dự kiến đến năm 2030, tỉnh Lào Cai mới đón khoảng 16,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 74,8 nghìn tỷ đồng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Để hiện thực hóa điều đó, ngành du lịch địa phương xác định cần tư duy chiến lược, hành động quyết liệt, phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc từng vùng, điểm đến.
Dự kiến trong năm 2025, tỉnh Yên Bái và Lào Cai sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển cụm du lịch liên tỉnh, đồng thời xây dựng nền tảng số chia sẻ thông tin lịch trình, tour tuyến và sản phẩm du lịch. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành chuỗi giá trị du lịch vùng Tây Bắc mang tính kết nối sâu rộng.
Không còn là những "ốc đảo du lịch" tách biệt, Lào Cai và Yên Bái đang cùng nhau viết nên câu chuyện mới của du lịch vùng cao. Khi những ranh giới hành chính được xóa nhòa bởi ý chí hợp tác, một không gian du lịch Tây Bắc rộng mở - đa sắc - bền vững đang dần thành hình, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế trong thập kỷ tới.
Bà Vũ Thị Mai Oanh nhận định cùng với cơ hội là những thách thức không nhỏ do Yên Bái và Lào Cai có thế mạnh khác biệt. Lào Cai nổi bật với du lịch quốc tế, nghỉ dưỡng cao cấp và đô thị du lịch như Sa Pa; còn Yên Bái phát triển mạnh du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với văn hóa bản địa, nên việc thống nhất định hướng, phân vùng chức năng và bảo đảm phát triển hài hòa là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi cách tiếp cận đồng bộ, khoa học, có lộ trình rõ ràng.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Trần Sơn Bình, việc hợp nhất Lào Cai và Yên Bái tạo ra nhiều tiềm năng phát triển mới cho ngành du lịch, tuy nhiên, để thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
Hợp nhất hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái không chỉ là bài toán tổ chức lại bộ máy, mà còn là cơ hội chiến lược để tái định vị vùng Tây Bắc trong bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Nếu làm tốt, vùng hợp nhất này hoàn toàn có thể trở thành trung tâm du lịch sinh thái – văn hóa – cộng đồng lớn nhất cả nước, đi đầu trong phát triển du lịch xanh, bền vững, giàu bản sắc và tạo sinh kế cho hàng trăm nghìn người dân vùng cao.
Thu Hà